Việt Nam Thời Báo

Choáng váng tiền điện tăng gấp 8 lần: EVN cần giải quyết khiếu nại đàng hoàng hơn

Trước nỗi bức xúc của người dân cả nước về việc hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường trong tháng 6, có nơi tăng đến 8 lần so với tháng trước đó, chuyên gia kinh tế cho rằng, EVN cần có giải quyết khiếu nại của người dân một cách đàng hoàng hơn.

“Tá hỏa” khi nhận hóa đơn điện


Vừa cầm tờ hóa đơn tiền điện tháng 6, chị Mai Ngọc (Hoàng Cầu, Đống Đa) không khỏi giật mình khi tiền điện lên tới hơn 2,3 triệu đồng, trong khi tháng trước chỉ hơn 1 triệu đồng. 

Dù đã chuẩn bị tâm lý cho việc này nhưng chị Ngọc vẫn không thể hiểu nổi, tại sao gia đình chị vẫn chỉ sử dụng từng đó thiết bị điện trong nhà mà sản lượng điện tiêu thụ lại tăng lên những 2 lần, kéo theo giá điện cũng thế “leo thang” cao chót vót.

Chị Ngọc cho biết, hiện tại gia đình chị có hai chiếc điều hòa và một chiếc tủ lạnh là “ngốn” nhiều điện nhất, nhưng ý thức được việc điện tăng giá nên gia đình dùng cũng rất tiết kiệm. Nếu có dùng nhiều hơn so với tháng trước do nóng quá thì cũng không đến mức làm tăng mức điện tiêu thụ lên tới 2 lần.

Tiền điện tháng 6 tăng gấp đôi tháng 5 của một hộ gia đình ở Hà Nội
Đồng cảnh ngộ với gia đình chị Ngọc, gia đình anh Hưng cách đó mấy hộ cũng “tá hỏa” khi cầm tờ hóa đơn điện: “Cả tháng này tôi đi công tác khoảng 17 ngày mà điện năng tiêu thụ lại lên đến được những hơn 300 số, trong khi tháng trước tôi ở nhà đủ 30 ngày mới chỉ hết hơn 200 số?!”

Anh Hưng băn khoăn rằng công tơ điện của mấy hộ xung quanh nhà anh đều ở trong bốt điện ở đầu ngõ, tháng nào cũng có người bên điện lực đến ghi chốt số nhưng anh thì chưa bao giờ thấy “mặt mũi” công tơ điện nhà mình “tròn méo” ra sao.

“Đợt chốt số tháng này tôi đã nhẩm tính ngày để đợi bên đấy (điện lực) đến thì tiện thể mình cũng ra xem sao, nhưng khổ nỗi lại toàn vào giờ đi làm”, anh ngán ngẩm cho biết.

Đã có rất nhiều người dân như anh Hưng, chị Ngọc phản ánh và bày tỏ nỗi bức xúc khi giá điện của gia đình mình tháng 5 và tháng 6 tăng lên tới mức “không thể tin nổi”. 

Hầu hết đều xuất phát từ việc lượng điện tiêu thụ của tháng sau tăng hơn rất nhiều so với tháng trước, lại thêm biểu giá điện tính theo kiểu “bậc thang” của EVN mà có những gia đình tiền điện tăng gấp 2, gấp 3 lần, thậm chí có hộ ở Hà Đông, Hà Nội còn tăng đến gấp… 8 lần.

Lý do của “nhà đèn”

Trả lời PV VTC News, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, nguyên nhân “đẻ” ra những hóa đơn điện gây sốc cho tâm lý và túi tiền của người dân như vậy có 3 nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ nhất có lẽ không thể không nhắc tới và cũng phải thừa nhận, rằng mức độ tiêu thụ của người dân vào những ngày nắng nóng thường sẽ tăng cao hơn các thời điểm khác trong năm. 

Nguyên nhân này cũng là “lý do chính đáng nhất” tính tới thời điểm hiện tại của EVN. Mỗi khi được hỏi những bất thường xung quanh tớ hóa đơn điện, đại diện EVN khẳng định vẫn tính giá điện đúng, vấn đề nằm ở chỗ do nắng nóng kéo dài liên tục nên nhu cầu tiêu thụ điện năng từ việc làm mát của các hộ gia đình tăng cao.

Điều hòa, máy lạnh sẽ phải làm việc với công suất lớn hơn, từ đó gây tổn thất nhiều điện năng hơn vào những thời điểm nhiệt độ ngoài trời chênh lệch cao so với nhiệt độ làm mát trong phòng. Ngoài ra cũng có gia đình bật điều hòa, máy lạnh cả ngày lẫn đêm.

Cũng theo chuyên gia Ngô Trí Long, rõ ràng có thể thấy nhu cầu sử dụng điện của người dân là rất lớn, trong khi nguồn cung điện ở Việt Nam lại chỉ có hạn, và “nhà đèn” EVN lại đang chiếm thế độc quyền.

Biểu giá lũy tiến “đi ngược” quy luật thị trường

Sau một thời gian trình lên Chính phủ phê duyệt việc tăng giá điện, cuối cùng cũng giá điện đã tăng thêm 7,5% từ ngày 16/3 vừa qua, nhằm mong “bù đắp” được cho EVN khoản lỗ lũy kế gần 17.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói là EVN đã không đưa ra thảo luận, trưng cầu ý kiến của người dân mà tự quyết trong việc đưa ra biểu giá điện 6 cấp lũy tiến của mình, tức dùng càng nhiều điện thì phải trả càng nhiều tiền. Đây cũng chính là nguyên nhân thứ 2 dẫn tới giá điện tăng vọt.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành 
Cụ thể: Bậc 1 cho từ 0-50 kWh giá 1.484 đồng/kWh, bậc 2 từ 51-100 kWh là 1.533 đồng/ kWh, bậc 3 từ 101-200 kWh là 1.786 đồng/ kWh, bậc 4 từ 201-300 kWh là 2.242 đồng/ kWh, bậc 5 từ 301-400 kWh là 2.503 đồng/ kWh, bậc 6 từ 401 kWh trở lên giá 2.587 đồng/ kWh.

“Trong khi theo quy luật của thị trường là càng bán ra được nhiều, giá bán càng phải rẻ đi thì nay anh lại làm ngược lại, càng bán được nhiều anh lại càng tăng giá lên”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận xét.

Cũng theo một chuyên gia kinh tế khác, việc áp dụng công thức lũy tiến trong biểu giá điện hiện nay của EVN một phần cũng là để khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm điện hơn, lượng điện tiêu thụ được giới hạn trong bậc có mức giá thấp thì chắc chắn giá thành cũng sẽ thấp. 

Tuy nhiên mức lũy tiến hiện nay của EVN là quá cao, từ kWh 401 trở lên người dân sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt ở bậc thang cao nhất là 2.587 đồng/kWh, khiến cho chỉ số điện năng có thể tăng gần gấp đôi nhưng số tiền người dân phải trả có thể tăng đến gấp 3, thậm chí gấp 4 lần.

Giải quyết khiếu nại đàng hoàng hơn

Theo khảo sát của PV, trên thực tế việc ghi số điện hàng tháng hầu như các gia đình đều không nắm được chính xác, chủ yếu vẫn là do nhân viên điện lực tự đi “chốt sổ” và đến ngày thì gửi hóa đơn về.

Hầu hết những người kêu hóa đơn tăng bất thường là vì họ dùng ít, nhưng chỉ số điện tiêu thụ lại nhiều, trong khi điện cao tính giá càng cao. Có những trường hợp người dân đi làm cả ngày, tối chỉ về bật quạt ngủ hay đi công tác cả tháng không có ở nhà nhưng tiền điện phải trả vẫn lên đến tiền triệu.

Chính vì vậy, TS. Ngô Trí Long cũng nêu rõ: “Nguyên nhân thứ nữa là cách đo đếm số điện tiêu thụ liệu có gì khuất tất hay không, vì sao dân người ta lại “kêu trời” lên như thế? Phải xem lại chất lượng của các thiết bị đo đếm, công tơ, đồng hồ điện hiện nay như thế nào, có bị sai số hay không, tính đồng bộ đảm bảo ra sao, …”
Công nhân EVN ghi chỉ số công tơ điện bằng gậy gắn camera và máy tính đồng bộ 
Mặt khác EVN cũng cần phải minh bạch, rõ ràng hơn trong cách ghi và tính giá điện đối với người dân, nhất là phải giải quyết một cách đàng hoàng khi có trường hợp khách hàng khiếu nại về tiền điện.

Theo ông Long, biểu giá điện trước ngày 16/3 tức trước khi tăng giá điện 7,5% có phần hợp lý hơn và “vì người tiêu dùng” nhiều hơn so với biểu giá được áp dụng hiện nay.

Chưa kể cách đây không lâu, Phó tổng giám đốc EVN, ông Đinh Quang Tri cũng đã nói rằng việc tăng giá điện 7,5% sẽ giúp cho doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2015 tăng thêm 13.000 tỷ đồng, thậm chí nhiều dự báo còn cho rằng sẽ còn tăng cao hơn thế.

Tuy nhiên, giờ đây có lẽ việc cần quan tâm nhất không phải là doanh thu của “nhà đèn” tăng lên thêm bao nhiêu, mà là người dân vẫn đang phải ở trong tình trạng bất an trước những khoản chi khổng lồ cho điện sinh hoạt – thứ mặt hàng không dùng thì không được, mà không trả đủ tiền cũng không xong.

Theo Huyền Trân (VTC)

Tin bài liên quan:

VNTB – Tăng giá điện để bù lỗ

Do Van Tien

VNTB – Xuống đi cho người dân nhờ

Do Van Tien

VNTB – EVN liên tục báo lỗ

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo