Việt Nam Thời Báo

Báo SGGP “trấn áp” Thư ngỏ 61: Sao lại sợ dân mở miệng?

Minh Tâm
* Tác giả gửi bài cho VNTB

“Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” là một trong những tiếng nói mà người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam phải cầu thị lắng nghe.

Mọi quy chụp như tác giả bài báo đã viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng (http://www.sggp.org.vn/xaydungdang/2014/11/366020/), cần được xem xét về động cơ vì sao cơ quan ngôn luận của Thành ủy TP.HCM lại tuyên truyền định hướng đi ngược lại hoàn toàn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Sao lại sợ dân mở miệng?

Với cơ chế tổ chức hiện nay, chưa thể có phản biện thật sự, nói một cách khác, người dân không thể mở miệng để lên tiếng về những chuyện không hài lòng.

Đơn cử, sở dĩ thưa kiện liên quan đất đai kéo dài vì qui hoạch lâu nay vẫn là theo kiểu nhà nước định hướng, nhà chuyên môn thiết kế qui hoạch và người dân phải thực hiện theo.

Chính vì qui hoạch không phản ánh được đầy đủ nguyện vọng của nhân dân nên nhiều bản qui hoạch không phù hợp, thiếu tính khả thi…, và người dân phản ứng là lẽ thường tình. Cách hay nhất có thể tạo được sự đồng thuận chung trong làm qui hoạch là tạo điều kiện tối đa để người dân hay thông qua đại diện là các tổ chức tham gia ý kiến vào công tác này ngay từ đầu, và đó cũng là một trong những cách thực hiện phản biện xã hội.

Tuy nhiên điều đơn giản ấy không thể thực hiện. Xin lấy mô hình tổ chức cấp quận ở TP.HCM để lý giải.

Theo đó, quận ủy là cơ quan lãnh đạo có quyền lực cao nhất, UBND là cơ quan quản lý nhà nước do phó bí thư quận ủy làm chủ tịch, trong khi HĐND quận là cơ quan giám sát nhưng nhiều nơi do bí thư quận ủy kiêm chủ tịch cơ quan giám sát này. Mặt khác, Mặt trận là các tổ chức quần chúng do một quận/ huyện ủy viên phụ trách, công đoàn là đại diện cho công nhân cũng do một quận/ huyện ủy viên phụ trách…

Nếu tổ chức một “hội nghị phản biện” giữa các cơ quan thì thành phần tham dự như “hội nghị quận ủy”. Do đó, đây không phải là sự phản biện của cơ quan, tổ chức này với cấp lãnh đạo, quản lý mà thực chất là hội nghị kiểm điểm, phê bình và tự phê bình giữa các chức danh trong cơ quan lãnh đạo của quận ủy.

Vụ án tiêu cực đất đai rất ầm ĩ ở quận Gò Vấp mấy năm trước, mà cả ông Nguyễn Văn Tính – nguyên bí thư quận ủy kiêm chủ tịch HĐND quận – và ông Trần Kim Long – nguyên chủ tịch UBND quận – đều phải ra đứng trước vành móng ngựa là một đơn cử. Nếu bí thư cố tình làm sai thì vị bí thư có thể dùng cơ chế nói trên để “vô hiệu hóa” tiếng nói của tất cả các cơ quan dưới quyền.

Đừng để phản biện chỉ là khẩu hiệu mang tính tuyên ngôn

Bên cạnh yêu cầu phải có luật về hội, thì một việc làm không kém phần quan trọng là phải ban hành “Luật về quyền được thông tin” của người dân.

Để công dân “làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội”; để các tổ chức xã hội phản biện về chủ trương, chính sách, đề án; để giám sát xã hội đối với Đảng và Nhà nước có hiệu quả và chống tham nhũng, lãng phí… thì không thể không thực hiện thông tin cho xã hội, cho công dân. Đó là trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan nhà nước. Nếu không làm như vậy, phản biện và giám sát xã hội chỉ là những khẩu hiệu mang tính tuyên ngôn và hình thức.

Công dân, những pháp nhân, người đóng thuế sẽ trở nên khó chịu và bức bách hơn nếu vì bưng bít thông tin mà nạn tham nhũng còn tiếp tục móc túi họ mỗi ngày, khi cái cảm giác thành quả lao động của họ bị tước đoạt, khi những PMU 18, Vinashin, Đường sắt… hoành hành và tài sản công bị tước đoạt giữa ban ngày.

Chỉ sợ dân không thiết mở miệng…

Đại biểu Quốc hội, ông Dương Trung Quốc nói rằng: “Tôi có biết một câu nói của Bác Hồ, câu này không có trong chính văn, nhưng khi tôi dùng câu này trước Mặt trận Tổ Quốc, tôi phải nói rằng đây là hai câu nói nằm trong Hồi ức của hai nhà lãnh đạo công tác tuyên huấn rất nổi tiếng. Bác Hồ có nói rằng “Dân chủ là làm sao cho dân mở miệng, đừng để cho dân sợ không dám mở miệng, nhưng điều đáng lo hơn nữa là khiến dân không thiết mở miệng”, tức là người ta không có niềm tin để tham gia vào công việc chung nữa và khoảng cách giữa những người cầm quyền và những người dân là quá xa rồi.

Đó là điều đáng cảnh báo và câu nói của Bác hết sức sâu sắc. Bởi vì sức mạnh của chính Đảng của chúng ta là sức mạnh hội tụ được lòng dân, tập hợp trí tuệ của dân. Nếu chúng ta đánh mất cái đó thì như Bác Hồ đã nói: “Nếu chúng ta xa rời dân thì chúng ta không còn lý do gì để tồn tại…”.

(http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-05-19-hau-the-hoc-bac-lam-sao-cho-dan-mo-mieng-)

Niềm tin của dân chính là sự thể hiện hiệu quả lãnh đạo của Đảng, biểu hiện sức sống của Đảng, sự gắn bó máu thịt của Đảng với dân. Niềm tin của dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Đảng là niềm tin được xây đắp từ mối quan hệ bền chặt dân với Đảng, Đảng hy sinh phấn đấu cho hạnh phúc nhân dân, cho độc lập, tự do của Tổ quốc, nhân dân đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng Đảng.

Khi người dân được hưởng quyền tự do dân chủ, lợi ích thiết thực thì niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được khẳng định vững chắc. Vì còn tin Đảng, vẫn kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đảng nên mới có sự hiện diện của “Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” – ký ngày 28-07-2014.

Bịt miệng những điều tâm huyết mà người dân đang bày tỏ với Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể đó là xuất phát từ động cơ muốn “phỉ báng Chính quyền nhân dân” (Điều 88) và “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (Điều 258 – Bộ Luật Hình sự).

Trên thực tế, nếu tôn trọng quyền lập hội của người dân chính là tôn trọng dân chủ, thì vai trò của các hội đoàn trong việc phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, hợp tác hiến kế và tham mưu cho chính quyền sẽ là những điều kiện quan trọng tiếp theo.

Và như vậy, “Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” phải được hiểu là việc yêu cầu Đảng cầm quyền phải giải trình các vấn đề mà người ta không thể, hay chưa thể chuyển chuyện đó vào trong Quốc hội.

Nhân danh một Đảng của dân, do dân và vì dân, người dân luôn có quyền yêu cầu Đảng giải trình việc này, việc kia. Việc ấy hết sức bình thường trong một xã hội phát triển, trong đó tôn trọng vai trò XHDS. Mọi quy chụp như tác giả bài báo đã viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng (http://www.sggp.org.vn/xaydungdang/2014/11/366020/) là không chấp nhận được.

Tin bài liên quan:

Trao đổi về “Bài học đầu về dân chủ”

Phan Thanh Hung

Nhà cầm quyền sách nhiễu các blogger vì phiên họp thường kì của các tổ chức XHDS sáng nay 5/8/2014

Phan Thanh Hung

CPJ kêu gọi thả ‘Bọ Lập’ vô điều kiện

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo