Hà Nguyên
(Người Việt)
Thảm họa “cá chết hàng loạt” tại bờ biển Vũng Áng, Hà Tĩnh cũng như một số tỉnh miền Trung Việt Nam cuối cùng đã khép lại sau nhiều tháng trời gây xôn xao dư luận, khi cuối tháng 6, 2016, “thủ phạm” chính thức được công bố là công ty Formosa Đài Loan, cùng khoản phạt hi hữu $500 triệu mà công ty này phải nộp cho chính phủ Việt Nam.
Vụ cá chết vẫn đang để lại hậu quả nặng nề cho người dân miền Trung. (Hình: Getty Images) |
Nhưng liệu vụ việc này đã thực sự khép lại, bởi vẫn còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra mà dường như vẫn chưa có những lời giải đáp thỏa đáng? Những diễn biến bất thường của vụ việc, cách ứng xử khá lạ lùng, thiếu nhất quán và những hành động khó hiểu của báo chí, của chính quyền Việt Nam trong vụ việc này cùng hàng loạt sự kiện “cá chết” khác trong năm 2016 có lẽ cần được xem xét và phân tích theo những góc nhìn khác để hiểu thấu đáo hơn nhiều điều bí ẩn chưa rõ ràng.
Điều dễ nhận thấy trước tiên là sự bất nhất, thậm chí mâu thuẫn trong những phát ngôn và hành động thái của chính quyền Việt Nam đối với “thủ phạm” – công ty Formosa Đài Loan – theo diễn biến của vụ việc.
Nếu như cuối tháng 4, 2016, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường khẳng định nguyên nhân cá chết ở Vũng Áng là do “thủy triều đỏ” (hiện tượng tảo nở hoa) chứ không phải do Formosa (1) thì đến ngày 30 tháng 6, nguyên nhân chính thức được chính quyền Việt Nam công bố là do Formosa xả thải bao gồm phenol, cyanua và hydroxit sắt đều vượt chuẩn quy định (2), dù hai đợt quan trắc vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 đều cho kết quả nước xả thải và nước biển quanh khu vực Vũng Áng an toàn.
Thái độ công khai chĩa mùi dùi vào Formosa của báo chí Việt Nam bằng hàng loạt bài báo không che giấu ý đồ định hướng rõ rệt ngay từ đầu tháng 4, khi chưa hề có kết quả điều tra và kết luận chính thức về việc Formosa có phải “thủ phạm” hay không, cũng khiến cho những người theo dõi vụ việc không thể không đặt câu hỏi về sự thiếu khách quan và động cơ thực sự của báo chí – những cơ quan ngôn luận bị kiểm soát chặt chẽ và chịu chỉ đạo trực tiếp của chính quyền Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, vào giữa tháng 6, 2016, tập đoàn Formosa đã tuyên bố trên báo chí Đài Loan về việc hoãn lễ khánh thành nhà máy thép ở Vũng Áng do chính quyền Việt Nam chưa cấp phép hoạt động, đồng thời đòi Formosa trả khoản “nợ thuế” $70 triệu (1,555 tỷ đồng). Số tiền $70 triệu này được phía Việt Nam giải thích nguyên nhân thu hồi do cuối tháng 2, 2016, cơ quan thuế phát hiện 19,497 hóa đơn mà Formosa đưa vào khấu trừ và hoàn thuế sai quy định. Trong tuyên bố trên báo chí Đài Loan, Formosa ám chỉ rằng hành động ngăn cản Formosa vận hành nhà máy thép ở Vũng Áng từ phía chính quyền Việt Nam hẳn nhằm để buộc Formosa nộp khoản tiền này, và trong đó ẩn giấu cả những yếu tố chính trị nào đó chưa rõ ràng.
Cần nhớ một vụ việc khác đã xảy đến với Formosa Hà Tĩnh cách đây hơn 2 năm. So với nhiều công ty nước ngoài có mặt tại Việt Nam thì Formosa là một cái tên được công chúng biết đến không nhiều trước khi có “thảm họa” cá chết, dù đây là một dự án đầu tư nước ngoài có vốn trên $10 tỷ và tuyển dụng hàng ngàn nhân công bản địa. Formosa hầu như chỉ được biết đến rộng rãi vào tháng 5, 2014, khi xảy ra một số cuộc biểu tình lớn của hàng trăm công nhân Việt Nam nhằm phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương HD981 sâu vào khu vực tranh chấp trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 đã đẩy mâu thuẫn tranh chấp trên biển Đông giữa hai nước từ trước đó lên mức cao nhất trong những năm gần đây. Những cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn và được cho là đã làm thiệt mạng hơn 20 người (trong đó có 16 công nhân người Trung Quốc), hơn 100 người bị thương tại Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh. Sự kiện này được cho là đã khiến Bắc Kinh cấp tốc cho các chuyến bay khẩn cấp đưa các công nhân Trung Quốc đang làm việc tại Formosa Hà Tĩnh về nước để tránh nguy cơ bạo động leo thang.
Điều bí ẩn là có những dấu hiệu cho thấy các cuộc bạo loạn này do một nhóm nhỏ cầm đầu, có tổ chức và dường như được “bật đèn xanh.” Các cuộc bạo loạn, đập phá kéo dài nhiều giờ đồng hồ mà không thấy bóng dáng công an và các lực lượng an ninh Việt Nam xuất hiện để ngăn chặn, dù theo thông lệ thì mọi cuộc biểu tình trước đó dù ôn hòa đều có kiểm soát rất chặt của lực lượng an ninh. Cuộc bạo loạn mãi cho đến khi gần tối mới có tin quân đội được điều tới để can thiệp. Chính quyền Việt Nam sau đó đã mở cuộc điều tra, khởi tố hàng chục người tham gia bạo loạn và kết luận rằng tổ chức cầm đầu kích động gây bạo loạn là tổ chức Việt Tân – vốn được chính quyền Việt Nam lên án là một tổ chức phản động và khủng bố. Nhưng liệu Việt Tân có thực sự là tổ chức đứng sau những vụ bạo loạn này, hay chỉ là một tấm bia đỡ vẫn thường được đem ra dùng để quy kết trách nhiệm, đánh lạc hướng cho những mục đích nào đó của chính quyền ?
Một điều đáng lưu ý nữa là vụ bạo động “chống Trung Quốc” dẫn đến chết người và đập phá tại Formosa Hà Tĩnh xảy ra vào ngày 15 tháng 5, 2014, sau khi một bài báo trên New York Times ngày 12 tháng 5, 2014 tiết lộ việc tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam – ông Nguyễn Phú Trọng – bị Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối lời đề nghị gặp gỡ, mà qua đó ông Trọng hy vọng Bắc Kinh rút dàn khoan dầu ra khỏi khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bài báo có tựa đề “China and Vietnam at Impasse Over Drilling Rig in South China Sea” của ký giả Keith Bradsher, dẫn theo một nguồn tin ngoại giao giấu tên, viết rằng: “Lãnh đạo đảng CSVN (ông Nguyễn Phú Trọng) đã đề nghị đến Bắc Kinh để thảo luận với chủ tịch Tập Cận Bình nhưng lời đề nghị bị từ chối.”
Với những diễn biến đã xảy đến với Formosa trong hai vụ việc năm 2014 và 2016, liệu đã đủ để nhận ra “những yếu tố chính trị chưa rõ ràng” mà Formosa tố cáo về động cơ thực sự của chính quyền Việt Nam trong những vụ việc này?
Phải chăng “biểu tình chống Trung Quốc” năm 2014 và “ô nhiễm biển làm cá chết” năm 2016 thật ra chỉ là những cái cớ để che giấu những ý đồ, toan tính khác của chính quyền Việt Nam? Formosa phải chăng thật ra là một “con tin,” bị “đánh,” bị uy hiếp để rửa mối tư thù, để “tống tiền” và gây sức ép lên “ai đó” phía sau?
Thực tế, có không ít lời đồn đại rằng Formosa tuy mang quốc tịch Đài Loan, nhưng có vốn của Trung Quốc, và nhân lực Trung Quốc làm việc tại Formosa Hà Tĩnh lên đến hàng ngàn người. Và trong bối cảnh “phe thắng cuộc” ở đại hội Đảng XII của đảng Cộng Sản Việt Nam hồi tháng 1, 2016 tiếp quản quyền lực từ Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng với một ngân sách gần như đã rỗng và nợ công cao như núi thì $500 triệu “phạt vạ” được từ Formosa cho mấy con “cá chết” cũng giải quyết được khá nhiều vấn đề cho “bộ sậu” mới lên thực sự khát tiền như nắng hạn mong mưa rào.