Tuổi Trẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng vàng không còn là kênh hấp dẫn đối với nhà đầu tư và ngay cả người dân, sau khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt quản lý thị trường này – Ảnh: Quang Định
Từ mức cao hơn thế giới 3-4 triệu đồng/lượng, bắt đầu từ cuối tuần qua giá vàng trong nước đã thấp hơn giá vàng thế giới từ vài chục đến hơn 100.000 đồng/lượng.
Cuối ngày 7-3, giá vàng thế giới ở mức 1.266,5 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng tương đương 34,09 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế, phí). Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC bán ra chỉ ở mức 34,05 triệu đồng/lượng, thấp hơn 40.000 đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Từ mức cao hơn thế giới 3-4 triệu đồng/lượng, bắt đầu từ cuối tuần qua giá vàng trong nước đã thấp hơn giá vàng thế giới từ vài chục đến hơn 100.000 đồng/lượng.
Người dân chán vàng?
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao giá vàng trong nước từ chỗ cao hơn giá vàng thế giới đến 3-4 triệu đồng/lượng trong một thời gian dài lại nhanh chóng thấp hơn giá vàng thế giới?
Có phải là người dân đã chán vàng? Theo bà Nguyễn Thị Cúc – phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do giá vàng thế giới tăng quá nhanh, giá vàng trong nước không theo kịp.
Mặt khác, do nhu cầu vàng của người dân hiện nay không nhiều. Hiện mỗi ngày PNJ bán ra khoảng 200 lượng vàng, tăng nhẹ so với cuối năm 2015 nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với những thời điểm thị trường sốt nóng.
Trong khi đó, theo chuyên gia Trần Thanh Hải, chỉ trong vòng hai tháng qua giá vàng thế giới đã tăng 19%, gần tương đương với mức tăng của giá vàng thế giới thời điểm tháng 7 và tháng 8-2011.
Trước đây, khi Ngân hàng Nhà nước chưa siết thị trường vàng, đợt biến động này sẽ tạo ra một cơn sóng khủng khiếp trên thị trường vàng khi không chỉ người dân, giới kinh doanh mà cả các ngân hàng cũng lao vào đánh vàng.
Tuy nhiên, vừa qua hiện tượng này không những không xảy ra mà giá vàng trong nước lại “đuối dần”, khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước – thế giới liên tục thu hẹp và đến nay giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới.
“Có thể ví vàng – ngoại tệ – VND như ba cạnh của một tam giác cân. Trước đây ba cạnh này vận động rất trơn tru. Lực lượng kinh doanh vàng cũng rất hùng hậu và gắn chặt với ngân hàng do ngân hàng có quỹ vàng dồi dào từ nguồn vàng huy động của người dân, có thể cho giới kinh doanh vay để “đánh lên đánh xuống”.
Tuy nhiên hiện nay nguồn huy động vàng này không còn, ngân hàng cũng không được phép cho vay vàng, kênh ngoại tệ hầu như chỉ có một chiều mua vào, còn chiều bán ra rất hạn chế. Chỉ còn VND, “tam giác” này giờ không còn hoạt động được nên để tạo ra cơn sóng vàng như đã từng diễn ra trong quá khứ là chuyện khó”, ông Hải lý giải.
Cũng theo ông Hải, sau khi nghị định 24 có hiệu lực, điểm kinh doanh vàng bị thu hẹp, ngân hàng không nhận gửi vàng, chưa kể giá vàng liên tục sụt giảm trong hơn 4 năm qua khiến người giữ vàng bị thua lỗ.
“Tất cả yếu tố đó khiến người bỏ tiền vào vàng đắn đo, cân nhắc. Dễ nhận thấy là sức mua trên thị trường gần đây không sôi động dù giá vàng đã tăng miệt mài trong hai tháng qua”, ông Hải nói thêm.
Vàng đi, USD về
Nhiều công ty vàng cho biết sau khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, đã có hiện tượng giới kinh doanh gom vàng để xuất qua đường biên mậu.
Một chuyên gia chuyên theo dõi về thị trường vàng, ngoại tệ cho biết hiện tượng xuất lậu vàng đã xảy ra từ ngày 26-2. Theo nguyên tắc “vàng đi, USD về”, dễ thấy nhất là giá USD tự do thời gian qua giảm rất mạnh, có thời điểm thấp hơn giá USD tại ngân hàng.
Theo vị chuyên gia này, giá vàng miếng SJC mới thấp hơn giá vàng thế giới từ cuối tuần qua nhưng trước đó từ cuối tháng 2, giá vàng nguyên liệu đã rẻ hơn giá vàng thế giới khoảng 500.000 đồng/lượng. Giới kinh doanh đã gom vàng nữ trang rồi phân kim thành vàng nguyên liệu xuất qua đường biên mậu để thu lời.
Theo ông này tính toán, với mức chênh khoảng 500.000 đồng/lượng, sau khi trừ đi các chi phí vận chuyển, phân kim vẫn lãi khoảng 200.000 đồng/lượng. “Xuất 1kg vàng, giới kinh doanh lời hơn 5 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay việc xuất vàng mới chỉ trên quy mô nhỏ, giữa các tiệm vàng với nhau, ước tính mỗi ngày chỉ từ 50-80kg nên chưa tạo ra cơn sốt”, ông
này nói.
Các công ty vàng cũng thừa nhận có hiện tượng này. Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết có dấu hiệu cho thấy có hiện tượng xuất ngược vàng qua biên giới Campuchia. “Việc xuất theo đường biên mậu mới chỉ diễn ra ở phía các tiệm vàng nhỏ chứ các công ty lớn thì chưa xảy ra. Với đà này, nếu giá vàng trong nước không theo kịp giá vàng thế giới, hiện tượng xuất lậu sẽ tăng”, bà Cúc nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho rằng lượng vàng để xuất không nhiều vì thời gian qua Ngân hàng Nhà nước không cho phép nhập vàng. Tuy nhiên, nguyên tắc là “nước chảy chỗ trũng”, nếu giá vàng trong nước tiếp tục thấp hơn giá vàng thế giới thì giới kinh doanh sẽ nghĩ đến việc xuất lậu.
Chuyển vàng sang kênh bất động sản,
tiết kiệm
Ông Nguyễn Thành Long – chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN – cho rằng tâm lý của người dân sau Tết Nguyên đán là suy tính chuyện làm ăn. Những kênh đầu tư khác như nhà đất, tiết kiệm cũng khá hấp dẫn vì thị trường bất động sản đã ấm lên và lãi suất huy động thời gian vừa qua đã tăng. Còn kênh vàng hiện nay chỉ là “mua để dành” nên không hấp dẫn lắm.
“Về lâu về dài có thể người dân sẽ nghĩ như những nước phát triển, tức giảm hẳn chuyện găm giữ vàng. Nhưng trước mắt, việc người dân quay trở lại với vàng như đã từng diễn ra trước đây vẫn có thể xảy ra nếu như cơ hội kiếm tiền từ kênh vàng trở lại chứ khó bỏ hoàn toàn”, ông Long nói.
Theo Ánh Hồng
Tuổi Trẻ