Nếu tính thu nhập trung bình cao của một người lao động nước ta là 5 triệu đồng/tháng thì tổng thu nhập cả năm chỉ bằng thu nhập của Christiano Ronaldo trong… 95 giây.
Sáng 28.12.2015, tại Huế xảy ra một cái chết thương tâm: Thanh niên tên là Nguyễn Viết Ngọ, sinh năm 1987, quê ở Phú Vang, Thừa Thiên Huế, đã lao đầu vào tàu SE3 đang chạy qua đoạn An Cựu, chết tại chỗ không toàn thây!
Báo chí cho biết Nguyễn Viết Ngọ là cử nhân đại học, mới cưới vợ, không xin được làm, dẫn đến bị trầm cảm rồi tìm đến cái chết…
Nhận tin, dường như tôi đã không thể cầm lòng được khi biết (dù báo chí không đăng) Ngọ là cựu SV khoa Địa lý, Địa chất của trường Đại học Khoa học Huế – trường tôi!…
Ít ai chú ý rằng, 4 ngày trước đó, trên trang tin điện tử của Đảng CSVN, lúc 19:37, ngày 24.12.2015 có đăng tải bản tin là:
Theo báo cáo của Bộ Lao động – TB và XH, thì cả nước hiện có hơn 342.800 thạc sĩ, cử nhân và người có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp (225.500 cử nhân, thạc sĩ và và 117.300 CĐCN)!
Thống kê trên sẽ càng đáng lưu tâm hơn nữa nếu ta tìm lại số liệu thống kê 5 tháng trước đây: VnExpress ngày 20.7.2015, 21:09 GMT+7 cho biết, cả nước có 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, tổng số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đã tăng thêm… 47.500 người(!)
Những cảnh đời xa xót
Có lẽ, sẽ có không ít người đồng ý với tôi rằng, một trong những nỗi ĐAU lớn nhất của đời làm thầy giáo dạy đại học là đi đến đâu cũng gặp… cựu sinh viên thất nghiệp!
Không thể nói hết những sự thật éo le khi vào quán cháo, một người bưng cháo ra, chào thầy và tự giới thiệu: “Em học K30”. Thầy đáp lại bằng một nụ cười méo, trong khi cái đầu “điện tử” lẩm bẩm trong cõi buồn, “vậy là đã 5 năm”.
Ở quán cà phê, cơm bụi cũng rất nhiều cảnh tượng tương tự khiến cho cả thầy và trò đều khó xử. Giải pháp thường thấy là thầy hay cô đều chẳng bao giờ đến đó thêm một lần nữa…
Dù sao, theo cách nghĩ của AQ, như thế vẫn còn… “may” (xứ ta, câu chuyện thương tâm nào cũng cố vớt vát là vẫn còn may), bởi cũng có việc làm(!) Việc làm là gì khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, lại đi bê cháo, bán cơm bụi, pha cà phê?
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, những người thất nghiệp đa số đều kém nên không xin được việc làm.
Quan niệm đó không sai… nhiều vì, một khi đã kết luận như thế thì phải lập tức thống kê rằng có phải bao nhiêu công chức, viên chức Nhà nước đều giỏi giang cả hay không?
Nếu những người có việc đó đều giỏi giang, tại sao hàng năm các trung tâm đào tạo vẫn thả sức đào tạo hàng trăm ngàn tấm bằng tại chức, đại học từ xa?
Đó là chưa nói những “tin đồn” (bất cứ tin đồn nào cũng có một phần sự thật) rằng chỗ này đòi 300, chỗ kia 200 triệu…
Một vị quan chức của ngành thanh tra cấp tỉnh mới đây cho tôi biết, chỉ làm nhân viên điều dưỡng trong một bệnh viện tỉnh, cũng có giá 250 triệu đồng; làm nhân viên văn thư ở ủy ban xã, 100 triệu đồng…
Những bất cập phải đổi thay
1. Báo chí vừa rộ lên chuyện một trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có “quyền”(!) mở thêm ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học có trình độ đại học; vì, theo một quan chức, “… được tuyển sinh đào tạo y khoa khi đủ điều kiện điều kiện”.
Câu hỏi đặt ra là: Nếu cứ bỏ tiền ra mua sắm trang, thiết bị, có hợp đồng đầy đủ với đội ngũ giảng viên cơ hữu (thật và ảo), thì bất kì ai cũng có quyền mở bất kì trường nào sao?
Rõ ràng, chức năng của nhà nước – bất kì nhà nước nào, nhất thiết phải là điều tiết, cụ thể là dự kiến nhu cầu, kế hoạch hóa các chỉ tiêu để cho phép tuyển sinh bao nhiêu là đủ; đồng thời phải giám sát kĩ càng (thông qua các cơ quan chức năng) chất lượng đào tạo.
Nhà nước không thể thả nổi việc đào tạo tràn lan như hiện nay, khi cả nước có đến 412 trường ĐH và CĐ; dự kiến đến năm 2020 sẽ có 460 trường!
Đào tạo tràn lan, tuyển sinh vượt khung vô tội vạ, chương trình đào tạo không đáp ứng đủ và đúng yêu cầu của thực tiễn là nguyên nhân đầu tiên đưa đến số lượng 342.800 người có bằng CĐ, ĐH thất nghiệp như hiện nay.
Tại sao không giảm bớt quy mô đào tạo mà vẫn cứ tìm mọi cách luồn lách để “xin” thêm chỉ tiêu tuyển sinh – đồng nghĩa với việc tăng thêm thu nhập? Chính các trường ĐH, CĐ đã gián tiếp và trực tiếp tạo ra gánh nặng cho toàn xã hội.
2. Trong một bài viết gần đây về thể thao (sẽ đăng dịp Tết), người viết bài này tính ra rằng, nếu tính thu nhập trung bình cao của một người lao động nước ta là 5 triệu đồng/tháng thì tổng thu nhập cả năm chỉ bằng thu nhập của Christiano Ronaldo trong… 95 giây!
Đành rằng cả thế giới chỉ có một người như thế, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là: Cho dù chỉ bằng một phần ngàn Ronaldo đi nữa thì tại sao có năng khiếu không đi đá bóng mà nhất thiết phải học đại học cho bằng được?
Cũng tương tự như thế, nếu bạn thích sửa xe hay làm thợ hàn thì cũng có sao đâu, miễn là có đóng góp cho cuộc đời và có thu nhập chính đáng ổn định.
Đã đến lúc cần phải thay đổi nhận thức của người Việt bấy lâu nay: Cứ đổ xô đua nhau mơ giấc mơ “làm quan” để ngồi mát ăn bát vàng, trên đội hạ đạp. Chắc hẳn truyền thông và giáo dục phải cùng nhau tạo nên làn sóng thay đổi đó.
3. 35 vạn nhân tài đang bị lãng phí nhiều năm đèn sách, đang bị lưu manh hóa (nói theo cách của Marx: người công nhân tự do là vô sản lưu manh), đang có nguy cơ bị biến thành cái gốc của thoái hóa, tệ nạn.
Mà, dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải nhẩm lại lời dặn của người xưa, nhàn cư vi bất thiện là một gánh nặng thật sự, một mối lo cận kề mà cái chết thương tâm của cựu SV Nguyễn Viết Ngọ chỉ là… một…
Cái gánh nặng đó nhất thiết phải được làm nhẹ bớt từ đầu cung (các trường đại học giảm tuyển sinh) song song với việc tiến hành một cuộc cách mạng toàn diện và triệt để nhằm cơ cấu lại chương trình đào tạo.
Cách giảng dạy nặng về lí thuyết, xa thực tiễn; thực chất chỉ tạo ra hàng ngàn kĩ sư, cử nhân chưa làm việc đã mang nặng tư tưởng quan liêu, giáo điều.
Đặc biệt, phải coi việc phản biện như là một đòi hỏi, một nhu cầu, một nguyên lí của khoa học. Làm sao sáng tạo trong tương lai khi suốt hàng cục năm chẳng biết cách bày tỏ sự nghi ngờ?
Sẽ trả lời sao đây khi gần 30 vạn tài năng bị lãng phí đủ đường, lại còn gây nên biết bao nỗi đau, nhọc nhằn, phiền muộn cho gia đình, xã hội?
Chẳng lẽ lãng phí đã, đang và sẽ là một thói quen tệ hại của người Việt?
Làm sao phát triển khi nhân tài không dùng (không thể được dùng) trong khi bộ máy cứ phình to ra để dung chứa không ít người chẳng có chuyện môn lẫn tài năng – như nhiều quan chức đã khẳng định, ít nhất 30% không biết làm việc hoặc chẳng có việc để làm?
Một nén hương thắp cho cựu SV Nguyễn Viết Ngọ và, cũng là một lời tâm sự muốn gửi gắm đến tất cả những ai có quyền để, có thể đổi thay…
Theo Soha