Hòa Cầm
* Tác giả gửi bài cho VNTB
Nếu nghề giáo là lựa chọn của yêu thích, thì đi dạy là lựa chọn giữa giành giật cơ hội, là quỳ gối để được theo nghề.
Năm 2013, cả nước có 62 trường Đại học, Cao đẳng sư phạm. Mỗi năm cho ra hàng vạn giáo viên, chưa kể các lớp cử nhân các ngành liên quan học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để theo nghề giáo. Thế nhưng, lượng giáo viên về hưu hằng năm lại chỉ bằng 1/10, 1/20 so với con số đó, số trường mới nằm trong hệ thống tiểu học – trung học mở ra không nhiều. Dẫn đến cung hơn cầu, và từ đó đưa tới hiện tượng quen thuộc trong hệ thống giáo dục – nhà giáo tương lai buộc phải chạy việc.
Chạy việc nằm trong diện tiêu cực, tham nhũng giáo dục, so với các hình thức khác như: thu phí và các khoản đóng góp trái phép, mua bán điểm/ bằng cấp, biển thủ và sử dụng sai ngân sách giáo dục; tham nhũng trong luân chuyển/ điều chuyển giáo viên, học thêm/dạy thêm, tham nhũng cơ bản trong xây dựng trường học, in ấn sách giáo khoa hay mua sắm trang thiết bị dạy học, bệnh thành tích qua khen thưởng/ danh hiệu, ăn chặn tiền hỗ trợ cho học sinh (vùng sâu/xa/hải đảo)… thì nó mang tính nhân-quả, tạo ra cái vòng tròn khép kín trong tiêu cực và tất nhiên hệ quả là sự di hại rất lớn về sau. Chính nó (chạy việc) là cái gốc là bẩn sự liêm chính, công bằng trong giáo dục, làm suy yếu giá trị sống, nghề nghiệp của người giáo viên. Chính nó là bước đầu để biến giáo viên thành nạn nhân của cơ chế và dẫn đến việc người giáo viên sẽ là thủ phạm trong việc tiến hành các hành vi tham nhũng đối với học sinh, phụ huynh.
Hình thức này xuất hiện khi một địa phương bất kỳ không cân đối được chỉ tiêu biên chế và nhu cầu của trường, dẫn đến việc lựa chọn và tuyển dụng giáo viên không còn dựa trên cơ sở cạnh tranh và năng lực thực sự, mà phụ thuộc vào hoàn toàn vào hội đồng tuyển chọn.
Chạy việc cũng theo thời giá, ví như vùng 2 nông thôn (2NT) thì mất 70-80 triệu đồng (Việt Nam), thành phố thì mức giá trên 100 triệu đồng, còn những vùng sâu – vùng xa, hải đảo thì giá chạy còn cao hơn nhiều (do tính phụ cấp vùng miền của nó đẩy lương giáo viên lên rất cao).
Từ hợp đồng trường 10 – 20 triệu, đến hợp đồng sở 70-80 triệu, đến biên chế trên 100 triệu.
Chính yếu tố chạy việc này đã làm vô hiệu hóa lá chắn mang tên “hộ khẩu”, nhưng lại làm nảy sinh ra thêm việc “chạy hộ khẩu” để được hưởng quyền ưu tiên trong tuyển dụng giáo viên.
Nhà giáo vốn được học về sự trung thực, nhưng khi bước ra trường, họ đối diện với sự cô lập nếu tiếp tục giữ sự trung thực đó. Cơ chế xã hội đã dạy lại cho họ bài học về việc biết quỳ gối và dùng tiền bôi trơn quan hệ hay đúng hơn là biết cúi đầu, khụy gối luồn lách.
Những ai không tiền nhưng yêu nghề thì phải làm đủ việc để tích góp tiền chạy việc, bao gồm cả đi làm công nhân trong các khu công nghiệp, chế xuất. Nên mẫu số chung các cử nhân sư phạm khi ra trường thường phải chờ từ 1-2 năm mới chính thức được bước vào môi trường giáo dục.
Kể cả khi có tiền rồi thì phải lo tìm các mối quen, gửi ít chỗ này, ít chỗ kia. Có tiền, thì cũng phải có người quen sơ đến quen thân để gửi gắm, nhiều cử nhân sư phạm mới ra trường, lơ ngơ tin tưởng “ông X quen với trưởng phòng giáo dục huyện, bà Y là hiệu trưởng của trường…” mà bị mất tiền, chỉ biết méo miệng mà khóc không nên lời.
Các cử nhân sư phạm ra trường hầu hết đối diện với thực tại phũ phàng đến thế.
Ngay cả khi vào đến trường, nhưng tiết dạy không đủ (dẫn đến hệ số lương thấp, nhất là đối với diện hợp đồng) thì lại tiếp tục đút lót để được dạy, nhằm kiếm thêm phụ cấp. Hiện tượng này xảy ra phổ biến đối với giáo viên môn xã hội (Văn, Sử, Địa, Công nghệ, Giáo dục công dân, thể dục). Và một khi họ đã được ổn định trong môi trường giáo dục, thì nạn năm xưa trong tiêu cực giáo dục lại tìm cách thu hồi vốn thông qua nhận nâng điểm, ưu ái học sinh, tăng cường dạy thêm và liên kết tham nhũng trong quản lý…
Ngày xưa, những sinh viên sư phạm còn cao giọng hát vang “Bài ca về người giáo viên nhân dân” thì đến bây giờ, kẻ tủi hổ xót xa, người nhanh nhạy lo lót, cả hai đều yêu cái nghề gieo chữ, nhưng xã hội buộc họ phải lựa chọn một con đường duy nhất để theo nghề – chạy việc.
Đó là bĩ kịch nhà giáo trong cơ chế “xin-cho” này. Và đó là lý do vì sao nạn tiêu cực/ tham nhũng trong giáo dục vốn làm xói mòn niềm tin của cộng đồng đối với nền giáo dục lại không thể giải quyết triệt để, tận gốc. Dù rằng, bao năm qua, các khẩu hiệu, phong trào chống tham nhũng trong giáo dục luôn được nhấn mạnh và phát động rầm rộ.