Việt Nam Thời Báo

Công an xã chỉ cần tốt nghiệp tiểu học và được quyền “huy động” tài sản của dân






















CTV Danlambao – Cứ tưởng tượng người dân ở từng thôn xóm sẽ sống ra sao khi phải chịu sự đe dọa của công an – bất kỳ công an lớn nhỏ nào: “mày coi chừng, tao sẽ huy động tài sản của mày”. Và những tài sản này là phương tiện sinh sống của người dân?

Bộ Tư pháp đã đưa ra dự luật trong đó công an xã ở một số địa bàn chỉ cần học xong tiểu học và những ông trời con học tiểu này được quyền “huy động” tài sản của dân như xe cộ, điện thoại di động Những chấm chấm chấm này là cái gì nữa thì các ông trời con tùy nghi làm… trời, vì dựa vào tính mông lung có chủ ý của dự luật.

Trong 13 cái gọi là nhiệm vụ của công an xã, trong đó quyền được “xài tạm” đồ của dân đã được Bộ Tư pháp xem là “nhiệm vụ”. Trong nhiệm vụ này, công an xã được quyền “huy động” phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khácngười đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách như để cấp cứu người bị nạn; cứu nạn, cứu hộ; truy bắt người phạm tội quả tang, người gây tai nạn bỏ chạy, người có quyết định truy nã, truy tìm. Công an xã phải trả lại ngay phương tiện được huy động khi tình huống cấp bách đó chấm dứt và báo cáo ngay với chủ tịch UBND cùng cấp. Trường hợp tài sản huy động bị thiệt hại thì bồi thường theo quy định của pháp luật…” (1)

Điều cần ghi nhận là tính chất mơ hồ của nội dung luật dẫn đến hành vi tùy tiện, muốn “huy động” gì thì “huy động”. Đó là cách sử dụng cụm từ “phương tiện khác”. Nó cho phép công an dùng luật để bảo kê cho hành vi ăn cướp… tạm mọi thứ của người dân, dù đó là đồ dùng cá nhân hay phương tiện làm ăn.

Ngay cả phương tiện thông tin cũng có nhiều thứ. Không riêng gì điện thoại mà công an có thể vào nhà trưng dụng máy tính bàn, laptop của người dân. Sau đó họ có toàn quyền sử dụng, khai thác những phương tiện này cho bất kỳ mục tiêu nào.

Theo dự luật này, ngay cả người đang sử dụng cũng bị huy động, không cần biết họ đang bận rộn, làm việc gì, sinh nhai kiếm sống… Câu hỏi được đặt ra là người dân có quyền từ chối việc cá nhân mình bị “huy động” hay không? Hiến pháp và luật phát có điều khoản nào định rõ đây là trách nhiệm mà mọi người dân Việt Nam phải thi hành?

Bên cạnh đó là nội dung của “trường hợp cấp bách”. Thí dụ như cấp bách đã được dùng cho “người có quyết định truy nã, truy tìm” nhưng lại không đặt ra thời hạn. Do đó, tình trạng tài sản của nhân dân có thể sẽ bị “huy động” vô thời hạn cho đến khi kẻ truy nã bị bắt. Đồng thời, thế nào là “khi tình huống cấp bách đó chấm dứt”? Ai xác định chuyện này nếu không là các công an tiểu học? Và như thế nếu tình huống cấp bách kéo dài, hoặc do công an cho là như thế, thì tài sản của người dân vẫn tiếp tục bị trưng dụng?

Về việc tài sản huy động bị thiệt hại: thiệt hại được định nghĩa như thế nào?Trong trường hợp của phương tiện thông tin như điện thoại, máy tính… thì thiệt hại không chỉ giới hạn trong lãnh vực phương tiện này trở thành bất khả dụng. Nó còn bị thiệt hại khi thông tin cá nhân riêng tư của chủ nhân bị xâm phạm. Dự luật này gián tiếp cho phép công an thực hiện mưu đồ tước đoạt thông tin cá nhân của người dân qua lý cớ trưng dụng tài sản của nhân dân cho cái gọi là “trường hợp cấp bách”.

Dự luật này còn thâm hiểm ở chỗ nó chọn địa bàn là xã và trình độ công an chỉ ở bậc tiểu học. Lý do: đơn vị xã hiện hữu trên toàn cõi đất nước Việt Nam, ở mọi tỉnh thành và bậc tiểu học đồng nghĩa với bất kỳ công an nào, ở cấp bậc thấp nhất, cũng có quyền làm ông trời con trong việc “huy động” tài sản của nhân dân.

Cứ tưởng tượng người dân ở từng thôn xóm sẽ sống ra sao khi phải chịu sự đe dọa của công an, bất kỳ công an lớn nhỏ nào: “mày coi chừng, tao sẽ huy động tài sản của mày”. Và những tài sản này là phương tiện sinh sống của người dân?

19.06.2016

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo