Việt Nam Thời Báo

Chủ tịch Hà Nội không hiểu qui luật thị trường?

Nam Nguyên (RFA)


000_Hkg10113115
                                              Một cửa hàng thời trang ở Hà Nôi. AFP photo

Hầu hết siêu thị, trung tâm thương mại ở Hà Nội đóng cửa đêm giao thừa và ngày mùng 1 Tết, thậm chí nhiều đơn vị nghỉ luôn ngày mùng 2 Tết, không màng tới ý kiến chỉ đạo trước đó của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Thiếu tướng Công an Nguyễn Đức Chung vừa nhậm chức Chủ tịch Thủ đô chưa được bao lâu đã bị dư luận phản bác vì ông muốn can thiệp vào hoạt động thị trường. Trước Tết tướng Chung có ý kiến là để nhân dân được phục vụ tốt trong dịp Tết, các siêu thị, trung tâm bán hàng phải hoạt động đêm giao thừa và ngày mùng một Tết.

Ý kiến chuyên gia trên báo chí chính thức, cũng như trên mạng xã hội đã mỉa mai ông tướng Chủ tịch Hà Nội là quen mệnh lệnh bên ngành công an, nên khi trong tư cách người đứng đầu Thủ đô, một Đô trưởng mà lại thiếu hiểu biết về hoạt động và qui luật thị trường.

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát biểu với chúng tôi tối mùng hai Tết:

Đưa ra quyết định như vậy chúng tôi cho là không hợp lý, người ta không chấp hành thì cũng không có quyền gì mà bắt phạt người ta cả…
– GSTS Vũ Văn Hóa


“Chúng tôi cho là không hợp thời, thứ nhất việc này là phong tục cổ truyền của người Việt Nam, đêm giao thừa là thiêng liêng để cho người ta xum họp với gia đình, đi chơi với bạn bè chứ không phải là lúc làm việc, người ta làm 365 ngày rồi, chỉ có một đêm giao thừa để đi chơi. Điều này là tập quán phong tục từ nghìn đời nay rồi. Chúng ta không nên can thiệp vào, đừng dùng mệnh lệnh hành chính như thời kỳ chiến tranh. Đưa ra quyết định như vậy chúng tôi cho là không hợp lý, người ta không chấp hành thì cũng không có quyền gì mà bắt phạt người ta cả…”

Trước đó theo Trí Thức Trẻ Online, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tới cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, theo đó các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp phải thảo luận với doanh nghiệp. TS Lê Đăng Doanh thêm rằng, quyết định hành chính là quyết định gây tranh cãi vì doanh nghiệp họ mở cửa hay không phụ thuộc vào việc họ có bán được hàng hay không.

Nhà báo tự do Phạm Thành, một cư dân Thủ đô Hà Nội trình bày ý kiến của ông:

“Ra lệnh như thế là trái với hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động theo qui luật cung cầu chứ đâu phải hoạt động theo mệnh lệnh. Chủ tịch Hà nội nói phải kinh doanh cả trong đêm giao thừa là cách nói rất là duy ý chí của lãnh đạo, chẳng biết hoạt động thương mại tuân thủ theo qui luật khác chứ đâu phải là làm theo mệnh lệnh. Đấy là một lối tư duy rất là duy ý chí đặc điểm của điều hành kinh tế theo kiểu tập trung kế hoạch hóa, theo mệnh lệnh…còn rơi rớt lại trong đầu óc những ông cộng sản bây giờ được đứng vào vị trí quản lý nhà nước…”

Từ câu chuyện khá khôi hài của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung Chủ tịch Hà Nội, nhìn về việc điều hành kinh tế quốc gia ở góc độ lớn hơn. Việt Nam vừa chính thức ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở New Zealand hôm 4/2/2016 vừa qua. Đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều cam kết về thị trường mở hơn bất cứ hiệp định nào khác mà Việt Nam từng tham gia.

Doanh nghiệp có quyền quyết định

000_Hkg10250746-400
Người Hà Nội mua tắc chưng Tết len lỏi trong dòng
 giao thông giờ cao điểm hôm 29/1/2016. AFP photo
Thử so sánh về việc điều hành hoạt động kinh tế của Thủ đô qua mệnh lệnh hành chính của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và những tiêu chí mà Việt Nam phải thực hiện trong tư cách thành viên TPP, qua phát biểu của Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quàn lý Kinh tế Trung ương:

“Chính Hiệp định TPP này với rất nhiều cam kết, cùng với nhiều cam kết trong các hiệp định khác, thì nó như là chất xúc tác để góp phần thêm, để thúc đẩy thêm quá trình cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế theo tinh thần thị trường đầy đủ hiện đại và hội nhập cũng như là một Nhà nước rất là có trách nhiệm, có tính giải trình cao, chuyên nghiệp, minh bạch. Đấy là ý nghĩa rất sâu xa và đằng sau tất nhiên là môi trường kinh doanh rất là bình đẳng, minh bạch, đàng hoàng để các nhà đầu tư, để thị trường đón nhận, đem hết tất cả lợi thế cũng như năng lực của mình vào hoạt động kinh doanh sản xuất…”

Hà Nội là biểu tượng của Việt Nam, vậy mà người đứng đầu chính quyền lại có vẻ còn giữ nguyên não trạng của nhà điều hành thời bao cấp. Tuy rằng, tướng Nguyễn Đức Chung đưa ra ý kiến chỉ đạo siêu thị mở cửa đêm giao thừa và sáng mùng một Tết là để phục vụ người dân Thủ đô tốt hơn. Nhưng ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận định trên báo chí rằng, lệnh của ông Chung có lẽ chỉ dừng lại ở chỗ là có lệnh…nhưng nó không có tính khả thi… Điều này trở thành sự thật, vì hầu hết siêu thị tư nhân hay đơn vị có vốn nhà nước ở Hà Nội đã đóng cửa đêm giao thừa, ngày mùng một Tết và còn kéo dài qua luôn cả mùng hai.

Lãnh đạo Hà Nội thực hiện cái đó thì bản thân họ phải thay đổi tư duy chứ không phải người dân. Chính là các quan chức phải thay đổi tư duy…
– Nhà báo tự do Phạm Thành


Những người dân bình thường hay giới kinh doanh không ai không hiểu rằng, kinh doanh là vì lợi nhuận. Nếu doanh nhân thấy mở cửa đêm giao thừa và sáng mùng một đem lại hiệu quả, thì không cần chính quyền ra lệnh họ sẽ tự động làm. Tuy nhiên, chi phí hoạt động trong những ngày nghỉ Tết sẽ nhiều hơn ngày thường, thì dụ tiền lương phụ trội và người lao động cũng có quyền từ chối không đi làm. Doanh nghiệp tự cân nhắc và chính họ mới có quyền quyết định về hoạt động kinh doanh của mình. Trên thế giới không thiếu gì những cửa hàng mở cửa 24g, nhưng đấy là sự tổ chức kinh doanh đặc biệt theo quyết định của doanh nhân chứ không phải mệnh lệnh của chính quyền.

Có lẽ câu chuyện mệnh lệnh hành chính của ông Chung Chủ tịch Hà Nội không phải là cá biệt, ở các tỉnh thành khác chắc hẳn có nhiều trường hợp tương tự trong các hoạt động kinh tế. Thí dụ có những địa phương từng ra lệnh công nhân viên chức chỉ được uống một loại bia nào đó. Làm thế nào để thay đổi tư duy các cấp chính quyền một cách có hiệu quả? Nhà báo tự do Phạm Thành phát biểu:

“Lãnh đạo Hà Nội thực hiện cái đó thì bản thân họ phải thay đổi tư duy chứ không phải người dân. Chính là các quan chức phải thay đổi tư duy…”

Việt Nam đã đổi mới từ 30 năm qua, nhưng có vẻ còn rất nhiều quan chức, cán bộ lãnh đạo chưa thực sự thay đổi. Câu chuyện mệnh lệnh của Hà Nội lại xảy ra ngay sau khi Đại Hội Đảng kết thúc và nhiệm kỳ 5 năm sắp tới được cho là tiếp tục đổi mới trong bối cảnh hội nhập và hoàn thiện thể chế thị trường đầy đủ. 

Nam Nguyên

(RFA)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo