Việt Nam Thời Báo

Biểu tình sinh viên: Từ Hồng Kông nhìn lại Việt Nam

Khúc Thừa Sơn
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Con số hơn 10.000 sinh viên Hồng Kông xuống đường biểu tình đòi tự do dân chủ , tự do bầu cử chống lại quyết định bầu cử người trưởng khu hành chính Hồng Kong do Đảng cộng sản Bắc Kinh chỉ định vào năm 2017 là tâm điểm thời sự quốc tế trong tuần này ở hầu hết các trang báo đài quốc tế đã nói lên sự sôi nổi và gay cấn diễn biến chính trị ở Hồng Kông.

“Một nước, hai chế độ” và “bất tuân dân sự”

Cũng như Ma Cao, Hồng Kông cũng là đặc khu hành chính của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Lãnh thổ này, gồm hơn 260 hòn đảo, nằm về phía Đông của đồng bằng châu thổ Châu Giang, giáp với tỉnh Quảng Đông về phía Bắc và nhìn ra biển Đông ở phía Đông, Tây và Nam.

Hồng Kông từng là một lãnh thổ phụ thuộc của Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ailen từ năm 1842 đến khi chuyển giao chủ quyền cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997. Tuyên bố chung Trung – Anh và luật cơ bản Hồng Kông quy định Hồng Kông được hưởng một quy chế tự trị cao cho đến ít nhất là năm 2047 – 50 năm sau khi chuyển giao chủ quyền. Tức là , Hồng Kông được hưởng chính sách một quốc gia, hai chế độ, chính quyền Bắc Kinh chịu trách nhiệm về mặt quốc phòng và ngoại giao của lãnh thổ Hồng Kông. Còn Hồng Kông thì duy trì phần lớn chế độ chính trị, hệ thống pháp luật, lực lượng cảnh sát, chế độ tiền tệ, chính sách hải quan, chính sách nhập cư, hệ thống xuất bản, báo chí, hệ thống giáo dục của Anh, và các đại biểu trong các tổ chức, đảng phái, và sự kiện quốc tế.

Với mong muốn sớm hoàn thành việc đưa Hồng Kông vào khuôn khổ chế độc tài cộng sản Bắc Kinh, nhà cầm quyền Bắc Kinh trong những năm gần đây đã đưa ra nhiều chương trình, chính sách của mình để áp dụng vào đời sống người dân Hồng Kông. Đơn cử vào năm 2011, nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh đề xuất chính sách đem chương trình “Giáo dục đạo đức và quốc gia” vào các trường học ở Hồng Kông. Chính sách này nhanh chóng bị thất bại bởi ngay sau đó có hơn 120.000 người dân Hông Kông biểu tình phản đối quyết liệt.

Và lần này, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử chức trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông vào năm 2017, chính quyền cộng sản Bắc Kinh đưa chủ trương ứng cử viên bầu cử phải do Đảng cộng sản Bắc Kinh đề cử. Và như giọt nước tràn ly, người dân Hồng Kông lại một lần nữa xuống đường biểu tình để phản đối chủ trương này của chính quyền cộng sản Bắc Kinh bởi nó xâm phạm đến đời sống tự do dân chủ, tự do bầu cử vốn có từ lâu nay của người dân Hồng Kông.

Một cuộc “bất tuân dân sự” dự kiến nổ ra vào ngày 1 tháng 10 tức là nhằm vào ngày quốc khánh Trung Quốc. Song, chính quyền Hồng Kông hiện tại với người đứng đầu là Lương Chấn Anh đã dùng lực lượng cảnh sát trấn áp dòng người biểu tình. Với hình ảnh người biểu tình bị cảnh sát Hồng Kông xịt hơn cay đã lan truyền đi khắp thế giới khiến sự gây cấn , căng thẳng của cuộc biểu tình được đẩy lên cao độ . Và cuộc biểu tình “ bất tuân dân sự” ở Hồng Kông theo chủ trương những người đứng đầu phải nổ ra sớm hơn dự kiến.


Sự so sánh khập khiễng

Cuộc biểu tình “ bất tuân dân sự” hay nói cách khác là cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ hiện đang diễn ra tại Hồng Kông. Người ta dễ dàng nhận thấy chiếm phần lớn là lực lượng sinh viên-học sinh. Những người trẻ tuổi này đã trổi dậy mạnh mẽ khi dấn thân tranh đấu cho quyền con người, quyền tự do dân chủ đòi hỏi chính phủ Trung Quốc phải cho người dân Hồng Kông được toàn quyền chọn lựa người lãnh đạo, thay vì bỏ phiếu chọn người theo danh sách do Bắc Kinh đưa ra. Con số ước chừng ban đầu có hơn 10 ngàn sinh viên đại học ở Hồng Kông tham gia được ví ngang ngửa với cuộc biểu tình tại Thiên An Môn cách đây 25 năm về trước.

Nổi bật trong cuộc biểu tình của giới học sinh – sinh viên là chàng thanh niên –sinh viên Joshua Wong, 17 tuổi được xem là thủ lĩnh dân chủ của phong trào sinh viên. Joshua Wong với những phát ngôn ấn tượng “Tôi không muốn cuộc đấu tranh cho dân chủ phải truyền lại cho thế hệ sau. Đây là trách nhiệm của chính thế hệ chúng tôi”, hay “Nếu bạn đã có tâm lý rằng đấu tranh cho dân chủ là một cuộc chiến kéo dài và bạn tiến hành từ từ, thì bạn sẽ không bao giờ chiến thắng. Bạn phải xem mọi cuộc chiến như trận chiến cuối cùng, chỉ có vậy thì bạn mới có quyết tâm để chiến đấu” – Wong đã nói trong khi cuộc biểu tình đang diễn ra căng thẳng.

Wong đã bị cảnh sát Hồng Kong bắt giữ vào tối 26/9, sau đó được thả ra và hiện anh vẫn là linh hồn của cuộc biểu tình trong giới học sinh – sinh viên Hồng Kông.

Sự đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt của học sinh – sinh viên Hồng Kông với chính quyền cộng sản Bắc Kinh trong công cuộc vì tự do dân chủ cho người dân Hồng Kông tại đặc khu hành chính Hồng Kông đang là nguồn cảm hứng cho học sinh – sinh viên, những người tuổi trẻ dấn thân vì quyền con người và tự do dân chủ của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong khi rất nhiều người ở Việt Nam thể hiện sự cảm phục, mến mộ giới học -sinh viên Hồng Kông bao nhiêu thì lại dùng những so sánh có phần khập khiễng dành cho giới học sinh-sinh viên Việt Nam bấy nhiêu, căn cứ vào những nhận xét đăng ở các trang mạng xã hội như facebook. Sự so sánh có phần khập khiễng này, theo tôi xuất phát từ nhận định chưa đúng về hoàn cảnh hiện tại giữa sinh viên- học sinh 2 phía là Hồng Kông và Việt Nam:

Một là, sinh viên –học sinh Hồng Kông đấu tranh để bảo vệ nền dân chủ mà họ có được từ thời thuộc địa Anh đến giờ đã ngót hơn 100 năm còn sinh viên- học sinh Việt Nam có đấu tranh cũng chỉ vì đòi quyền tự do dân chủ cho Việt Nam.

Hai là, sinh viên –học sinh Hồng Kông có bề dày kinh nghiệm học hỏi đấu tranh dân chủ trong khi học sinh- sinh viên Việt Nam kinh nghiệm ví như con số không, bởi ngay từ nhỏ cái họ học là yêu Đảng cộng sản, yêu Bác Hồ, yêu chủ nghĩa Mác- Lênin, hoàn toàn không có học gì về dân chủ.

Ba là, học sinh- sinh viên Hồng Kông khi nổ ra phong trào đấu tranh thì được đông đảo người dân và giới trí thức Hồng Kông ủng hộ, điều này sinh viên – học sinh Việt Nam giường như không có. Hình ảnh Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Tiến Trung, 14 thanh niên công giáo…, hết thẩy là học sinh- sinh viên Việt Nam lẻ loi đứng trước vòng móng ngựa khi đón nhận bản án tù tội của chính quyền Việt Nam đã nói lên hết thẩy điều ngang trái.

Bốn là, đặt trường hợp những học sinh-sinh viên Hồng Kông đang dấn thân mạnh mẽ vì tự do dân chủ hiện tại, nếu họ là sinh viên hoạt động ở trong lòng cộng sản Bắc Kinh hay trong lòng cộng sản Bắc Triều Tiên thì liệu họ có làm nên lịch sử hiện tại hay không? Có thể họ cũng như học sinh – sinh viên Việt Nam nếu không nói là mọi điều khó đoán trước. Từ 4 điểm khác biệt này cho tôi thấy rằng những gì học sinh – sinh viên Hồng Kông có được mà thương cho các học sinh- sinh viên hay những người trẻ tuổi ở Việt Nam hiện đang chịu quá nhiều thiệt thòi khi dấn thân vào con đường tranh đấu đòi tự do dân chủ cho quê hương Việt Nam

Ở bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, lực lượng học sinh- sinh viên luôn đóng vai trò quan trọng đối với vận mệnh quốc gia hay vùng lãnh thổ đó ở hiện tại hoặc tương lai, cho nên đừng để họ bị bơ vơ trước những việc làm thiết thực. Công cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ không phải ngày một ngày hai mà đòi hỏi cả một quá trình ngoài khả năng rèn luyện ý chí kiên cường, các nhân tố khách quan và chủ quan ủng hộ thì người dấn thân còn phải được sự ủng hộ đồng lòng toàn dân toàn xã hội thì mới mong đem lại sự thành công và thắng lợi.

Tin bài liên quan:

Lực lượng biểu tình ở Hồng Kông kiên quyết không rút lui

Phan Thanh Hung

Người sáng lập biểu tình Hong Kong bật khóc, “đầu hàng”

Phan Thanh Hung

VNTB- Phỏng vấn NV Bùi Công Dụng về trưng cầu dân ý: “Không được quy kết những ý kiến đối kháng gay gắt”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo