Bòn vét sức dân: Do thời gian bao cấp dài, nên giá điện phải tăng cho kịp? *

“Cho đến giờ phút này, giá điện mới bắt đầu bán cao hơn giá thành. Trước đây, do bao cấp nên giá bán thấp nên vẫn chưa theo giá thị trường, nhưng việc tăng giá vẫn phải đảm bảo yếu tố xã hội. Theo lộ trình đến năm 2016 sẽ hoàn chỉnh cơ chế bán điện theo cơ chế thị trường”, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải thích.


Bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
Chiều ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về các vấn đề như thị trường cho nông sản, thị trường điện cho nông nghiệp, chương trình “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
Chất vấn bộ trưởng về giá điện, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt vấn đề: Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá, lại tăng giá. Tăng nhiều, tăng ít và tăng nữa. Đó là điệp khúc mà có lẽ được ra đời từ khi khai sinh ra ngành điện nước nhà.
“Lẽ ra việc tăng giá điện sẽ khiến người dân được lợi. Về lý thuyết giá bán lẻ cũng là điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư. Một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán thì chi phí sẽ giảm, khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất. Điều này có lẽ đúng với các ngành nhưng không đúng với ngành điện. Bao giờ lý thuyết đó đúng với ngành điện?”, đại biểu Cương hỏi.
Cùng băn khoăn này, đại biểu Thân Đức Nam, đoàn Đà Nẵng, cho rằng việc kinh doanh xăng dầu của nước ta không theo cơ chế thị trường do nhà nước vẫn điều hành giá. Bộ có tham mưu gì để chuyển điều hành cơ chế điều hành hiện nay sang cơ chế thị trường để người dân có thể mua giá theo đúng thị trường?
Giải thích về băn khoăn này, Bộ trưởng Hoàng cho biết điện và xăng dầu là 2 loại hàng hóa đặc biệt liên quan mật thiết đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, đời sống xã hội người dân nên Chính phủ nhất quán điều hành giá theo cơ chế thị trường và có sự quản lý của nhà nước.
“Khi cần phải điều chỉnh giá, Bộ Công thương rất băn khoăn nên trong tính toán rất cẩn trọng vừa đáp ứng điều chỉnh theo lộ trình không bù giá nhưng cũng giảm ít ảnh hưởng nhất đến người dân”, Bộ trưởng Hoàng chia sẻ.
Bộ trưởng Hoàng cũng xác nhận đúng là giá điện, xăng dầu đã và đang tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội. “Xác định được điều này, Bộ Công Thương cam kết sẽ làm hết trách nhiệm của mình trong việc việc điều hành giá mặt hàng này chuẩn xác nhất phục vụ tốt nhất cho đời sống của người dân, trong đó tập trung đến chú ý đến các hộ nghèo”, bộ trưởng Hoàng hứa.
Về giải pháp điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, Bộ trưởng Hoàng cho biết việc điều chỉnh giá điện nằm trong chủ trương đưa giá điện về cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Khi các yếu tố đầu vào như tỷ giá, nhiên liệu và kết cấu sản lượng điện có thay đổi thì xem xét để điều chỉnh giá điện.
“Vừa qua chúng ta đã thực hiện việc điều chỉnh giá theo cơ chế này. Nếu điều chỉnh dưới 10%, doanh nghiệp tự xem xét và trình lên bộ duyệt, nếu trên 10% thì báo cáo Chính phủ xử lý. Lần điều chỉnh gần đây nhất vào tháng 3 vừa qua cũng lập tổ tư vấn liên ngành gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương nghe ngành điện báo cáo điều chỉnh các phương án điều chỉnh giá điện”, Bộ trưởng Hoàng giải thích.
Theo Bộ trưởng Hoàng, cho đến giờ phút này, giá điện mới bắt đầu bán cao hơn giá thành. Trước đây, do bao cấp nên giá bán thấp nên vẫn chưa theo giá thị trường, nhưng việc tăng giá vẫn phải đảm bảo yếu tố xã hội.
Làm rõ về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi: “Vì thời kỳ bao cấp của chúng ta quá dài, tháo chưa xong nên phải tăng giá cho kịp nhưng không dám tăng thường xuyên, ý bộ trưởng như vậy chứ gì? Càng theo lộ trình thì điệp khúc càng dài?”.
Bộ trưởng Hoàng hứa theo lộ trình thì đến năm 2016 giá bán điện theo cơ chế thị trường.
Còn về điều hành giá xăng, Bộ trường Hoàng cho biết việc điều hành giá xăng dầu hiện nay được thực hiện theo quy định của Nghị định 83 của Chính phủ. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đến thời điểm hiện nay, việc nhập khẩu, kinh doanh và điều hành giá xăng dầu đã từng bước theo lộ trình cơ chế thị trường.
Theo quy định của Nghị định 83, giá sản phẩm xăng dầu thế giới trong vòng 15 ngày nếu có sự thay đổi theo chiều hướng tăng hay giảm thì đến ngày thứ 16, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh tăng giảm cho phù hợp.
“Tuy nhiên, vì giá xăng dầu có tác động trực tiếp đến nền kinh tế, sản xuất kinh doanh cũng như đời sống nhân dân, nên nhà nước có sử dụng công cụ thuế và quỹ BOG để trong trường hợp có tăng giá mặt hàng này cũng không ảnh hưởng nhiều đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội”, Bộ trưởng Hoàng giải thích.
Bộ trưởng Hoàng cho biết giá xăng dầu là hàng hóa nhạy cảm, nên khi điều hành phải kết hợp hài hòa lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. “Hiện theo Nghị định 83 về điều hành giá xăng từ năm 2014 và mới triển khai được 6 tháng nhưng đã có kết quả tốt, nhưng còn cần nghiên cứu hoàn chỉnh, trong đó có việc xác định giá cơ sở, chi phí định mức. Tôi cùng với bộ Tài chính sẽ theo dõi để sửa đổi”, Bộ trưởng Hoàng lại hứa.
“Chia lửa” với Bộ trưởng Hoàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích thêm về giá xăng. Theo Bộ trưởng Dũng, giá bán theo biên độ nhất định và nhà nước thực hiện điều chỉnh. Giá bán là đầu ra của doanh nghiệp.
“Giá cơ sở hình thành giá bán lẻ gồm chi phí (giá thế giới bình quân 15 ngày, bảo hiểm, vận chuyển, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, tỷ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh định mức (gồm phí vận chuyển, khấu hao, chi phí tài chính, quản lý, bảo quản, công cụ dụng cụ… khoảng 950đ/lít), mức trích quỹ bình ổn, lợi nhuận định mức 300 đồng, các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Bộ trưởng Dũng nói thêm việc điều hành theo biến động của giá cơ sở và giá quốc tế là trọng yếu vì nhập khẩu chiếm 70%. “Hiện nay chi phí đang khoán và định kỳ 2 bộ rà soát chi phí. Hiện doanh nghiệp đang đề nghị tăng chi phí kinh doanh định mức và đang rà soát. Họ bị tác động tăng chi phí đầu vào. Ta phải đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh có lãi và đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Theo Minh Huệ (Bizlive)

*VNTB đặt lại tiêu đề

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)