Khánh An
VOA
Một cảnh sát cơ động cúi lạy người dân làng Đồng Tâm sau khi được thả ra vào ngày 22/4/2017.
“Bóc băng” cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND Hà Nội với người dân Đồng Tâm đáp ứng nhu cầu về tính minh bạch, đồng thời có tác dụng “vỗ yên dân” bằng sự “thành tâm” của chính quyền, theo nhận định của một nhà quan sát chính trị Việt Nam đối với đề nghị của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Tại phiên thảo luận ngày 25/5, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực của Ủy ban Quốc hội về các vấn đề xã hội, đề nghị “bóc băng” cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm, chứ không chỉ cung cấp những báo cáo thường lệ, để các đại biểu có thể “nhìn một cách đầy đủ, đa diện vụ việc”.
Ngày 15/4, dân làng Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã rào làng và bắt giam 36 cán bộ xã và cảnh sát cơ động sau khi giới hữu trách bắt cụ ông Lê Đình Kình, người đại diện cho dân làng để thương thuyết với chính quyền về việc thu hồi, cưỡng chế đất.
Ngày 17/4, Luật sư Trần Vũ Hải, Luật sư Nguyễn Hà Luân và Luật sư Lê Văn Luân đã đến Đồng Tâm để tìm hiểu vụ việc và giúp dân trao đổi với Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung qua điện thoại.
Sau khi không xuất hiện ngày hôm sau như trông đợi của dân, ngày 22/5, ông Nguyễn Đức Chung đến Đồng Tâm gặp một số đại diện dân làng.
Trao đổi với VOA, LS. Trần Vũ Hải cho biết buổi gặp gỡ thứ hai có sự hiện diện của báo chí nên nội dung đã được công khai. Còn cuộc đối thoại đầu tiên qua điện thoại giữa ông Chung và người dân thì nội dung tóm tắt chỉ được công bố trên trang Facebook cá nhân của một số luật sư.
LS. Trần Vũ Hải nói: “Bóc băng như thế thì chỉ nửa ngày là xong. Ít nhất là để cho các đại biểu Quốc hội, chính quyền biết rõ thực hư cuộc đối thoại như thế nào và ý kiến của người dân như thế nào”.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận xét rằng do công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại còn yếu kém nên đã dẫn đến nhiều vụ khiến kiện tràn lan, đặc biệt là vụ Đồng Tâm. Ông đề nghị phải bóc băng vụ việc để các đại biểu Quốc hội biết và giám sát việc này.
Tuy nhiên, TS. Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát và bình luận của Việt Nam, cho rằng việc lên tiếng của Quốc hội lúc này là “quá muộn”, thay vì phải có sự đồng cảm “nhiều hơn hẳn” và “sớm hơn hẳn” đối với người dân.
Ông nói: “Chuyện này lẽ ra phải làm ngay từ đầu. Phải công khai hóa, minh bạch hóa ngay từ đầu. Không có gì phải giấu giếm cả, đặc biệt sau khi ông Chung đã có bản kết coi như gián tiếp thú nhận sự sai lầm của chính quyền”.
Đề nghị của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng được đưa ra 1 tuần sau khi Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tuyên bố trong một cuộc họp ngày 18/5 rằng Đảng “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, cọ sát ý kiến khác nhau để tìm ra chân lý”.
Theo TS. Phạm Chí Dũng, việc chính quyền cho tới nay không công bố tiến trình thanh tra vụ Đồng Tâm, đặc biệt là những thông tin liên quan đến ông Lê Đình Kình, cho thấy sự “thiếu thành tâm” trong việc giải quyết vụ việc và cả tính khả thi của chủ trương đối thoại của Đảng.
“Rất thiếu thành tâm và nó liên quan đến cả chủ trương đối thoại của Đảng vừa rồi nêu ra. Tôi cho rằng nếu như đối với Đồng Tâm mà không thể giải quyết được, khi họ đã ở thế đường cùng rồi, thì làm sao có thể đối thoại với trí thức? Làm sao có thể giải quyết được những vấn đề khúc mắc lớn hiện nay như Luật Đất đai, sở hữu đất đai tư nhân hay những vấn đề khác?”, TS. Phạm Chí Dũng nhận định.
Nhà quan sát thời sự Việt Nam cho rằng việc bóc băng vụ Đồng Tâm sẽ mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài. Ngoài cung cấp cơ sở cho việc phân tích, đánh giá, giải quyết những khúc mắc của vụ việc, công bố toàn văn cuộc đối thoại còn có tác dụng “vỗ yên dân”, khôi phục phần nào niềm tin đã mất của người dân vào sự minh bạch của chính quyền.
Trong cuộc phỏng vấn với VOA, LS. Trần Vũ Hải nói ông hài lòng vì ở Đồng Tâm không xảy ra “một biến tướng quá xấu” như nhiều người lo ngại, nhưng ông cho biết phải 1 tháng nữa mới có thể biết được liệu quyền lợi của người dân làng có được đảm bảo hay không.