Việt Nam Thời Báo

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc và ảnh hưởng đến Việt Nam

Nếu chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc hoặc, may mắn hơn, dừng lại ở mức hiện tại thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào?


Sau khi đã mất một phần ba giá trị, chứng khoán Trung Quốc đã tăng giá trở lại trong hai ngày liên tiếp cuối tuần trước nhờ những nỗ lực cứu vớt “quyết liệt” chưa từng có tiền lệ của Chính phủ Trung Quốc.
 
 Viễn cảnh tiếp theo sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ là áp lực giảm phát mạnh hơn trên phạm vi toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.com
Tuy vậy, sự phục hồi này mới chỉ là bước đầu và còn quá sớm để nói rằng chứng khoán Trung Quốc đã qua cơn nguy kịch và sẽ tiếp tục phục hồi và lấy lại những gì đã mất trong gần một tháng qua. Bởi thị trường chứng khoán Trung Quốc thực tế đã tăng trưởng bùng nổ theo kiểu bong bóng trong một năm qua bất chấp nền tảng kinh tế – tăng trưởng kinh tế của nước này – đã suy yếu đi đáng kể trong mấy năm gần đây, quanh quẩn mức 7%/năm so với thời hoàng kim 9-10%/năm trong cả ba thập kỷ trước.

Thành công của Chính phủ Trung Quốc trong việc vực dậy thị trường chứng khoán nước này có chăng cũng chỉ là ngắn hạn, và sự điều chỉnh mạnh chỉ là vấn đề thời gian.

Ảnh hưởng kinh tế trực tiếp

Người ta có thể hình dung trước tiên đến hậu quả thua lỗ, tổn thất nặng của những nhà đầu tư Việt Nam vào thị trường chứng khoán Trung Quốc. Tuy nhiên, hậu quả này có lẽ chỉ ở phạm vi rất hẹp. Điều này có thể suy ra từ danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư trên thế giới. Chẳng hạn, thống kê cho thấy Quỹ Vanguard Total International Stock, một quỹ được ưa thích bởi các nhà đầu tư muốn vươn ra thị trường chứng khoán nước ngoài, chỉ có chưa đến 4% tài sản đầu tư vào các cổ phiếu Trung Quốc. Với sự đa dạng trong danh mục đầu tư của nhiều nhà đầu tư, ít nhất vài loại cổ phiếu trên vài thị trường, thì rủi ro mất mát đến từ thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ chỉ là một phần của con số 4% này. Với các nhà đầu tư Việt Nam, chắc rằng thiệt hại từ sự lao dốc của chứng khoán Trung Quốc cũng không khác biệt thế nhiều.

Các ảnh hưởng của thị trường chứng khoán Trung Quốc lên nền kinh tế Việt Nam sẽ chủ yếu là gián tiếp.

Một ảnh hưởng trực tiếp khác là sự chuyển đổi danh mục đầu tư của không chỉ các nhà đầu tư Trung Quốc mà còn của các nhà đầu tư quốc tế khác hướng vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau khi đã thấm bài học đau đớn từ việc đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc, sẽ có một bộ phận nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư Việt Nam, tìm kiếm một thị trường thay thế khác an toàn hơn và cũng có tiềm năng tăng trưởng tương đối tốt. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể lọt vào tầm ngắm của họ, nhưng có bao nhiêu người trong số này và họ sẽ phân bổ bao nhiêu vốn lại là một chuyện khác, phụ thuộc trực tiếp vào tính hấp dẫn tương đối của thị trường chứng khoán Việt Nam so với các thị trường khác trên thế giới.

Tuy người viết không lạc quan lắm trước viễn cảnh này vì quan ngại sẽ xảy ra tâm lý co cụm, bảo toàn tài sản của nhiều nhà đầu tư sau cú sốc Trung Quốc nhưng hãy cứ hy vọng một sự khởi sắc mới, hoặc ít ra cũng hy vọng thị trường chứng khoán Việt Nam không bị nhiễm cơn bạo bệnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong thời gian tới!

Ảnh hưởng kinh tế gián tiếp

Như vậy thì các ảnh hưởng của thị trường chứng khoán Trung Quốc lên nền kinh tế Việt Nam sẽ chủ yếu là gián tiếp.

Ảnh hưởng gián tiếp đầu tiên là qua kênh thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Khi chứng khoán Trung Quốc tụt dốc thì giá trị tài sản của nhiều nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán Trung Quốc bốc hơi mạnh, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tổng cầu của nước này. Mức độ tiêu dùng, mua sắm, đầu tư vào bất động sản, mở rộng đầu tư vào các ngành và lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc sẽ sụt giảm khi lượng tài sản khả dụng của đa phần nhà đầu tư trở nên teo tóp. Tổng cầu của Trung Quốc suy giảm sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường nước này. Những ngành xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam vào Trung Quốc như nông nghiệp, thủy hải sản, khoáng sản và các loại nguyên liệu khác sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Ngược lại, với tổng cầu suy yếu trong khi năng lực sản xuất đã và đang tiếp tục dư thừa thì Trung Quốc một mặt sẽ tìm mọi cách bảo hộ thị trường nội địa trước hàng nhập khẩu, mặt khác sẽ nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu của họ sang các nước khác bằng nhiều biện pháp và thủ thuật, và Việt Nam có thể sẽ là một trong số những nạn nhân đầu tiên.

Chưa hết, tổng cầu suy yếu, tăng trưởng kinh tế giảm sút sẽ dẫn đến áp lực giảm giá đồng bản tệ của Trung Quốc (chủ yếu so với đô la Mỹ). Khi nhân dân tệ giảm giá so với đô la Mỹ, nếu Việt Nam vẫn “cương quyết” với chính sách neo tỷ giá tiền đồng Việt Nam vào đô la Mỹ như hiện nay thì hậu quả lên thương mại và nhập siêu của Việt Nam sẽ càng nghiêm trọng hơn, vì Trung Quốc là nước xuất siêu lớn nhất vào Việt Nam.

Ảnh hưởng gián tiếp thứ hai sẽ là lên… chứng khoán Việt Nam. Như đã phân tích ở trên, một số ngành xuất khẩu của Việt Nam có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc sẽ bị tác động tiêu cực. Tính hấp dẫn và khả năng sinh lời của những cổ phiếu của các doanh nghiệp trong các ngành này vì thế sẽ bị suy giảm tương ứng với tình trạng sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của chúng. Kỳ vọng hiển nhiên sẽ là giá cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp này sẽ đi xuống sau đó. Ngược lại, cổ phiếu của các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối, kể cả những doanh nghiệp có nguyên phụ liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có cơ hội khởi sắc hơn.

Ảnh hưởng gián tiếp thứ ba sẽ rộng hơn nhưng khó lượng hóa hơn. Suy giảm tăng trưởng hay những biến động kinh tế lớn của Trung Quốc luôn là nỗi quan ngại sâu sắc mang tính toàn cầu, đơn giản vì quy mô khổng lồ của nền kinh tế nước này – đứng thứ hai thế giới. Viễn cảnh tiếp theo sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ là áp lực giảm phát mạnh hơn trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công Hy Lạp đe dọa tính ổn định của châu Âu, và phục hồi chưa chắc chắn của kinh tế Mỹ và Nhật, sự lao đao của Trung Quốc, vốn từng là phao cứu sinh cho nền kinh tế khu vực và toàn cầu, sẽ làm xấu thêm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay và năm tới. Và khi tăng trưởng thế giới bị giảm sút thì Việt Nam cũng không thể đứng an toàn ngoài cuộc vì các ảnh hưởng tiêu cực sẽ xảy đến thông qua các kênh thương mại và đầu tư nước ngoài như đã từng chứng kiến mấy năm trước.

 
Theo The Saigon Times

Tin bài liên quan:

Thị trường Chứng khoán Trung Quốc: ​Người chơi là ai?

Phan Thanh Hung

Gót chân Asin của Trung Quốc: Cơ hội để thoát Trung

Phan Thanh Hung

Trung Quốc: Giết người, tan cửa nát nhà vì bong bóng chứng khoán vỡ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo