Việc này theo các chuyên gia có ý nghĩa như thế nào?
Mỹ sẽ trở lại Cam Ranh?
Cam Ranh là một cảng biển nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, có địa thế chiến lược hết sức quan trọng. Từ trước đến nay, hải quân các nước Pháp, Mỹ, và Liên Xô đã từng dùng Cam Ranh làm căn cứ quân sự.
Mới đây, hãng tin Reuter cho biết Mỹ đã có yêu cầu VN ngưng cho phép Nga sử dụng căn cứ Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho các máy bay ném bom tại khu vực Thái Bình Dương, với lý do những hoạt động đó có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực.
Bình luận về sự kiện này, Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn thấy rằng, thái độ của VN trong vấn đề này sẽ cho biết diễn tiến của các quan hệ giữa VN với TQ, Nga và Mỹ sẽ ra sao trong thời gian tới. Ông nói với chúng tôi:
“VN có đáp ứng lời yêu cầu của Hoa kỳ hay không là một điều hết sức quan trọng. Hoa Kỳ cần soi sáng các điểm mờ chiến lược mà VN là một yếu tố hàng đầu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Riêng VN, trước yêu sách của Mỹ, thì bị lâm vào một tư thế hết sức không thoải mái, nếu không nói là tiến thoái lưỡng nan. Vì vậy, cũng như mọi người, tôi đang nóng lòng muốn biết thái độ của VN ra sao trước lời yêu cầu này của Mỹ. VN như đứng trước ngã ba đường, VN không thể không có chọn lựa.”
LS. Vũ Đức Khanh chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ và luật pháp quốc tế tại Đại học Ottawa – Canada nhận định:
“Điều đó cho thấy chính sách ngoại giao đu dây của VN đã hoàn toàn phá sản và chính sách ba không cũng đã đi vào ngõ cụt của sự bế tắc. Điều đó cho thấy Hoa kỳ đã đang đi theo một lộ trình mà Hoa kỳ muốn có một mối quan hệ thật mật thiết với VN hiện tại. VN nằm trên một vị trí chiến lược như thế thì vấn đề là Mỹ có sẽ trở lại Cam Ranh hay không? Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, mà tôi nghĩ vấn đề này sẽ cho chúng ta thấy Mỹ đã đặt VN trước một sự lựa chọn vô cùng lớn”.
Theo báo của Nga Sputnik online đã bình luận cho rằng: “Việt Nam đang chơi với cả hai, đứng giữa vừa tìm kiếm các quan hệ gần hơn với Hoa Kỳ trong khi duy trì quan hệ truyền thống với Nga.”
Theo VOA Việt ngữ, liên quan đến chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng sắp tới, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viên quốc phòng Úc cho rằng:“Có rất nhiều tin đồn rất đáng tin rằng để đổi lại, Việt Nam có thể sẽ cho phép Mỹ tiếp cận không phận Cam Ranh cùng các cuộc diễn tập hải quân, những việc mà trước đây Hà Nội không đồng ý.”
Nói về khả năng phản ứng của VN trong vấn đề này, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn cho biết:
“Theo tôi, thì VN sẽ rất đau đớn để có thể chấp thuận yêu cầu của Mỹ. Trước hết Nga là một đồng mình truyền thống của VN. Nhưng VN cũng khó có thể trả lời không với Mỹ, ít nhất trong tình thế hiện nay. Bởi vì, trước sự lấn lướt của TQ tại Biển Đông, cũng như việc xây dựng các đảo nhân tạo của nước này đã trực tiếp đe dọa nền an ninh quốc phòng cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của VN. Mà việc đó Nga không thể giúp VN được, mà chỉ có Mỹ mới có thể giúp VN về kinh tế và quốc phòng để VN có thể bảo vệ quyền lợi của mình để đối đầu với hành động hung hăng của TQ. Vì vậy, theo tôi trong bối cảnh như vậy, trong nhất thời VN khó mà tìm được một kế sách để thỏa mãn tất cả các bên. “
Cam Ranh địa thế chiến lược
Trả lời câu hỏi việc VN cho Mỹ sử dụng cảng Cam Ranh sẽ có ý nghĩa như thế nào?
Cam Ranh là một căn cứ quân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Mỹ để tái phối trí lực lượng của họ ở Biển Đông, trong sách lược chuyển trục sang Châu Á. TS. Phạm Chí Dũng cho biết:
“Nói gì thì nói trong chiến lược xoay trục sang châu Á và Thái bình dương của Mỹ thì VN có vai tròchiến lược về mặt quân sự vì Cam ranh chắc chắn sẽ là điểm nhấn của Mỹ chứ không thể khác được. Vì ai nắm được Cam ranh thì khống chế được toàn bộ Biển Đông và kênh đào Kra.”
Điều đó rất quan trọng trong chiến lược phòng thủ Biển Đông của VN, để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của VN. Ông Trương Nhân Tuấn khẳng định:
“Nếu VN cho Mỹ sử dụng hải cảng Cam Ranh trong chiến lược phòng thủ Biển Đông, dĩ nhiên điều này có rất có ý nghĩa đối với quan hệ Việt-Mỹ. Tình huống này sẽ chỉ có thể xảy ra nếu VN và Mỹ đã có những kết ước về liên minh chiến lược. Đây là một ước vọng của phần lớn người VN hiện nay. Về vấn đề bảo toàn lãnh thổ, chắc chắn VN không thể đi với Nga, hay đi với TQ, mà phải đi với Mỹ. Ta thấy một đảo nhỏ là Đài Loan, đến bây giờ TQ cũng vẫn không dám dùng vũ lực để thống nhất đất nước, mặc dầu họ có tính chính danh để làm việc đó. Đơn giản vì phía sau Đài Loan có Mỹ. Vấn đề là lãnh đạo CSVN có dám đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi của đảng hay không.”
Đây là một sự tính toán có chủ ý từ phía Mỹ để buộc VN phải có một lựa chọn dứt khoát vào thời điểm này. LS. Vũ Đức Khanh nhận định:
“Từ trước đến nay VN vẫn coi Nga là một đồng minh thân cận mà người ta gọi là truyền thống, cho nên nếu nghĩ rằng VN sẽ quay ngoắt 180 độ thì là điều rất khó. Nhưng nếu cho rằng VN không có các chuyển động thì càng không được. Cho nên tôi nghĩ người Mỹ đang làm một cú để đẩy Hà nội vào một cái thế phải chọn, đó là việc phải đứng trong một cái liên minh nào đó, chứ không thể đứng ở cái thế vừa hợp tác chiến lược toàn diện với Nga, vừa hợp tác chiến lược toàn diện với TQ rồi lại đối tác toàn diện với Hoa kỳ. Do vậy, có thể có các bước ngoặt rất là lớn, mà tôi nghĩ rất có thể đã có những sự thỏa thuận nào đó rồi cho nên nó mới có các nguồn tin như hôm nay.”
Việc hiện diện của Mỹ ở Cam Ranh sẽ giúp đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của VN trước sự đe dọa của TQ trong lúc này. TS. Phạm Chí Dũng ghi nhận:
“Có lẽ tới lúc này, phía VN cần phải xác định ai sẽ có thể bảo vệ VN một cách hiệu quả trước sức ép của Bắc kinh? Nga không thể làm điều đó, hơn nữa Nga đang tiến bước để trở thành một đồng minh quan trọng của TQ. Như vậy chỉ còn người Mỹ thôi. Trước đây đã có những bài học như các căn cứ quân sự Clark hay Subic ở Philippines mà người Mỹ đã đóng quân ở đó và tình hình ở đó khá là ổn. Nếu như VN có một căn cứ quân sự của Mỹ thì VN có thể trở thành một đối tác quân sự nằm trong chiến lược liên minh về quân sự. Thì lúc đó TQ sẽ không thể làm gì được VN”
Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn. Nếu như Đảng CSVN biết coi trọng và đặt quyền lợi của tổ quốc, của dân tộc lên trên hết thì cũng chính là họ đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đông đảo người dân.
(Theo RFA)