Khánh An
VOA
Người Việt xếp hàng để viếng Chủ tịch Fidel Castro tại Đại sứ quán Cuba ở Hà Nội, 28/11/2016.
Hôm 28/11, báo chí Việt Nam cho hay nhiều người dân Hà Nội đã xếp hàng dài trước Đại sứ quán Cuba từ buổi sáng để chờ được viếng Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Trong khi đó, một du học sinh Việt Nam đang học tại thủ đô La Habana, Cuba, cho biết hình ảnh vị lãnh tụ này khá mờ nhạt trong giới trẻ du học Việt, mặc dù họ vẫn bắt buộc phải học các môn học về triết học Mác-Lê hay lịch sử đất nước và những anh hùng của Cuba.
Anh Tuấn Anh, sinh viên học chuyên ngữ của một trường đại học tại thủ đô La Havana, cho VOA biết người dân Cuba hiện vẫn khá tôn sùng ông Fidel Castro:
“Nói đúng ra, về tình cảm đối với Chủ tịch Fidel Castro, người ta vẫn rất tình cảm. Theo em quan sát, mỗi nhà dân người ta đều có treo ảnh của Fidel Castro. Ví dụ như có một lần, một chuyện nhỏ thôi, tụi em thuê một nhà dân ở Cuba, nhậu nhẹt say vào rồi thì cũng có làm dơ cái ảnh của Chủ tịch, thì họ cũng rất gay gắt, người ta gọi công an đến luôn”.
Anh Tuấn Anh cho biết thời gian anh sang du học trùng vào thời điểm sức khỏe của ông Fidel Castro đã yếu đi và ông ít xuất hiện trên truyền thông hơn trước, nên hình ảnh của ông tương đối mờ nhạt đối với anh và chỉ dừng lại ở mức độ tôn trọng “vì dù sao người ta cũng là một danh nhân thế giới”. Anh nói:
“Như bọn em, trên trường thì cũng không có quá nhiều thông tin về Chủ tịch Fidel Castro. Những câu chuyện thì cũng chỉ là ngoài đường, ngoài lề người ta kể lại, thì mình cũng không có cảm nhận gì rõ ràng, cụ thể gì lắm”.
Theo lời anh Tuấn Anh, thành phần dân Cuba có tư tưởng “chống đối” chính quyền hay hệ tư tưởng Cộng sản là rất ít và thường là giới trẻ. Tuy nhiên, mức độ phản đối của họ cũng không quá gay gắt. Anh Tuấn Anh cho biết:
“Hầu như em chưa thấy ai phản đối. Người ta chỉ nói vui miệng với nhau hoặc than vãn, chủ yếu là lớp trẻ. Lớp trẻ người ta không có môi trường phát triển thì người ta phản đối thôi. Nhưng mà người ta cũng không bao giờ tỏ ra gay gắt quá vì vấn đề đấy. Tại vì theo em biết thì chế độ ở Cuba họ vẫn duy trì được là không bị đói, ốm đau bệnh tật đi chữa bệnh không mất tiền này, rồi đi học không mất gì cả. Nói chung là người ta chả phải có gánh nặng gì trên cuộc sống cả, thành ra là người ta chỉ than vãn vì người ta không có tiền để đi chơi thôi, chứ người ta không phải than vãn vì tôi đói khổ hay thế này thế nọ…”
Số du học sinh Việt Nam hiện đang theo học tại Cuba tương đối thấp. Theo lời anh Tuấn Anh, tổng số du học sinh và doanh nhân Việt Nam ở Cuba chỉ khoảng 250 – 300 người. Số học sinh đi du học tại đất nước của ông Castro đa số là theo diện học bổng. Mỗi năm, Cuba cấp cho Việt Nam 20 suất học bổng và du học sinh đi theo diện này cũng được hưởng những chế độ của học sinh bản xứ là miễn phí đại học và miễn phí chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, theo lời anh Tuấn Anh, du học sinh Việt ở Cuba khá bị hạn chế về các điều kiện thông tin liên lạc:
“Để liên lạc về nhà hay trao đổi thông tin thì rất khó khăn. Cước phí rất cao, thành ra sinh viên bọn em không có điều kiện liên lạc. Thời điểm hiện tại nó có giảm đi một nửa, bọn em muốn sử dụng Internet là phải vào các khách sạn hay các điểm Internet để sử dụng với giá khoảng 2 đô Cuba/1 tiếng, tức khoảng 50.000 đồng/1 tiếng, và chất lượng đường truyền của nó rất kém. Thứ hai, nếu bọn em muốn gọi điện trao đổi thông tin về nhà thì nó sẽ tầm khoảng 6.000 đồng/1 tin nhắn. Gọi về nhà khoảng mười mấy nghìn (đồng) 1 phút. Cho nên điều kiện để bọn em liên lạc thường xuyên về gia đình cũng hạn chế, trừ phi có việc gì cần thôi”.
Chính vì giá cước Internet cao và tốc độ đường truyền thấp nên du học sinh Việt gần như bị cắt giảm thú vui “lướt Facebook” như bạn bè trong nước hay ở các nước khác. Để theo dõi Facebook, du học sinh Việt ở Cuba thường phải tranh thủ download những nội dung muốn đọc xuống máy tính hay điện thoại “để dành” đọc sau khi offline.
Những hạn chế trên tồn tại ngay cả trong trường đại học. Tuấn Anh cho biết ngay cả các giáo sư đại học cũng sử dụng những máy vi tính rất cũ, từ đời đầu những năm 2000 hoặc thậm chí từ thập niên 1990:
“Trong trường học không có Internet, chỉ có mạng Intranet là mạng trong nước, chỉ để gửi mail trong nước thôi. Còn ở Cuba, người ta không có hệ thống Internet miễn phí, Wifi hay gì đâu. Tất cả nội dung học ở bên Cuba, em không biết những ngành khác như thế nào, nhưng ngành em học thì tài liệu chủ yếu vẫn là tài liệu từ ngày xưa ở trong trường. Bọn em đi học là đi theo cái mô típ nhất định, có sẵn rồi chứ không phải là cập nhật thông tin gì mới cả. Tại vì dù sao nó cũng là đất nước đã bị cấm vận 50 năm rồi thì làm sao mà có cái sự phát triển hay cập nhật như ở bên ngoài được”.
Cuba hiện vẫn duy trì nhiều nét đặc trưng của một quốc gia Cộng sản. Chẳng hạn như chương trình học trong trường đại học tại Cuba, theo lời anh Tuấn Anh, vẫn bắt buộc học các môn học về triết học Mác-Lenin và lịch sử đất nước, anh hùng của Cuba. Trên đường phố vẫn giăng mắc các câu khẩu hiệu, biểu ngữ mang tính chất tuyên truyền.
Du học sinh Tuấn Anh: “Vẫn có những môn đấy: Triết, rồi lịch sử về Cuba, những vị anh hùng về Cuba các kiểu… Nói chung là họ vẫn bắt mình học về lịch sử của Cuba mà, nhưng chỉ năm nhất, còn năm thứ hai, thứ ba thì cũng đi vào chuyên ngành. Ngoài phố, ngoài đường thì có những danh ngôn như dạng ‘Khởi nghĩa thành công’, ‘Đấu tranh mà sống’ hay ‘Đấu tranh cam chịu’… cũng vẫn còn những hình ảnh Che Guevara, Fidel… trên đường rất nhiều”.
Báo Pháp Luật hôm 28/11 đưa tin trong dòng người xếp hàng dài để viếng Chủ tịch Fidel Castro tại Đại sứ quán Cuba ở Hà Nội, có rất nhiều cựu du học sinh Việt Nam, trong đó có những người đã “bật khóc” khi được phóng viên hỏi về kỷ niệm đối với lãnh tụ của Cuba.