Việt Nam Thời Báo

BPSOS – Chương trình định cư tị nạn theo diện bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ: hy vọng nhưng thận trọng

Chớ nghe tin đồn; cần lọc lựa thông tin chính xác

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 28 tháng 12, 2022

Trong tương lai rất gần, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ chính thức công bố chương trình bảo lãnh tư nhân dành cho người tị nạn. Đây là một diễn tiến tích cực nhưng đáng tiếc là ngay trước mắt sẽ không thay đổi hiện trạng của người đã có quy chế tị nạn nhưng chưa được Hoa Kỳ nhận định cư, không như một số tin đồn được loan truyền về chương trình này với thông tin không chính xác, có lẽ xuất phát từ những người không theo dõi sát.

BPSOS đã có những buổi họp thường xuyên với BNG cũng như Toà Bạch Ốc về chương trình bảo lãnh tư nhân từ hơn một năm nay. Sau đây là những điểm tôi có thể chia sẻ mà không vi phạm cam kết là không tiết lộ thông tin chưa được BNG chính thức công bố.

Hình 1 — Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, tại buổi họp định kỳ với Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes (bên trái, đeo khẩu trang), Phòng Dân Số, Tị Nạn và Di Dân của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 7/9/2022

Cấu trúc của chương trình bảo lãnh tư nhân

Trong báo cáo gửi Quốc Hội ngày 20 tháng 9, 2021, BNG thông báo việc tái lập chương trình bảo lãnh tư nhân để định cư người tị nạn (trước đây Hoa Kỳ đã có chương trình bảo lãnh tư nhân nhưng không thành công) và mệnh danh nó là Chương Trình Ưu Tiên 4 (Priority 4, hoặc P-4). Chương trình sẽ bao gồm 2 phần được triển khai thành 2 giai đoạn: “kết nối” (Matching) và “nhận diện” (Identification).

Phần “kết nối” sẽ được triển khai trước và trong tương lai rất gần. Trong giai đoạn này tư nhân chỉ được bảo lãnh những người tị nạn đằng nào cũng sẽ được chính quyền Hoa Kỳ định cư. Họ được phép chọn một số tiêu chí và chính phủ sẽ cố gắng dựa vào đó để giới thiệu hồ sơ tị nạn tương đối phù hợp. Số người được tư nhân bảo lãnh được tính chung vào số 125,000 chỗ định cư mà Quốc Hội đã chuẩn duyệt cho chương trình định cư tị nạn. Như thế, chương trình bảo lãnh tư nhân sẽ làm nhẹ gánh cho chính quyền nhưng không thay đổi triển vọng định cư cho người tị nạn.

Phần “nhận diện” cho phép tư nhân nhận diện và chọn người tị nạn mình muốn bảo lãnh. Tuy nhiên, phần này sẽ chỉ được triển khai sau khi Hành Pháp đã rút tỉa kinh nghiệm đầy đủ từ cuộc thử nghiệm phần “kết nối”. Tiến trình thử nghiệm có thể kéo dài nhiều năm.

Quý vị nào muốn tìm hiểu thêm, xin đọc báo cáo của BNG gửi Quốc Hội về chương trình P-4:

Các khác biệt với chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada

Khác với chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada, chương trình của Hoa Kỳ, ít ra trong vài năm tới, không mở thêm cánh cửa thứ hai để định cư thêm người tị nạn. Cánh cửa định cư duy nhất vẫn là cánh cửa định cư bởi chính quyền — tư nhân chỉ hỗ trợ và đưa người tị nạn qua cánh cửa ấy. Chúng tôi cùng với một số tổ chức bảo vệ người tị nạn đã cố gắng nhưng không thay đổi được điểm tiêu cực và đáng thất vọng này.

Điểm tích cực của chương trình bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ là người tị nạn được hưởng các phúc lợi của chính quyền liên bang dành cho người tị nạn nói chung. Như thế, gánh nặng tài chính của tư nhân đứng ra bảo lãnh sẽ nhẹ hơn so với chương trình của Canada.

Một khác biệt nữa là ở Mỹ, các trường đại học cũng được đứng ra bảo lãnh các người tị nạn sẽ là sinh viên hoặc thực tập sinh. Xem thêm:

Tại buổi họp cuối tháng 11 vừa qua với BNG, tôi nêu câu hỏi là liệu các doanh nghiệp cần tuyển nhân viên có được bảo lãnh người tị nạn theo diện P-4 không. BNG hứa sẽ cung cấp câu trả lời tại buổi họp đầu năm 2023. Có thể họ sẽ kèm thông tin này khi chính thức công bố chương trình bảo lãnh tư nhân.

Số đồng bào tị nạn ở Thái Lan

Theo con số chính thức của CUTN/LHQ, vào thời điểm giữa năm 2022 có 4,231 người được công nhận tư cách tị nạn (không tính các người tị nạn Miến Điện sống dọc biên giới Thái – Miến), tăng chút ít so với con số của đúng một năm trước là 4,203. Bảng dưới đây đối chiếu số người tị nạn đến từ nhiều quốc gia. Các con số này không bao gồm những ai đang chờ quyết định về tư cách tị nạn hoặc đã bị từ chối tư cách tị nạn bởi CUTN/LHQ.

Quốc gia gốc Giữa năm 2022

Pakistan 1502

Việt Nam 998

Cambodia 247

Syria 212

China 177

Somalia 162

Afghanistan 156

Iraq 148

Sri Lanka 103

Các quốc gia khác* 526

*Các quốc gia khác bao gồm: Cameroon, Yemen, Côte d’Ivoire, Congo, Egypt, Ethiopia, Zimbabwe, Laos, Tanzania, Nepal, Nigeria, Morocco, Sudan, Jordan, và Nga.

Số người Việt Nam được công nhận tư cách tị nạn nhưng chưa được định cư chỉ đứng sau Pakistan. Từ giữa năm 2021 đến giữa năm 2022, có thêm khoảng 125 người Việt được công nhận tư cách tị nạn và khoảng 25 đồng bào đã lên đường định cư.

HÌnh 2 — Bà Julieta Valls Noyes tại buổi họp với đại diện của các tổ chức chuyên bảo vệ người tị nạn ở Bangkok, Thái Lan, ngày 8/12/2022 (từ trái): Cô Naiyana Thanawattho, Giám Đốc Điều Hành Asylum Access Thailand; Bà Chalida Tajaroensuk, Giám Đốc Điều Hành People’s Empowerment Foundation; Alex Sonsev, luật sư trưởng toán pháp lý của BPSOS; Chris Eades, Tổng Thư Ký Asia Pacific Refugee Rights Network; Louie Bacomo, Giám Đốc Jesuit Refugee Service Asia Pacific

Phần lớn các người tị nạn kể trên đã nhận sự trợ giúp từ các luật sư của BPSOS và Asylum Access Thailand (AAT), là 2 tổ chức duy nhất ở Thái Lan hỗ trợ pháp lý trong tiến trình nộp đơn xin tị nạn với CUTN/LHQ.

Phối kiểm tin đồn và bảo vệ thông tin cá nhân

Với chương trình bảo lãnh tư nhân, Hành Pháp Biden kỳ vọng sẽ mở thêm cánh cửa định cư người tị nạn. Tuy nhiên, trong giai đoạn thử nghiệm có thể kéo dài vài năm thì tư nhân chỉ được bảo lãnh những người tị nạn qua cánh cửa định cư của chính quyền. Điều này làm thất vọng phần lớn các tổ chức vận động định cư người tị nạn.

Gần đây, có người tuyên bố lập danh sách bảo lãnh tư nhân và kêu gọi người tị nạn ghi danh. Đồng bào tị nạn cần thận trọng. Như tôi vừa giải thích, theo chính sách hiện nay, chính quyền Hoa Kỳ dự định chỉ triển khai phần “kết nối” để thử nghiệm. Người tị nạn dù được tư nhân bảo lãnh vẫn phải đi qua cánh cửa định cư của chính quyền. Do đó, lúc này không có việc cá nhân hoặc tổ chức tư nhân lập danh sách để đưa tắt cho tư nhân bảo lãnh như bên Canada.

Tốt nhất, đồng bào tị nạn hãy chờ BNG Hoa Kỳ chính thức công bố chương trình bảo lãnh tư nhân kèm với những điều kiện và thể thức để phân định đâu thực đâu hư, và tuyệt đối không tiết lộ thông tin cá nhân một cách bất cẩn.

Trong các bài viết sắp đến, tôi sẽ tiếp tục trình bày các diễn tiến về cuộc vận động định cư người tị nạn với thông tin chính xác và thực dụng.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhìn nhận ra sao về pháp luật hình sự của Việt Nam?

Do Van Tien

VNTB – Tòa ma túy, cách tiếp cận cho Việt Nam trong điều trị người nghiện ma túy

Do Van Tien

VNTB – USCIRF (Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế) khuyến nghị đưa Việt Nam vào danh sách Các quốc gia cần được quan tâm đặc biệt CPC

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo