BBC
46/48 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội bị loại, trong đó có nhà báo Trần Đăng Tuấn, sau hội nghị hiệp thương lần ba hôm 15/4.
Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố, đượcVnExpress hôm 15/4 dẫn lời cho hay: “Những người được đưa ra biểu quyết đều đủ tiêu chuẩn theo quy định, nhưng còn phụ thuộc vào cơ cấu nên phải “so bó đũa chọn cột cờ”.
Kết quả trong số 38 người được chọn lập danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội, chỉ còn 2 ứng viên tự đề cử là ông Nguyễn Hữu Ninh (Chủ tịch hội đồng quản lý Trung tâm nghiên cứu, giáo dục môi trường và phát triển thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội) và ông Nguyễn Anh Trí (Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương).
Một trong những người tự ứng cử nổi bật nhất là nhà báo Trần Đăng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ xã hội – Từ thiện “trò nghèo vùng cao”. Trước đó tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi công tác, ông Tuấn đều đạt tín nhiệm 100%, theo báo trong nước.
Hôm 15/4, BBC đã gọi cho ông Tuấn nhiều lần nhưng ông không bắt máy.
Trước đó, hôm 12/4, một nhóm cử tri ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội đã thay mặt 36 cử tri đến Ủy ban bầu cử TP Hà Nội để gửi đơn khiếu nại lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc nhà sách Alpha Books, người ứng cử độc lập Đại biểu Quốc hội khóa 14 và Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố (2016-2021).
“Tôi nợ họ những sự ủng hộ này nên thấy cần cùng đứng tên với họ. Tôi không gửi và tranh đấu vì bản thân tôi, mà vì trách nhiệm với những người dân quý mến và ủng hộ tôi”, ông Bình viết trên Facebook.
Việt Nam lần đầu tiên cho phép ứng viên độc lập tự đề cử từ năm 2002, và chỉ bảy người trong vài trăm ứng viên tự do giành được ghế trong Quốc hội trong ba kỳ bầu cử đến nay, theo ghi nhận của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc.