Việt Nam Thời Báo

Cán cân quyền lực Nam – Bắc sau ĐH 12

BBC

Image copyrightAFP
Image captionHai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng

Báo Nhật Nikkei Asian Review đặt vấn đề phải chăng nguồn gốc miền Nam và sức ép Trung Quốc khiến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phải nghỉ ở Đại hội 12.

Cùng lúc, có ý kiến nói cơ cấu nhân sự đông người Bắc hơn người Nam trong Bộ Chính trị của Đảng cầm quyền khiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể dễ dàng đưa ông Đinh La Thăng, người quê Nam Định, vào nắm vị trí đầy quyền lực là Bí thư TPHCM.
Tờ báo Nhật viết rằng kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản hồi tháng Giêng đã bầu lại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 72 tuổi, nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng cùng tất cả các ủy viên Bộ Chính trị trên 65 tuổi đều rút tên.
Hôm 7/2, nhà báo Nhật Atushi Tomiyama dẫn một nguồn giấu tên nói các chính khách miền Nam đã cố sức vận động cho ông Dũng.
“Hôm 21/1, khi Đại hội Đảng mới bắt đầu, một cựu đảng viên cao cấp gửi cho ông Trọng một email.
Bức điện nói ông Dũng là chính khách mà Việt Nam cần. Vị đảng viên lão thành than phiền không có ứng viên lãnh đạo nào hiểu kinh tế, và đều yếu ớt trước đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc.”
Tác giả nhận định Thủ tướng Dũng đã đưa Việt Nam gia nhập TPP, thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu.
“Các chính trị gia có lợi ích riêng không thích điều này,” nhà báo Atushi Tomiyama nêu ra cáo buộc.
“Nhiều đảng viên cũng không muốn chấp nhận một lãnh đạo tối cao từ miền Nam. Cả tám tổng bí thư, từ thời Hồ Chí Minh, đều là người miền Bắc hay Trung.”
Nhà báo Nhật nói khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Trung Quốc hôm 23/12 và gặp lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình, “các chuyên gia nghi ngờ họ cũng bàn về việc ông Trọng tiếp tục làm tổng bí thư”.
Image copyrightReuters
Image captionCác lãnh đạo chính phủ châu Á bàn về sông Mekong hồi tháng 7/2015
“Không có bằng chứng Bắc Kinh can thiệp cuộc đua lãnh đạo ở Hà Nội. Nhưng họ có ảnh hưởng quan trọng đến chính trị Việt Nam. Và rõ ràng ông Dũng không phải là ứng viên mà Bắc Kinh ưa thích.”
Yoshiharu Tsuboi, chuyên gia chính trị Việt Nam ở Đại học Waseda, nói Trung Quốc có thể e ngại ông Dũng, người theo đuổi quan hệ gần hơn với Mỹ.
Nhà báo Nhật Atushi Tomiyama kết luận dù ông Dũng phải nghỉ hưu, nhưng ảnh hưởng của ông sẽ vẫn còn.
Tác giả cho rằng trong 19 ủy viên Bộ Chính trị mới được bầu, có những người được cho là thân cận với thủ tướng như ông Đinh La Thăng và Nguyễn Thiện Nhân.
Dù vậy, tác giả cũng cho rằng kết quả Đại hội 12 “có thể gây khó khăn cho các chính trị gia cải tổ miền Nam và làm chậm lại phát triển kinh tế của đất nước”.

Tỷ lệ vượt trội

Cũng bình luận về số Ủy viên Bộ Chính trị người miền Bắc tăng nhiều so với miền Nam sau Đại hội 12, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng hôm 7/02 nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt theo ông vì sao lại có chuyện một người miền Bắc vào làm Bí thư Thành ủy TPHCM:
“Bộ Chính trị lo lắng , làm sao để không tạo ra tính cát cứ địa phương, họ muốn làm sao giảm tính địa phương cục bộ, và đó là một lý do vì sao ông Đinh La Thăng về làm Bí thư Thành ủy TPHCM.”
Image copyrightfacebook
Image captionÔng Đinh La Thăng được mạng xã hội Việt Nam nói đến nhiều
“Đây là chủ kiến của ông Nguyễn Phú Trọng. Sau ĐH12 ông Nguyễn Phú Trọng khá là tập quyền.”
Ông Phạm Chí Dũng nêu ra các con số:
“So với nhiệm kỳ trước, trong 16 ủy viên BCT trước có 9 người Bắc, còn lại 7 người Nam, nhưng đến nhiệm kỳ 12 thì người Bắc chiếm 14 người, trong khi đó số Nam Bộ chỉ có 5 người thôi.”
“Với tỷ lệ vượt trội của địa phương miền Bắc như thế, ông Trọng có thể phân công công tác ông Đinh La Thăng vào TPHCM một cách dễ dàng.”
“Không như trường hợp ông Nguyễn Khắc Định, Phó Văn phòng Chính phủ hồi giữa 2015 được cử vào làm Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM chỉ ba tháng rồi lại phải ra.”
Tuy nhiên, vì đây là chuyện mới mẻ, xác suất thành công của ông Đinh La Thăng ở vị trí mới “hiện là một ẩn số”, theo đánh giá của nhà báo Phạm Chí Dũng.
Dù sao thì so với ông Nguyễn Bá Thanh, một trường hợp được TBT Nguyễn Phú Trọng bổ nhiệm xa khỏi vùng truyền thống của mình, thì ông Đinh La Thăng thận trọng hơn trong việc phát ngôn, ông Phạm Chí Dũng nhận xét
Image copyrightGetty
“Gần như là những việc làm của ông Đinh La Thăng đi đôi với lời nói. Còn ông Bá Thanh thì nổi tiếng với câu ‘bắt liền hốt liền’ nên các ủy viên Trung ương và Bộ Chính trị ở Bắc Hà không thích ông ấy lắm.”
Nhà báo sống tại TPHCM có lời khuyên cho vị tân Bí thư Thành ủy TPHCM:
“Ông Đinh La Thăng cần có chương trình hành động, ông phải là một nhà tổ chức, phải có hệ thống chân rết tối thiểu để nắm các sở, ban ngành ở TPHCM,”
“Nếu bị chống đối của một số nhóm phái cũ dưới thời ông Lê Thanh Hải thì đó sẽ là thách thức rất lớn với sự thành công của ông Đinh La Thăng.”

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo