VOA
Ông Mithc McConnell (giữa) phát biểu trước báo giới, ngày 2/9/2016.
Trong khi quốc hội Việt Nam hoãn thông qua TPP cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thì một lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng Hoà tuyên bố hiệp định thương mại này sẽ bị đóng băng cho đến khi tổng thống mới làm nó sống lại.
Tổng thống Barack Obama đang làm hết sức mình để quốc hội phê chuẩn hiệp định thương mại đối tác với 11 nước thành viên ở châu Á Thái Bình Dương, một nỗ lực mà Mỹ đã theo đuổi hơn 5 năm qua, nhưng cả 2 ứng cử viên đang tranh chức tổng thống đều đã lên tiếng không ủng hộ TPP.
Nhà lãnh đạo Khối Đa Số trong thượng viện Mỹ, Mitch McConnell, hôm 29/9 đã khẳng định thêm về hồi chuông báo tử cho TPP tại Mỹ.
Ông McConnell nói tại một cuộc họp báo ở Washington rằng “nếu chúng ta có một cuộc thảo luận khác về hiệp định thương mại thì đó sẽ phải được dẫn dắt bởi một tổng thống tiếp theo dù đó là ai đi nữa.” Tờ Bưu Điện Washington dẫn lời ông McConnell rằng tổng thống sẽ là người đóng vai trò rất lớn trong việc thương thuyết các hiệp định thương mại.
Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS – Yusof Ishak Institute của Singapore, hiệp định gói gọn 40% lượng GDP toàn cầu này đang phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ.
“Cơ hội lớn nhất bây giờ nếu TPP được thông qua đấy là phụ thuộc vào ông Obama trong thời kỳ lame-duck session sắp tới. Tại vì chúng ta biết rằng 2 ứng cử viên tổng thống đều tỏ ý phản đối. Ông Trump thì thẳng thừng phản đối, còn bà Hillary thì nói rằng có thể phải đàm phán lại 1 số điều khoản v.v. Thì cơ bản các nước thành viên đều không có hứng thú với việc đàm phán lại và nếu mà nói đàm phán lại thì coi như nó cũng đã chết.”
Đường dẫn trực tiếp
Tổng thống Obama, sau khi trở về từ chuyến công du châu Á cuối cùng với trọng tâm là quảng bá cho TPP, đã nỗ lực rất lớn để tìm cách thuyết phục quốc hội tổ chức biểu quyết hiệp định thương mại này tại một kỳ họp sau cuộc bầu cử đầu tháng 11 và trước khi tổng thống mới chính thức lên nắm quyền.
Ông McConnell trước đó đã phủ quyết một cuộc đầu phiếu cho TPP tại quốc hội trong thời gian “vịt què” – tức cuối nhiệm kỳ của ông Obama khi người kế nhiệm đã được chọn. Và hôm 29/9, dân biểu đảng Cộng Hoà của tiểu bang Kentucky đã tái khẳng định điều này với báo giới.
Ông Obama gọi TPP là hiệp định thương mại khu vực lớn nhất và là trọng tâm trong chiến lược xoay trục về khu vực đang phát triển nhanh nhất thế giới. Chính phủ của Tổng thống Obama đang dùng chiến lược hướng về châu Á để khống chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và chính sách bành trướng của quốc gia cộng sản này trên biển Đông.
Nhưng vừa qua, quốc hội Việt Nam đã quyết định hoãn thông qua TPP tại phiên họp thường niên trong tháng này tại Hà Nội như dự kiến. Một trong những nguyên nhân của sự trì hoãn này, theo chủ tịch quốc hội Nguyễn Kim Ngân tuyên bố vào tháng Chín, là chờ kết quả bầu cử tổng thống ở Mỹ. Đây là lần thứ 2 Việt Nam hoãn phê chuẩn hiệp định thương mại đa phương được coi là lớn nhất thế kỷ 21.
Đường dẫn trực tiếp
Theo nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế Lê Hồng Hiệp, nguyên nhân chính đằng sau đó là sự không chắc chắn về tương lai của TPP mà Việt Nam lại không muốn đi tiên phong và có thể làm phật lòng Trung Quốc.
“Ai cũng không muốn gọi là ‘cầm đèn chạy trước ô tô’ – Việt Nam thì cũng vậy. Trong bối cảnh chưa có nước nào chính thức phê chuẩn TPP mà Việt Nam làm đầu tiên thì nó sẽ tạo ra một hiệu ứng mà Việt Nam có lẽ cũng hơi ngại đấy là có thể làm Trung Quốc khó chịu vì Trung Quốc lâu nay vẫn coi nó (TPP) là một công cụ của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.”
Ông Hiệp nhận định với VOA Việt Ngữ rằng nếu TPP thất bại, lợi ích của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
“Có nhiều báo cáo đã xác định Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất thì bây giờ nó mất thì có thể nói ngược lại đấy là Việt Nam sẽ là nước bị tổn thất nhiều nhất. Ngoài việc mở rộng thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài thì cũng có thể ảnh hưởng tới một số chương trình cải cách trong nước.”
Theo ước tính, TPP có thể giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 11% và lượng xuất khẩu thêm 28% trong vòng 1 thập kỷ tới.
Với 12 thành viên tham gia TPP, hiệp định này gói trọn trong đó 1/3 lượng thương mại toàn cầu. Nhưng nhiều người dân Mỹ đang lo ngại TPP, và các hiệp định thương mại tự do nói chung, sẽ làm mất đi cơ hội việc làm của người lao động trong nước.
Nhưng đối với Mỹ, TPP chính là 1 cuộc chơi chính trị. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã ra sức thúc đẩy cho TPP khi ông nói trong một bài phát biểu hôm 28/9 rằng nếu không phê chuẩn được TPP sẽ có những “hậu quả nghiêm trọng” cho chính sách đối ngoại của Mỹ.
Cũng theo tờ Bưu Điện Washington, ngoại trưởng Kerry nói “chúng ta không thể rút ra khỏi TPP mà vẫn được xem là một người chơi chính trong khu vực Thái Bình Dương và một thế lực không thể bàn cãi về hoà bình và thịnh vượng trên toàn cầu.”