Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng của hải quân Việt Nam tại căn cứ Cam Ranh.
‘Quân đội Việt Nam đang chuẩn bị các lực lượng đặc biệt để có thể tấn công các cơ sở Trung Quốc trong khu vực’ là hàng tít đăng trên báo Want China Times của Đài Loan hôm nay, trích nguồn tin từ báo Kommersant có trụ sở ở Moscow.
Bài báo viết rằng cũng như các cuộc diễn tập quân sự đã được quân đội Việt Nam tiến hành từ năm 2004 đã cho thấy, máy bay chiến đấu SU-22 của Không quân Việt Nam sẽ được dùng để phát động cuộc tấn công đầu tiên chống các mục tiêu trên biển bằng tên lửa không đối địa AS-10. Các chiến đấu cơ này có thể tấn công các tàu hải quân Trung Quốc từ độ cao 2.500 tới 3.000 mét.
Cùng lúc, các chiến đấu cơ SU-30 có khả năng được dùng để yểm trợ đội máy bay dội bom SU-22. Tờ Want China Times đưa ra kịch bản là kế đó, Hải quân Việt Nam có thể đổ bộ lên các hòn đảo và bãi đá ngầm hiện do Trung Quốc chiếm đóng. Tàu đổ bộ sẽ được yểm trợ bởi máy bay, các tàu ngư lôi và hộ tống. Bài báo dẫn tin của Hệ thống Quân sự Sina ở Bắc Kinh nói rằng các tàu hộ tống lớp Tarantul được trang bị tên lửa Kh-35 do Nga chế tạo đặc biệt nguy hiểm đối với các tàu bè của Trung Quốc.
Việt Nam là nước thứ nhì trên thế giới sở hữu loại tên lửa Kh-35 do Nga chế tạo. Tầm bắn của vũ khí nguy hiểm này là 130km.
Vẫn theo kịch bản này, thì sau đó các lực lượng đặc biệt Việt Nam sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào nhiều mục tiêu, kể cả các thương thuyền, tàu tiếp tế, các trạm radar, và các cơ sở và phương tiện khác của Trung Quốc trên các đảo nhỏ hay bãi đá, nơi mà một số ít binh sĩ Trung Quốc trú đóng.
Theo tờ Kommersant, mỗi đơn vị lực lượng đặc biệt của Việt Nam chỉ gồm từ 3 tới 5 người.
Một bài báo trên tờ Vancouver Sun của Canada viết rằng hiện nay, Việt Nam và Philippines nay đã công khai tranh chấp với Trung Quốc để giành chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Cuộc tranh chấp đã âm ỉ từ lâu lại bùng phát mới đây vì các hoạt động qui mô lớn của Bắc Kinh để lấp biển xây đảo nhân tạo tại vùng biển đang trong vòng tranh chấp này.
Theo tờ báo, chính các hoạt động xây đảo của Trung Quốc cũng đã khiến Washington phải lên tiếng cảnh báo Trung Quốc, và tăng cường các chuyến bay tuần tra trên không phận Biển Đông.
Tờ Vancouver Sun trích lời Tổng lãnh sự Philippines Neil Ferrer nói rằng “Chúng tôi yêu cầu tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, không chỉ ở Biển Đông, mà trong tất cả các quan hệ quốc tế. Trong nội bộ ASEAN, chúng tôi đã đi đến đồng thuận là chúng tôi mong muốn các nước khác phải tôn trọng. Chúng tôi đang tích cực kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong cuộc tranh chấp, kể cả Trung Quốc”.
Tờ báo trích lời Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vancouver Trần Quang Dũng, đồng tình với phát biểu của tổng lãnh sự Philippines. Ông Dũng nói: “Về vấn đề Biển Đông, lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Chúng tôi muốn vấn đề này được giải quyết dựa trên Công ước Quốc tế về Luật Biển. Chúng tôi muốn tất cả các bên liên quan tôn trọng luật này, và giúp tạo điều kiện để đạt một bộ Quy tắc Ứng xử với Trung Quốc”.
Tờ báo nhận định rằng có rất ít triển vọng là Trung Quốc sẽ lùi bước trong cuộc tranh chấp để giành chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, làm tăng nguy cơ xung đột quân sự trong khu vực.
Trong khi đó, Philippines và Việt Nam nối lại đàm phán về việc thực thi luật pháp trên biển. Tờ Philippines Star hôm nay loan tin hai nước đang làm việc để thiết lập một cơ chế hầu có thể giải quyết hòa bình các vụ đối đầu trên biển, đặc biệt liên quan tới các vụ đối đầu vì các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp trong các vùng biển thuộc chủ quyền của mỗi nước.
Từ tháng Ba năm nay, Philippines và Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng để có thể phối hợp phản ứng trong trường hợp xảy ra các hoạt động bất hợp pháp, cũng như để hợp tác trong các hoạt động cứu nạn trên biển.
Nguồn: Want China Times, Asean Correspondent, The Philippines Star.
(VOA)