Việt Nam Thời Báo

“Chạy vào Quốc hội là… bình thường”!?

Đến ĐB Quốc hội mà còn “chạy là bình thường” thì đúng là “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền” đang hiện hữu. Một khi Đại biểu Quốc hội mà “có tiền là chạy được”, đến khi đạt được mục đích, tránh sao khỏi tâm lý ít nhất là “hoàn vốn”?!

(Minh họa: Ngọc Diệp)
Chỉ đầu năm 2016, chúng ta đã và sẽ thực hiện 2 sự kiện trọng đại, có tính quyết định vận mệnh của đất nước không chỉ trong vòng 5 năm tới mà còn cả những năm sau này.
Đó là Đại hội Đảng XII (vừa kết thúc) và cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới.
Nếu Đại hội là chiến lược về sự lãnh đạo của Đảng thì Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Do đó, nhân sự của Ban chấp hành Trung ương Đảng quan trọng bao nhiêu thì nhân sự của Quốc hội cũng quan trọng không kém.
Về nhân sự Đảng, có thể còn có những ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản, Đại hội đã bầu được một Ban chấp hành Trung ương tốt nhất, với những đòi hỏi rất khắt khe. Đặc biệt, 19 gương mặt trong Bộ Chính trị là những đại biểu ưu tú nhất hiện nay của Đảng.
Đối với Quốc hội, việc đặt chất lượng đại biểu lên hàng đầu không chỉ là để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng XII mà còn là nguyện vọng của cử tri cả nước.
Nhìn thẳng vào sự thật mà nói, dù chất lượng Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua về cơ bản là tốt, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, làm tốt trách nhiệm của mình, có tới 3 đại diện (đều là nữ) thuộc Quốc hội được Đại hội tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị thì cũng còn có một số đại biểu chưa đạt chất lượng là đại diện của cử tri, chưa xứng đáng với vai trò thành viên của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Thậm chí, có những trường hợp gian dối trong kê khai lý lịch, tham ô, tham nhũng, vi phạm pháp luật và cả những phát ngôn hồ đồ, thiếu thận trọng, thiếu suy nghĩ, thiếu cả văn hóa tối thiểu.
Không phải vô cớ mà trong cuộc thảo luận tại tổ ngày 5/11/2014 về Luật Bầu cử, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề xuất Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nên cụ thể hoá tiêu chuẩn đã được ghi trong Hiến pháp. Ứng viên phải có đầy đủ hồ sơ khi tham gia ứng cử và lý lịch tư pháp. Đặc biệt trong giấy khám sức khoẻ cần có cả trắc nghiệm về thần kinh, tâm lý.
Còn ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) thốt lên đầy chua chát: “Ai cũng làm đơn ứng cử được, thậm chí một người mới từ bệnh viện tâm thần xuất viện cũng ứng cử được” – (Báo Dân trí, bài “Ứng viên đại biểu Quốc hội phải được khám sức khỏe… tâm thần?”).
Song, một điều còn đáng lo ngại hơn cả bệnh “tâm thần”, đó là “chạy” vào Quốc hội.
Trả lời phỏng vấn báo Infonet của Bộ Thông tin & Truyền thông ngày 9/2 vừa qua, bài “Ông Lê Văn Cuông: “Nếu thu mình trong vỏ lợi ích thì làm ĐBQH sao được!”, vị ĐB Quốc hội hai nhiệm kỳ XI, XII, đoàn ĐBQH Thanh Hóa đã thẳng thắn: “Bây giờ chạy vào Quốc hội là bình thường, có tiền là chạy được, có quan hệ thân là chạy được. Chạy vào đó để hưởng lợi, để đánh bóng thương hiệu thôi chứ không phải chạy vào đó là vì nước, vì dân”.
Đến ĐB Quốc hội mà còn “chạy là bình thường” thì đúng là “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền” đang hiện hữu.
Một khi Đại biểu Quốc hội mà “có tiền là chạy được” thì khi đạt được mục đích, tránh sao khỏi tâm lý ít nhất là “hoàn vốn”?!

Theo Dân Trí

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo