Việt Nam Thời Báo

Buồn thay con đường gốm sứ

Biểu tượng đầy tự hào của thủ đô một thời đang xuống cấp thảm hại. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội đã lên kế hoạch tu bổ để trả lại diện mạo cho con đường gốm sứ

Sau 4 năm khánh thành, con đường gốm sứ đang xuống cấp trầm trọng. Những ngày này, người dân Hà Nội đi qua đây đều không khỏi xót xa, ngậm ngùi trước sự xuống cấp thảm hại của công trình. Suốt dọc con đường đi qua 2 quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ, vô số vết đứt ngang dọc, bong tróc rất mất mỹ quan. Ở nhiều đoạn, các vết đứt ngang kéo dài cả trăm mét khiến các mảng gốm chỗ lồi, chỗ lõm. Ngay khu vực cầu Long Biên, các vết nứt ngang rộng khoảng 3-4 cm đã làm vênh hẳn phần chân bức tường với thân khiến đoạn đường trở nên nguy hiểm.Con đường gốm sứ dài 4 km, tổng diện tích 6.500 m2 do các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, thợ thủ công, nghệ nhân thực hiện nhằm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong đó, đoạn tranh “Hoa văn Việt Nam trong dòng chảy lịch sử” dài 810 m đã được Tổ chức Guinness trao chứng nhận “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới”.
                    
Con đường gốm sứ hiện xuống cấp trầm trọng, nhiều đoạn bong tróc Ảnh: Nguyễn Hưởng

Đáng buồn là con đường được vinh danh tầm cỡ quốc gia, mang tính nghệ thuật cao, có giá trị lịch sử, văn hóa này lại đang trở thành “nhà vệ sinh công cộng”, bốc mùi nồng nặc. Nhiều chỗ, người chạy xe ôm, xe ba gác, bán hàng rong… đứng “trút bầu tâm sự”, xả rác.

Hai năm qua, nhiều đoạn tường bị bong tróc đã được sửa chữa, nâng cấp nhưng chủ yếu với quy mô nhỏ, chắp vá nên nham nhở, làm mất hẳn giá trị ban đầu của bức tranh gốm.

Giải thích nguyên nhân xuống cấp của con đường gốm sứ, đại diện Ban Quản lý chỉnh trang đô thị – Sở Xây dựng TP Hà Nội, đơn vị từng giữ nhiệm vụ quản lý con đường này, cho rằng do thời tiết khắc nghiệt dẫn đến hiện tượng co ngót của gốm. Những chỗ nứt là do trong quá trình thi công bức tranh gốm, các đoạn được thiết kế với các kết cấu khác nhau. Ngoài ra, do bức tranh nằm kề đường giao thông nên dẫn đến hiện tượng rung, bị ảnh hưởng.

Nhiều ý kiến cho rằng khi thiết kế con đường gốm sứ, cả tác giả và đơn vị thi công chỉ mới chú tâm yếu tố thẩm mỹ mà chưa thực sự coi trọng vấn đề kỹ thuật và kết cấu, dẫn đến con đường bị xuống cấp nhanh chóng. Trong đó, có thể có việc tính toán không chuẩn độ rung lắc cũng như các yếu tố địa chất.

“Ngay cả khi con đường có dấu hiệu bong nứt, việc tổ chức sửa chữa một cách chắp vá, manh mún, chỗ nào bong lại gắn cũng không phải là giải pháp hay. Điều cần thiết là phải tìm ra nguyên nhân sâu xa để khắc phục triệt để” – một chuyên gia ngành xây dựng phân tích.

Đai diện Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Hà Nội cho biết kể từ tháng 10-2014, Sở Xây dựng TP đã bàn giao việc quản lý con đường gốm sứ cho sở này.

Trả lời báo chí mới đây, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội Tô Văn Động cho hay sau khi tiếp nhận công trình, sở đã trình UBND TP đề án tu bổ, tôn tạo cho công trình nhằm trả lại vẻ đẹp vốn có của nó trong năm 2015. Ngoài ra, công tác vệ sinh con đường cũng sẽ được thực hiện hằng ngày.

(Theo Nguyễn Hường/ Thùy Dương – NLĐ)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo