VNTB: Nếu ngay giáo sư Carl Thayer của Học viện quốc phòng Úc cũng phải thốt lên “Tôi hoàn toàn bất ngờ!” trước sự kiện bình thường hóa Cuba – Mỹ vào những ngày cuối năm 2014, hẳn Nhà nước Việt Nam “cùng canh giữ hòa bình thế giới với Cuba” còn bất ngờ hơn. Dù chỉ phản ứng một cách thận trọng về “ủng hộ bình thường hóa Cuba – Mỹ” được truyền đạt bởi cấp phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, nhưng có thể nói việc phát ngôn này ngay vào chiều 18/12 vừa qua, cùng ngày lộ diện sự kiện Mỹ Latinh, cho thấy Nhà nước VN đã chọn cách “phản ứng nhanh” trước xu thế hội nhập quốc tế và giảm bớt liều lượng “thế lực thù địch” không thể cưỡng lại.
Một trong những tờ báo đảng “kiên định” nhất – Quân Đội Nhân Dân – đã ngay lập tức có tin bài về sự kiện quá đặc biệt trên, cùng bình luận: “Có thể nói, đây là sự kiện được nhân dân cả hai nước Cu-ba và Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế mong đợi từ rất lâu”.
Trong khi đó, dù chưa biểu lộ chính kiến riêng, một số tờ báo nhà nước đã dẫn lại bình luận của báo chí quốc tế. Tạp chí Nghiên Cứu Quốc Tế là một ví dụ khi đăng lại bài của nhà báo Jorge G. Castañeda với đánh giá “Thoạt nhìn, thỏa thuận này có vẻ là một thắng lợi lớn của Cuba với việc Mỹ cuối cùng cũng phải từ bỏ nỗ lực cô lập hòn đảo cộng sản này. Thực tế có phần phức tạp hơn thế”. Đánh giá này hiển nhên đang phủ nhận quan điểm “thắng lợi của Cuba” từ một số dư luận viên và giới tuyên giáo VN theo cung cách “phép thắng lợi tinh thần” của nhân vật AQ trong tác phẩm của nhà văn Lỗ Tấn.
“Sự phục hồi của nền kinh tế Cuba sẽ phụ thuộc vào việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Mỹ, điều chắc chắn không thể xảy ra nếu không có những thay đổi lớn về dân chủ và quyền con người” – bài viết của Jorge G. Castañeda đăng trên Nghiên Cứu Quốc Tế đã đặt thẳng vấn đề về dân chủ và nhân quyền – cũng là một trong những yếu tố then chốt mà cộng đồng quốc tế đang bức thiết đòi hỏi đối với Nhà nước VN “nói nhiều làm ít”.
“Mạnh dạn” hơn, tờ Đại Biểu Nhân Dân – “Tiếng nói của Quốc hội” – còn rút tít “Sự sụp đổ bức tường Berlin ở Mỹ Latin” – như một cách so sánh không quá ẩn dụ cho những gì còn lại ở VN.
Đó mới chỉ là những phản ứng đầu tiên đáng chú ý của báo chí VN. Những ngày tiếp tới, lộ trình dần triển khai việc bình thường hóa Cuba – Mỹ sẽ dẫn đến những hành động thực tiễn và có thể thú vị đến bất ngờ. Đó cũng là chất men đang và sẽ xúc tác cho hiệu ứng truyền thông của báo giới nhà nước, khi chính giới báo chí bị “vòng kim cô” này cũng đang quá cần đến một tinh thần tự do ngôn luận đúng nghĩa.
—————————————–
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Sự sụp đổ bức tường Berlin ở Mỹ Latin
19/12/2014
Từ Mexico đến Argentina, tất cả chính phủ Mỹ Latin đã chào mừng sự kiện Mỹ và Cuba quyết định bình thường hóa quan hệ. Tổng thống Uruguay José Mojica coi đây giống nhưsự sụp đổ bức tường Berlin ở Mỹ Latin. Trong khi đó, đồng nhiệm Brazil Dilma Rousseff khẳng định, sự kiện này mở ra chương mới cho quan hệ của châu lục. Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz cho rằng, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba là “sự khởi đầu cho việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh ở Mỹ Latin”.
Tại Bogota, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos ca ngợi sự dũng cảm và táo bạocủa hai nhà lãnh đạo Obama và Raul Castro. Ông liên hệ sự kiện này với những tiến triển trong tiến trình đàm phán với lực lượng nổi dậy FARC ở Colombia.
Tại Argentina, nơi đang diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 47 Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), tin tức từ Mỹ và Cuba đã làm nóng khán phòng và trở thành chủ đề nóng nhất. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, một trong những đồng minh thân thiết của Cuba đã ca ngợi: “Obama đã có một hành động dũng cảm và cần thiết nếu nhìn từ lịch sử. Ông đã có bước đi chưa từng có tiền lệ”.
Có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 47 MERCOSUR ở Argentina, các nhà lãnh đạo Paraguay, Uruguay và Bolivia cũng hoan nghênh việc Cuba và Mỹ thông báo khôi phục quan hệ ngoại giao, coi đây là một sự kiện lịch sử. Tổng thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Jose Miguel Insulza tuyên bố, quyết định của Tổng thống Mỹ Obama đã xóa bỏ điều gây chia rẽ lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latin. Ông Insulza kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng bãi bỏ lệnh bao vây phong tỏa thương mại mà Washington đã áp đặt lên Cuba hơn nửa thế kỷ qua.
Liên minh châu Âu cũng ca ngợi thỏa thuận đột phá giữa Mỹ và Cuba, coi đây là “bước ngoặt lịch sử”. “Thỏa thuận trên là một thắng lợi của đối thoại trước đối đầu. Hôm nay, một bức tường nữa đã bị kéo đổ”, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Federica Mogherini nhận định. Nhà ngoại giao này bày tỏ hy vọng EU sẽ có thể “mở rộng quan hệ với tất cả thành phần trong xã hội Cuba nhằm thúc đẩy các tiến bộ kinh tế – xã hội và bảo đảm các quyền cơ bản của con người”. Cuba là nước duy nhất ở Mỹ Latin không có đối thoại chính trị với EU, nhưng từ đầu năm nay, hai bên đã nối lại các cuộc đàm phán sau hơn 11 năm gián đoạn.
Với tư cách Chủ tịch luân phiên EU, Thủ tướng Italy Matteo Renzi nhận định việc Washington và Havana bình thường hóa quan hệ là quyết định mang tính then chốt và là bước tiến phi thường hướng tới việc đối thoại thay vì đối đầu.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định khôi phục quan hệ giữa Mỹ và Cuba. “Đây là tin rất tốt vào thời điểm có quá nhiều xung đột như hiện nay”, người đứng đầu ngành ngoại giao Đức nói.
Là bên trung gian chính cho các cuộc đàm phán bí mật giữa Mỹ và Cuba hơn 9 tháng qua, Tòa thánh Vatican cũng đã ra tuyên bố chúc mừng chính phủ hai nước trong việc vượt qua mọi khó khăn để đưa ra quyết định lịch sử.
Thủ tướng Canada Stephen Harper bày tỏ vui mừng trước những thành quả đạt được nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của Ottawa. Canada là nước đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán bí mật cho Mỹ và Cuba, từ đó kéo hai nước láng giềng xích lại gần nhau. Tuy nhiên, theo ông Harper, sự nồng ấm này vẫn tới quá chậm nếu như nhìn lại chặng đường hơn 50 năm quan hệ băng giá thời gian qua.
Từ Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Điện Kremlin ủng hộ mạnh mẽ việc Tổng thống Obama bình thường hóa quan hệ với Cuba. Nhà ngoại giao Nga khẳng định đây là bước đi ngoại giao đúng hướng vì hành động áp đặt trừng phạt đối với một quốc gia không phù hợp với nền tảng pháp lý quốc tế.
Đại biểu nhân dân
————————–
Tại sao Cuba – Mỹ quyết định bình thường hóa quan hệ?
Cuộc điện thoại giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raúl Castro, theo sau là cuộc trao đổi một tù nhân Mỹ để đổi lại ba nhân viên tình báo Cuba bị giam giữ tại Mỹ, đánh dấu thời điểm quan trọng nhất trong quan hệ song phương nhiều thập kỷ qua. Không lâu sau đó, Mỹ và Cuba thông báo rằng họ sẽ bắt đầu quá trình khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ.
Thoạt nhìn, thỏa thuận này có vẻ là một thắng lợi lớn của Cuba với việc Mỹ cuối cùng cũng phải từ bỏ nỗ lực cô lập hòn đảo cộng sản này. Thực tế có phần phức tạp hơn thế.
Thứ nhất, đây không phải là sự kết thúc lệnh cấm vận thương mại của Mỹ vốn chỉ Quốc hội mới có thể dỡ bỏ. Quan hệ giữa hai nước cũng không hoàn toàn bình thường hóa; sẽ có đại sứ quán, nhưng không có đại sứ.
Nhưng chắc chắn thỏa thuận này, do Vatican và Canada làm trung gian, là một bước tiến quan trọng. Người Mỹ không phải gốc Cuba sẽ có thể tới Havana dễ dàng hơn. Các giao dịch ngân hàng giữa hai nước cũng có thể được thực hiện. Một số vấn đề về thương mại sẽ được giải quyết. Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ loại Cuba khỏi danh sách các quốc gia mà nó cáo buộc là hỗ trợ cho khủng bố.
Về phần mình, đúng là Cuba có vẻ phải nhượng bộ rất ít. Ngoài thả tự do một người Mỹ, Alan Gross, Castro còn đồng ý thả 53 tù nhân chính trị, nới lỏng các hạn chế về mạng Internet, và cho phép các quan chức về nhân quyền của Liên Hợp Quốc và các quan sát viên đến từ Hội Chữ thập đỏ Quốc tế vào Cuba. Đây chắc chắn là những nhượng bộ, nhưng không phải lớn lao gì khi xem xét những thứ Cuba có thể đạt được khi nối lại quan hệ ngoại giao sau một nửa thế kỷ bị cô lập.
Thế nhưng Cuba đang gặp khó khăn do một yếu tố quan trọng vốn có lẽ đã thúc đẩy quyết định của Castro: sự sụt giảm gần đây của giá dầu. Một loạt các yếu tố – như mức tăng ngoạn mục trong sản xuất dầu lửa và khí đốt của Mỹ, suy thoái ở châu Âu và Nhật Bản, quyết định giữ công suất khai thác dầu của Ả-rập Xê-út, và suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và Ấn Độ – đã dẫn đến nguồn cung dư thừa. Và hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là những quốc gia mà trong lịch sử Cuba từng phụ thuộc vào để giữ nền kinh tế của mình sống sót: Nga và Venezuela.
Trong hai nước, Venezuela và những rắc rối của nó đe dọa nhiều nhất đến sự ổn định của Cuba. Nga đã thôi viện trợ đáng kể cho Cuba kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng Venezuela, dưới thời cố Tổng thống Hugo Chávez, từng là người bảo trợ quan trọng, gửi cho Cuba khoảng 100.000 thùng dầu mỗi ngày, cùng một khoản viện trợ 5-15 tỉ đô la mỗi năm.
Những khoản viện trợ này khó có thể tiếp tục. Quả thật, không phải ngẫu nhiên mà các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Cuba bắt đầu không lâu sau khi Chávez qua đời năm 2013. Chắc chắn rằng nếu không còn trợ cấp từ Venezuela, Cuba sẽ một lần nữa rơi vào suy thoái, như nó đã từng gặp phải sau khi viện trợ từ Nga suy giảm hồi đầu những năm 1990.
Điều này khiến Cuba rất dễ bị tổn thương. Cải cách kinh tế rõ ràng đã không đem lại những hiệu quả như mong muốn. Thu nhập giảm. Thiếu hụt (hàng hóa) trên diện rộng khiến lạm phát tràn lan, với nguy cơ siêu lạm phát ngày một tăng. Tỉ giá giao dịch ngoại tệ trên thị trường chợ đen chỉ cao hơn 3% so với tỉ giá chính thức một chút. Một biến động chính trị lớn đang ngày càng trở nên khả dĩ.
Trong cuốn Back Channel to Cuba: The Hidden History of Negotiations Between Washington and Havana , William LeoGrande và Peter Kornbluh đã mô tả việc Cuba liên tục từ chối đưa ra những nhượng bộ chính trị để đổi lại việc chấm dứt lệnh cấm vận hay bình thường hóa quan hệ ngoại giao như thế nào. Và quả thực, Castro đã không hề đưa ra bất cứ nhượng bộ chính trị nào trong thỏa thuận được công bố gần đây.
Nhưng những tính toán kinh tế gần đây cho thấy sự thay đổi như thế rất có thể sẽ sớm xảy ra. Khi không có một người bảo trợ giàu có và hào phóng, sự phục hồi của nền kinh tế Cuba sẽ phụ thuộc vào việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Mỹ, điều chắc chắn không thể xảy ra nếu không có những thay đổi lớn về dân chủ và quyền con người.
Khi lịch sử hiện tại được viết nên, có thể hóa ra không phải việc sử dụng vũ lực hay nỗ lực của các nhà ngoại giao, mà rốt cuộc chính sự can thiệp vô tư của những ông trùm dầu mỏ xa xôi ở Bắc Dakota và Bán đảo Ả-rập đã khiến Cuba của Castro cuối cùng phải mở cửa.
Nguồn: Jorge G. Castañeda, “Why Cuba Turned,” Project Syndicate, 19/12/2014.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Jorge G. Castañeda là Ngoại trưởng Mexico giai đoạn 2000-2003, sau khi cùng đối thủ ý thức hệ của ông, Tổng thống Vicente Fox, tạo nên chính phủ dân chủ đầu tiên của nước này. Ông hiện là giáo sư ngành Chính trị học và ngành Nghiên cứu Mỹ Latinh và Caribe tại Đại học New York, và là tác giả của cuốn “The Latin American Left After the Cold War” và “Compañero: The Life and Death of Che Guevara.”
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
————————————
Bước ngoặt quyết định
Bước ngoặt quyết định
QĐND – Thứ năm, 18/12/2014 | 23:4 GMT+7
QĐND – Cách đây một năm, khi Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (B. Obama) tiến đến bắt tay Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô (Raul Castro) trong lễ tang cựu Tổng thống Nam Phi N.Man-đê-la (Nelson Mandela), thế giới đã đồn đoán về một cái kết có hậu cho quan hệ căng thẳng trong suốt nửa thế kỷ giữa hai quốc gia. Và điều đó đã thành sự thật vào ngày 17-12, khi lãnh đạo hai nước đồng thời công bố quyết định tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương trong thời gian tới.
Có thể nói, đây là sự kiện được nhân dân cả hai nước Cu-ba và Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế mong đợi từ rất lâu.
Tổng thống Barack Obama lần đầu bắt tay với Chủ tịch Cuba Raul Castro tại tang lễ nhà lãnh đạo Nelson Mandela hồi tháng 12/2013. Ảnh: Reuters
|
Năm 1962, sau thất bại của vụ can thiệp Vịnh Con Lợn, Mỹ bắt đầu áp dụng lệnh cấm vận toàn diện với Cu-ba. Kể từ đó, mỗi Tổng thống Mỹ lên cầm quyền đều củng cố lệnh này. Đến năm 1992, Oa-sinh-tơn lại đưa ra Đạo luật Helms-Burton trừng phạt bất cứ công ty nước ngoài nào làm ăn, giao dịch với Cu-ba.
Khỏi phải nói “bức tường” mà Mỹ dựng lên nhằm cô lập Cu-ba với thế giới bên ngoài đã gây thiệt hại to lớn thế nào với đất nước này. Chính phủ Cu-ba ước tính, trong hơn nửa thế kỷ qua, việc phong tỏa của Mỹ đã gây tổn thất tài chính vào khoảng 1,1 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, dù bao vây, cấm vận Cu-ba trong suốt hơn 50 năm qua, nhưng thật trớ trêu, nhiều người Mỹ lại cho rằng, chính nước Mỹ mới phải trả giá lớn hơn vì cuộc cấm vận. Các công ty Mỹ bị thiệt hại nặng vì đã không làm ăn được với Cu-ba, chưa kể những cơ hội kinh doanh lớn ở Cu-ba trong tương lai. Thống kê của Roi-tơ cho hay, trong 54 năm cấm vận Cu-ba, kinh tế Mỹ cũng thiệt hại 1,2 tỷ USD mỗi năm.
Ngoài ra, xét về mặt chính trị, chính sách cấm vận chống Cu-ba là chướng ngại vật lớn nhất trên con đường cải thiện quan hệ của Mỹ với các nước Mỹ La-tinh. Thế giới cũng không đồng tình với lệnh cấm vận của Oa-sinh-tơn. Liên tiếp hơn 20 năm, LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế toàn diện và các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Cu-ba.
Có lẽ vì thế mà một mối quan hệ “bình thường” giữa hai quốc gia cách nhau vỏn vẹn 90 hải lý đã hơn một lần được lãnh đạo hai bên nhắc tới.
Một trong những câu hỏi được nhiều người đặt ra đó là vì sao Tổng thống Mỹ lại chọn thời điểm này để bình thường hóa quan hệ với Cu-ba?
Cần phải nhấn mạnh rằng để đạt được thỏa thuận lịch sử trên, Cu-ba đã nhất trí trả tự do cho nhân viên hợp đồng của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) A. Grô-xơ (Alan Gross)-một điệp viên làm việc cho chính phủ Mỹ bị kết án tù tại Cu-ba, trong khi Oa-sinh-tơn trả tự do cho 3 chiến sĩ tình báo Cu-ba bị giam giữ tại các nhà tù ở Mỹ. Dù động thái trên được coi là bước đột phá ngoại giao cần thiết giữa hai nước, nhưng chính những thay đổi chính trị (nhu cầu) nội tại cả hai bên đã tạo điều kiện cho việc bình thường hóa.
Quyết định phá băng trong quan hệ với Cu-ba được Tổng thống Ô-ba-ma đưa ra trong bối cảnh sự ủng hộ trong cộng đồng người Cu-ba ở Mỹ đối với việc bình thường quan hệ và bãi bỏ cấm vận chống Cu-ba đang có bước chuyển biến tích cực. Kết quả thăm dò mới nhất cho thấy, hiện có khoảng 60% người Mỹ gốc Cu-ba được hỏi ý kiến ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ Mỹ – Cu-ba, riêng giới trẻ có tới 90% ủng hộ. Trong một cuộc khảo sát khác của tờ The New York Times thì cứ 10 người Mỹ thì có 6 người ủng hộ cải thiện quan hệ với Cu-ba.
Từ khi kế nhiệm anh trai vào năm 2006, Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô đã ban hành một loạt biện pháp cải cách kinh tế và xã hội, đạt được những thành công nhất định. Thời gian gần đây, người ta đã nhắc nhiều tới thuật ngữ “Cu-ba cải cách”. Dường như, những bước khởi đầu của các thị trường tín dụng, bất động sản… hứa hẹn sẽ đưa quá trình chuyển biến của Cu-ba đi xa hơn nữa. Tất cả những điều đó đã khiến cho Cu-ba đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt giới doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Mỹ.
Về chính trị, Cu-ba đã làm trung gian hòa giải rất thành công để đạt được hòa bình giữa chính phủ Cô-lôm-bi-a với lực lượng phiến quân cách mạng FARC, khiến việc Mỹ gán cho Cu-ba quy chế “quốc gia bảo trợ khủng bố” càng trở nên lỗi thời và vô lý. Bên cạnh đó, các nước Mỹ La-tinh cũng mong muốn Cu-ba hội nhập mạnh mẽ vào các thể chế khu vực.
Chính vì thế mà Tổng thống Ô-ba-ma đã phát biểu tại Oa-sinh-tơn hôm 17-12 rằng, cách tiếp cận của Mỹ với Cu-ba đã lỗi thời và việc bình thường hóa quan hệ với Cu-ba là việc “có ý nghĩa nhất” trong chính sách của Mỹ với Cu-ba hơn 50 năm qua.
Về phía Cu-ba, những năm chống chọi với cấm vận đã khiến hòn đảo can trường này gặp không ít khó khăn. Những nỗ lực cải cách của Ha-ba-na đang gặp phải trở ngại do tình trạng tài chính eo hẹp. Theo dự đoán của chính phủ, mức tăng trưởng kinh tế năm nay của Cu-ba chỉ đạt mức 1,4%, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân mới mở phải đóng cửa và nền kinh tế không thu hút được nguồn vốn nước ngoài. Trong khi đó, mỗi năm, lượng kiều hối gửi về Cu-ba đạt mức 2 tỷ USD, mà chủ yếu là từ Mỹ. Theo các chuyên gia, con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa nếu các lệnh cấm vận kinh tế được nới lỏng. Bên cạnh đó, việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, thương mại là cơ hội để tầng lớp thương nhân Cu-ba có cơ hội phát triển khi được phép giao dịch thương mại, tài chính với thị trường lớn như Mỹ.
Hiếm có một quyết sách nào của Tổng thống Ô-ba-ma trong hai nhiệm kỳ cầm quyền nhận được sự hoan nghênh lớn như lần này, từ nhiều người dân Mỹ cho đến lãnh đạo cấp cao các nước, Liên minh châu Âu và LHQ. Tuy nhiên, như Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình rằng, điều này không có nghĩa là vấn đề chính đã được giải quyết. Để hai bên thực sự bình thường hóa thì chính sách bao vây cấm vận kinh tế, tài chính và thương mại cần phải được dỡ bỏ.
Nhưng điều này không phải dễ dàng.
Những biện pháp trừng phạt suốt hơn 50 năm không dễ gì thay đổi trong ngày một ngày hai, trong khi Đảng Cộng hòa, vốn kiểm soát hai viện Quốc hội Mỹ, đã lên tiếng phản đối và cho biết, sẽ tìm mọi cách ngăn cản chính sách của ông Ô-ba-ma nhằm bình thường hóa quan hệ với Cu-ba. Nên nhớ rằng, trong số những điều được đề cập trong chính sách của Tổng thống Ô-ba-ma, có những vấn đề phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Như thế, con đường đi đến bình thường hóa quan hệ một cách hoàn toàn và thực chất vẫn còn nhiều trở ngại.
Bên cạnh đó, với lịch sử quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Cu-ba, sau khi bình thường hóa, quan hệ hai nước sẽ không tránh được những thời điểm thăng trầm, bởi hai bên vẫn còn rất nhiều khác biệt trong các vấn đề như chủ quyền quốc gia, dân chủ, nhân quyền và chính sách đối ngoại. Do đó, các nhà lãnh đạo cả hai phía sẽ phải nỗ lực nhiều để đối mặt và xử lý các tình huống theo hướng xây dựng.
Dù sao đi nữa, quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao cũng cho thấy, cả Cu-ba và Mỹ đã sẵn sàng cho một mối quan hệ cùng chung sống trên cơ sở tôn trọng những khác biệt và quyết tâm giải quyết những bất đồng. Tuy đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình dài trước mắt, song sự kiện này là bước ngoặt quyết định, tạo điều kiện để hai bên xích lại gần nhau hơn, tìm lại sự tin tưởng lẫn nhau để hướng tới một tương lai phát triển bền vững và ổn định ở khu vực, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước.
NGỌC HÀ
QĐND