Việt Nam Thời Báo

Bộ Tài chính bác kiến nghị giảm thuế, tăng xuất khẩu quặng sắt

Tám doanh nghiệp thuộc Hội khai thác và chế biến quặng sắt đã gửi văn bản tới Bộ Tài chính kiến nghị giảm thuế đồng thời mở rộng hạn ngạch xuất khẩu. Bộ đã bác những kiến nghị này.


Trung tuần tháng 4, tám doanh nghiệp tư nhân phía Bắc hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng ở Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn đã gửi văn bản tới bộ, kêu rằng 90% số doanh nghiệp này đã phá sản, 10% còn lại hoạt động cầm chừng, không có tiền trả nợ vay ngân hàng để đầu tư và trả lương công nhân.
Các doanh nghiệp này cho rằng, nguyên nhân của sự phá sản là giá quặng sắt thế giới xuống thấp; từ mức giá 140 đô la Mỹ/tấn hồi tháng 2/2014 đến nay chỉ còn 48 đô/tấn (hàm lượng sắt 63% Fe). Các đơn vị sản xuất thép trong nước thậm chí còn mua với giá thấp hơn là 42 đô/tấn.
 Hiện không còn tình hình khai khoáng nhộn nhịp như xưa do giá quặng trên thế giới giảm sâu. Ảnh: UBND tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thesaigontimes
Mặt khác, vẫn các doanh nghiệp khai khoáng cho rằng họ phải chịu mức thuế cao và thuế chồng lên thuế, khi một tấn quặng sắt khai thác ra phải chịu 6-7 loại thuế và phí: phí môi trường, thuế tài nguyên, thuế quyền khai thác mỏ, quỹ phục hồi môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất khẩu (nếu được xuất khẩu). Doanh nghiệp cho rằng các loại thuế này cộng lại đã chiếm trên 50% giá thành sản xuất.
Do giá rớt, bán ra lỗ và chịu thuế phí nhiều nên hội các doanh nghiệp khai khoáng đã đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế xuất khẩu xuống mức 5%, mở rộng hạn ngạch xuất khẩu quặng sắt và điều chỉnh các loại thuế phí liên quan đến khai thác, chế biến quặng sắt và sản xuất thép cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã bác tất cả những đề nghị trên. Trong công văn trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, bộ này khẳng định chỉ thị của Thủ tướng những năm gần đây đều nhấn mạnh việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; trong đó có việc cấm xuất khẩu quặng sắt.
Nghị quyết của Quốc hội về ban hành Biểu thuế xuất nhập khẩu cũng quy định khung thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng quặng sắt từ 15% đến 40%; do vậy không thể cho phép xuất khẩu và thuế xuất khẩu giảm xuống còn 5% như đề nghị của doanh nghiệp.
Các kiến nghị khác về điều chỉnh mức thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường hay thuế giá trị gia tăng cũng không được chấp thuận. Bộ Tài chính cho rằng các quy định về thuế, phí nói trên đều đã cân nhắc hài hòa lợi ích doanh nghiệp – nhà nước và phù hợp với quy đinh hiện hành.
Trong những năm 2007-2008, giá nguyên liệu quặng sắt trên thế giới tăng cao, nhà sản xuất trong nước phải nhập khẩu quặng với giá đắt, số doanh nghiệp xin cấp phép khai mỏ lấy quặng sắt tăng rất nhanh, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc. Từ khi Nhà nước cấm xuất khẩu mặt hàng này năm 2012, tình trạng xuất lậu vẫn diễn ra.
Theo Lan Nhi (Thesaigontimes)




Tin liên quan: Việt Nam bắt đầu phải nhập khẩu quặng sắt quy mô lớn
Ngày 21/6, Công ty cổ phần thép Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) chính thức nhập lô hàng quặng sắt lớn đầu tiên để phục vụ Khu liên hợp gang thép Hòa Phát (Kinh Môn, Hải Dương), công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm.
Việt Nam bắt đầu phải nhập khẩu quặng sắt quy mô lớn
Lô hàng quặng sắt đầu tiên nhập từ Nam Phi đã bắt đầu được bốc dỡ vào Việt Nam phục vụ sản xuất nội địa từ ngày 21/6. Ảnh Cẩm Tú
Theo công ty này, lô hàng tinh quặng nhập khẩu có khối lượng 55.000 tấn, được nhập về từ tận Nam Phi. Đây là lần đầu tiên Hòa Phát nhập tinh quặng.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép, công suất của các lò cao đang xây dựng theo quy hoạch của Bộ Công thương lên đến gần 10 triệu tấn/năm.
Hiệp hội Thép dự đoán lượng quặng cần sử dụng cho công nghiệp thép giai đoạn sau năm 2016 lên tới hơn 20 triệu tấn/năm và nhu cầu quặng sắt sẽ tăng gấp nhiều lần trong 5 năm tới. Tuy nhiên, Việt Nam có mỏ thép Thạch Khê được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á nhưng hiện vẫn… ngủ say.
Cụ thể, theo đánh giá của Bộ Công thương, mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) hiện là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng sản lượng quặng khai thác có thể đạt mức 370 – 400 triệu tấn. Đây là nguồn tài nguyên lớn, tuy nhiên đến nay vẫn gặp những vướng mắc, chưa thể đi vào khai thác.
Theo một chuyên gia Hiệp hội Thép, nếu mỏ Thạch Khê đi vào hoạt động sẽ không chỉ là nguồn cung quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp luyện kim theo công nghệ lò cao hiện đại trong nước, mà còn giúp hạn chế nhập siêu, giảm nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu quặng sắt.
Tại thông báo về việc nhập khẩu quặng sắt từ Nam Phi, Công ty cổ phần thép Hòa Phát chính thức đề xuất Chính phủ chỉ đạo để mỏ quặng sắt Thạch Khê sớm đi vào hoạt động, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép có nguồn nguyên liệu lâu dài và ổn định.
Theo Tuổi Trẻ

Tin bài liên quan:

Hiệu trưởng trường Chính trị Lê Duẩn vừa được bổ nhiệm bị tố cáo… không có bằng Đại học *

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại sứ Israel giao lưu và ra mắt cuốn sách Đột nhiên có tiếng gõ cửa.

Phan Thanh Hung

Biển Đông : Việt Nam gởi công hàm đến LHQ phản đối Trung Quốc bồi đắp đảo

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo