Hà Huy Toàn

(VNTB) – Nho giáo được đưa lên địa vị thống trị chỉ làm cho xã hội lụn bại. Cần cảnh giác với Học viện Khổng Tử khi thấy nó hiện diện ở bất cứ đâu!
Tôi xin phát biểu một số ý kiến về Nho giáo nhân việc khai trương Học viện Khổng Tử tại Đại học Hà nội vào ngày 27/12/2014.
Trước hết về khái niệm. Đa số người Việt nam không hiểu Nho giáo có nghĩa là gì. Theo Hán tự, chữ “Nho” (儒) được tạo thành bởi chữ “Nhân” (亻, tức là Người) ghép với chữ “Nhu” (需, tức là Cần thiết hoặc Nhu cầu). Chuyển dịch đầy đủ, “Nho” có nghĩa là người cần thiết cho việc gì đó hoặc người cần được dùng vào việc nào đó. Từ đó suy ra rằng, “Nho” có nghĩa là con người công cụ hoặc con người được dùng làm phương tiện (cho người khác sử dụng). Quả thật, thực tế xã hội đã chứng thực rằng, nho sỹ hoặc nho gia (hoặc “nhà nho” theo Việt ngữ) chẳng qua chỉ là người cần thiết để các vua chúa trị nướcmà thôi, tức là tầng lớp được đào tạo để làm tay sai hoặc đầu sai cho vua chúa cai trị tất cả các tầng lớp dưới (vì tầng lớp này “có học” hoặc chỉ làm việc bằng đầu óc nên nói “đầu sai” sẽ chính xác hơn nói “tay sai”). Từ chữ “Nho” (儒) được chiết tự như vậy, ta có thể suy ra Nho giáo (儒 教) là một hệ tư tưởng chính trị làm nền tảng tinh thần cho chế độ chuyên chế để những kẻ thực hành chỉ biết làm tay sai hoặc đầu sai cho người khác (Vua chúa). Đây là một trong những hệ tư tưởng phản động nhất đã từng được tạo trong lịch sử nhân loại, không chỉ tạo ra tình trạng nô lệ mà còn kéo dài tình trạng đó. Nho giáo làm cho người ta triệt hạ lẫn nhau để từ đó người ta tự tiêu diệt mình. Vậy Nho giáochính là một hệ tư tưởng vong thân, tức là cái hệ tư tưởng làm cho người ta bị mất mình. Tại sao lại khẳng định như vậy?
Thứ hai về mục đích. Nho giáo nhằm xây dựng một xã hội ổn địnhhoặc một xã hội hài hòa, trong đó người ta đối xử tử tế với nhau bằng Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; tức là Ngũ Thường hoặc Ngũ Luân. Nhân: lòng yêu thương đối với muôn loài hoặc vạn vật. Nghĩa: cư xử công bình theo lẽ phải với mọi người. Lễ: tôn trọng người khác hoặc hòa nhã trong khi cư xử với mọi người. Trí: thông hiểu lý lẽ hoặc biết phân biệt thiện với ác, hoặc biết phân minh đúng với sai. Tín: giữ đúng lời hoặc đáng tin cậy. Thật ra, mọi hệ tư tưởng cũng như mọi tôn giáo đều theo đuổi mục đích tốt lành, đều hướng thiện, ngay cả Chủ nghĩa Marx cũng chỉ nhằm giải phóng nhân loại khỏi áp bức bóc lột bằng chủ nghĩa cộng sản. Nhưng có hay không đạt được mục đích đó hoặc thậm chí dẫn đến hệ quả thực tế trái ngược với mục đích đó lại còn phải phụ thuộc rất nhiều vào phương tiện. Các tôn giáo cũng như các hệ tư tưởng chỉ khác nhau về phương tiện mà thôi. Chính điều này mới thật sự quan trọng.
Thứ ba về phương tiện. Nho giáo chủ trương Tam Cương. Đây chính là phạm trù trung tâm cho Nho giáo. Tam có nghĩa là Ba. Cương có nghĩa là Giềng mối. Tam Cương tức là ba mối quan hệ bền vững: quân thần (quan hệ giữa vua chúa với tôi tớ), phụ tử (quan hệ giữa cha với con), phu phụ (quan hệ giữa vợ với chồng); trong đó tôi tớ phải phục tùng vua chúa, con phải phục tùng cha, vợ phải phục tùng chồng. Cả ba trường hợp đó đều chỉ có sự phục tùng vô điều kiện. Trong xã hội chuyên chế lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống, các mối quan hệ này được xác lập theo những nguyên tắc chết người. (1) Quân thần: “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, có nghĩa là dù vua chúa có bảo tôi tớ chết, tôi tớ cũng phải tuân lệnh; nếu tôi tớ không tuân lệnh thì tôi tớ không trung thành với vua chúa; tôi tớ phải trung thành tuyệt đối với vua chúa. Trong quan hệ vua tôi, vua chúa thưởng phạt luôn luôn công minh, còn tôi tớ luôn luôn trung thành một dạ. (2) Phụ tử: “phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”, có nghĩa là cha khiến con chết, con phải chết; nếu con không chết thì con không có hiếu với cha. (3) Phu phụ: “phu xướng phụ tùy, phụ bất tuỳ bất nghĩa”, có nghĩa là nếu chồng nói ra điều gì thì vợ phải tuân theo điều đó, nếu vợ không theo thì vợ không có nghĩa với chồng.
Xã hội vốn dĩ được cấu thành bởi nhiều quan hệ khác nhau nhưng Nho giáo khái quát tất cả các quan hệ đó thành Tam Cương. Không hiểu được Tam Cương sẽ không hiểu được Nho giáo nguy hiểm như thế nào. Tam Cương tiêu diệt triệt để mọi hiện tượng biểu hiện tự do dân chủ để nuôi dưỡng nhà nước bạo quyền. Tam Cương bỏ qua một sự thật quan trọng nhất đối với con người, đó là bản tính vị kỷ vốn có ở mọi cá nhân đòi hỏi xã hội phải được tổ chức theo chính thể dân chủ với nhà nước pháp quyền mới bảo đảm cho một xã hội hài hòa tồn tại bền vững. Bản tính vị kỷ vừa tốt đẹp vừa xấu xa hoặc bản tính vị kỷ chỉ xấu xa khi thúc đẩy người ta làm điều xấu xa cũng như chỉ tốt đẹp khi thúc đẩy người ta làm điều tốt đẹp đòi hỏi xã hội phải được tổ chức theo chính thể dân chủ để bản tính vị kỷ trở thành bản tính tốt đẹp. Nhưng Tam Cương hoàn toàn không dựa trên sự thật đó.
Thứ bốn về Khổng Tử. Nho giáo được khai triển bởi nhiều tác gia khác nhau nhưng Khổng Tử đóng góp nhiều nhất vào việc khai triển Nho giáo làm cho Nho giáo được gọi tên thành Khổng giáo (Confucianism). Đây là một cách gọi tên rất sai lạc đối với Nho giáo.
Thật ra, Khổng Tử không sáng tạo gì cho Nho giáo mà chỉ ghi chép lại những giáo điều chính trị thành một hệ thống quan điểm cho người khác thực hành. Khổng Tử suốt đời hô hào vận động người ta thực hành Nho giáo bằng nhiều giáo huấn hoa mỹ. Nhưng khi nói rằng: “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, tức là nếu mình không muốn điều gì thì đừng làm điều đó cho người khác (sách Luận Ngữ), Khổng Tử đã không thể hình dung được rằng: nếu mình không muốn điều gì mà người khác lại muốn điều đó thì mình có thể nên làm điều đó cho người khác! Vậy Khổng Tử chỉ biết mình muốn gì mà không biết người khác muốn gì, hoặc thậm chí ông chỉ biết mình không muốn cái gì mà không biết người khác lại có thể muốn cái đó, sâu xa hơn nữa ông không hề biết bản tính vị kỷ hiện hữu ở mọi cá nhân. Khổng Tử không tiếc lời đề cao người quân tử nhưng cũng không tiếc lời mạt sát đám tiểu nhân (thực chất là mạt sát quần chúng bị áp bức). Trong lịch sử Tàu cũng như lịch sử thế giới, chưa có ai sánh bằng ông về thái độ khinh bỉ đối với quần chúng. Điều rất đáng ngạc nhiên là tuyệt đại đa số những người bàn luận về Khổng giáo không hiểu ý nghĩa của những từ ngữ đặc trưng cho Nho giáo, như “quân tử” cùng với “tiểu nhân”, ở vào thời đại của Khổng Tử (cũng như rất lâu sau khi ông đã qua đời) khiến họ thường hay coi sỹ và quân tử là những giá trị tinh thần, biểu tượng cho một nhân cách, một đạo đức và họ thường đồng hóa sỹ và quân tử với sự cao thượng. Thực tế, nho chỉ là những người học để ra làm quan, sỹ là những nho sỹ được tuyển chọn để được huấn luỵện thành quan, quân tử là một giai cấp, giai cấp kẻ sỹ, những kẻ làm tay sai cho các vua chúa để thống trị quần chúng. Còn tiểu nhân chỉ có nghĩa là quần chúng mà thôi. Vì Khổng Tử không sáng tạo gì cho Nho giáo nên về mặt tư tưởng, Khổng Tử vô can đối với địa vị thống trị cho Nho giáo. Khổng Tử chỉ bị lợi dụng vào việc củng cố chế độ chuyên chế.
Thứ năm về hệ quả. Do phương tiện mâu thuẫn với mục đích nên Nho giáo không thể xây dựng được một xã hội hài hòa mà chỉ đẩy xã hội vào tình trạng rối ren. Lịch sử đã cho thấy nước Tàu thường xuyên bất ổn về chính trị trong suốt chiều dài lịch sử hoặc chỉ được ổn định tạm thời nhờ tàn sát và bành trướng. Nho giáo được đưa lên địa vị thống trị chỉ làm cho xã hội lụn bại.
Kết luận: cần cảnh giác với Học viện Khổng Tử khi thấy nó hiện diện ở bất cứ đâu!