Việt Nam Thời Báo

Bộ Ngoại giao VN tiếp đoàn ‘Tôi và Sứ quán‘

‘Tôi và Sứ quán’ kêu gọi người sử dụng mạng đưa thông tin liên quan tới thực trạng bất cập đã ảnh hưởng tới cá nhân.
Đại diện một tổ chức đề nghị giải quyết thực trạng bất cập của cơ quan lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài trao tận tay kiến nghị cho Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Hai đại diện của tổ chức có tên “ Tôi và Sứ quán’ cho biết họ đã có buổi làm việc với thanh tra Bộ Ngoại giao tại Hà Nội vào hôm 27/07/2015.

“Phó trưởng phòng Thanh tra Bộ Ngoại giao và một thư ký đã tiếp chúng tôi trong buổi làm việc khoảng bốn giờ rất trung thực, minh bạch và thẳng thắng.

“Tôi có cảm giác là mình được lắng nghe và khá hài lòng. Buổi làm việc diễn ra và để lại cho chúng tôi ấn tượng tốt,” bà Nguyễn Ngọc Anh, một trong hai đại diện có mặt tại buổi làm việc nói với BBC tiếng Việt.

‘Hoạt động xã hội dân sự’

‘Tôi và Sứ quán’ là một tổ chức được hình thành sau điều được mô tả là “những bức xúc có thật” kể từ một vài vụ việc liên quan tới cáo buộc lạm thu phí lãnh sự tại một cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở châu Âu được báo chí trong nước hồi tháng 5 năm đăng tải.

Bà Ngọc Anh nói với BBC rằng “Chúng tôi khẳng định một lần nữa rằng đây là việc xuất phát từ những bức xúc có thật của người dân sử dụng dịch vụ tại các lãnh sự tại các Đại sứ quán Việt Nam.

Bà Nguyễn Ngọc Anh (trái) giáo viên tại Lyon (Pháp) và Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học tại Hà nội, diện cho ‘Tôi và Sứ quán’ có mặt tại Hà Nội để trao kiến nghị.

“Đây có thể coi như một hoạt động xã hội dân sự chứ chúng tôi không phải là cánh tay phải hay tay trái hay do ai đó dựng lên với các mục đích khác ngoài việc đòi hỏi cần có sự minh bạch trong các hoạt động lãnh sự của các đại sứ quán.”

Bà Ngọc Anh cho biết số người tham gia ký tên vào kiến nghị [của ‘Tôi và Sứ quán’ gửi các cơ quan của Việt Nam] là khoảng hơn 600 người từ 35 quốc gia khác nhau và số người đăng ký nhận tin và chia sẻ tin tức trên trang này là khoảng hơn 7000 người.

“Có hai bức xúc chính, thứ nhất là về thực trạng có việc cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài lạm thu phí so với mức phí chính thức theo quy định của Bộ Tài chính.

“Thứ hai là về mặt thái độ tiếp dân. Khi người Việt tới các cơ quan này để làm giấy tờ thì trông đợi sự trợ giúp ở sứ quán như ở quê hương, như ở nhà thì lại gặp phải cách làm việc khá tùy tiện và thiếu tinh thần dịch vụ công,” bà Ngoc Anh nói.

Trả lời câu hỏi của BBC rằng mục tiêu hàng đầu của ‘Tôi và Sứ quán’ là gì. Bà Ngọc Anh cho biết “Chúng tôi yêu cầu Sứ quán phải công khai, minh bạch việc thu phí và thời gian trả hồ sơ, thực hiện theo đúng quy định của nhà nước.”

Trang mạng dùng Facebook là công cụ này từng khẳng định “hoạt động như một cộng đồng độc lập để giám sát việc lạm phu phí lãnh sự của các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài” với lý do “chưa có một kênh thông tin công khai để những người bị lạm thu phí lãnh sự lên tiếng” cũng như chưa có ai giám sát hoạt động các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài một cách công khai.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi tháng Năm tuyên bố sẽ xác minh và cam kết “nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm minh” liên quan tới cáo buộc lạm thu phí của người Việt Nam ở nước ngoài, theo truyền thông trong nước.

(BBC)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo