Bút Ký Luật Sư: 10 năm tù oan và 7,2 tỷ đồng

Bút Ký Luật Sư
Vậy là Tòa án nhân dân tối cao đã có quyết định bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn một số tiền bằng 7.2 tỷ đồng sau khi đã chịu án oan và thụ án 10 năm tù trong trại giam.
Gia đình ông đã chịu biết bao điều tiếng, kinh tế khánh kiệt, tinh thần suy sụp. Vợ, con ông đau khổ tìm mọi cách kêu oan và mòn mỏi đợi chờ sự kỳ diệu từ cuộc sống. Và đúng là gia đình họ đã được thấu hiểu vì sau 10 năm thụ án thì hung thủ thực sự gây án đã ra đầu thú để rồi khiến cả nước chấn động vì sự oan khuất của ông Chấn cũng như nguyên nhân gây ra bản án nghiệt ngã ấy.
10 năm tù giam và 7.2 tỷ đồng. Số tiền có thể là lớn về giá trị, nhưng không thể nào bù đắp được tất cả những mất mát, đớn đau của ông Chấn cũng như gia đình ông đã phải chịu đựng suốt một thập kỷ qua.
Làm sao người ta cảm thấu được một cách sâu sắc và đầy đủ những sự đau đớn, bất hạnh đó của những con người trong gia đình ấy.
Thế giới văn minh họ luôn có một nguyên tắc đầu tiên và xuyên suốt của tố tụng hình sự là thà bỏ lọt tội phạm chứ không làm oan người vô tội. Họ chỉ kết tội một người trên cơ sở không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng nước ta đã làm ngược lại, phải phá án bằng mọi cách và hầu như chỉ dựa trên lời khai là chính yếu để từ đó buộc tội. Bởi với cách hiểu cũng như cách hành xử ấy, thà oan sai chứ không bỏ lọt tội phạm, nên đã dẫn đến những oan khiên chấn động đến vậy trong suốt thời gian qua trên khắp cả nước.
Sự đền bù, bằng vật chất, không thể làm nguôi ngoai và xóa bỏ được những gì đã xảy ra với những con người phải chịu đựng sự oan khiên nghiệt ngã của sự giam cầm, tù đày, ngục tối.
Dù sao, cũng chúc mừng ông và gia đình cũng đã được nhận lấy một phần của sự chuộc lỗi từ cơ quan tố tụng đã đẩy ông đến phận cảnh cay đắng, tủi nhục đến cùng cực suốt 10 năm qua.

* * *

Bình luận của Dân Luận: Cuối cùng thì nạn nhân của án oan, ông Nguyễn Thanh Chấn, đã nhận được khoản tiền đền bù là 7,2 tỷ đồng. Tính ra mỗi ngày tù oan ông Chấn được trả 2 triệu đồng.
Điều Dân Luận thấy buồn là khoản tiền này sẽ được lấy từ ngân sách, mà ngân sách chính là từ thuế của người dân. Nói cách khác, người dân đang phải bỏ tiền ra để đền bù cho nạn nhân bị oan sai do một hệ thống tòa án cũ kỹ và đầy bất công tạo ra. Hệ thống tòa án này là hệ quả tất yếu của một ý thức hệ không coi trọng sự độc lập của tòa án, không tôn trọng quyền con người.
Theo Chánh án Tòa án Nhân Dân Tối Cao Trương Hòa Bình thì từ nay “Tòa án sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc tranh tụng và suy đoán vô tội và quyền tư pháp của tòa án. Nếu thấy tài liệu điều tra chưa đầy đủ mà Viện kiểm sát vẫn truy tố thì tòa án trả lại yêu cầu điều tra bổ sung.”
“Quá trình điều tra bổ sung mà vẫn không đạt thì tòa án sẽ trực tiếp xác minh theo Luật tổ chức tòa án, để đảm bảo đưa ra truy tố phải đủ căn cứ. Đồng thời phải căn cứ vào nguyên tắc tranh tụng tại tòa để làm rõ bản chất của vụ án. Nếu như có tội thì kết tội theo quy định của pháp luật, còn nếu không đủ căn cứ thì buộc phải tuyên không phạm tội”.
Chúng ta hãy cùng chờ xem tòa án có làm được như thế hay không. Vẫn còn nhiều tù nhân lương tâm Việt Nam đang chờ đợi những bản án bất công dành cho họ, từ nhà văn Nguyễn Quang Lập, blogger Anh Ba Sàm, blogger Hồng Lê Thọ hay Nguyễn Đình Ngọc. Liệu Tòa án có trả tự do cho họ khi Viện kiểm sát không trưng ra được lý do để buộc tội?
Còn những tù nhân lương tâm khác như Trương Duy Nhất, Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Đỗ Thị Minh Hạnh v.v… Đến bao giờ họ mới được xác định là nạn nhân của những vụ án oan và được xin lỗi và đền bù thỏa đáng?

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)