Việt Nam Thời Báo

Chủ tịch nước xin Quốc Hội phê chuẩn Công ước Chống Tra Tấn, nhưng sẽ thực hiện… kiểu Việt Nam

Dân Luận tổng hợp


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (Ảnh VPQH)

Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn Công ước Chống Tra Tấn, nhưng chớ vội mừng!

Theo báo Khám Phá, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đệ trình Quốc Hội phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức đổi xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người của Liên Hợp Quốc vào ngày 23/10/2014.

Như thế, Quốc Hội sẽ thảo luận về việc tham gia Công ước chống tra tấn và sẽ có phiên biểu quyết thông qua việc phê chuẩn Công ước tại kỳ họp lần thứ 12 này.

Công ước chống tra tấn được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Công ước quy định các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp cụ thể về lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc các biện pháp hiệu quả khác nhằm ngăn chặn mọi hành vi tra tấn, thông qua các biện pháp phổ biến thông tin, đào tạo các lực lượng thực thi pháp luật, thường xuyên rà soát các quy định về thẩm vấn và giam giữ.

Các quốc gia tham gia Công ước cũng có nghĩa vụ trừng trị những hành vi tra tấn bằng các hình phạt thích đáng, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ nạn nhân. Công ước cũng khuyến khích các quốc gia thành viên hỗ trợ lẫn nhau về thủ tục tố tụng hình sự đối với những hành vi phạm tội nói trên, kể cả việc cung cấp các bằng chứng cần thiết nếu có.

Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã đặt bút ký vào Công ước này vào ngày 7/11/2013, nhưng phải đến khi nó được Quốc Hội phê chuẩn thì mới chính thức có hiệu lực.

Nhiều người dân đã rất hy vọng khi Việt Nam phê chuẩn công ước này sẽ ngăn chặn được tình trạng tra tấn trong quá trình điều tra hoặc giam giữ, dẫn tới cái chết oan khuất của nhiều người dân. Công ước cũng quy định phải coi tra tấn là tội phạm hình sự, người thực hiện hành vi tra tấn phải chịu trách nhiệm hình sự và nạn nhân phải được bồi thường.

Tuy nhiên, khi phê chuẩn, Việt Nam tuyên bố: Không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc chống tra tấn và các hình thức đổi xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Việc thực hiện các quy định của Công ước này sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi, có lại.

Điều này có nghĩa là Công ước sẽ tiếp tục chỉ mang tính tham khảo, và việc ký kết hay phê chuẩn Công ước này chỉ nhằm “góp phần đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước ta” và “trở thành thành viên đầy đủ của Công ước chống tra tấn, Việt Nam có thêm điều kiện tranh thủ sự ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới, tạo cơ sở tăng cường đối thoại về nhân quyền với các nước, các tổ chức quốc tế.” Tất cả chỉ là một trò trình diễn với quốc tế.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.