Công nhân KCN Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) giờ tan ca.
Chỉ còn hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng tại thời điểm này, đa số các doanh nghiệp vẫn “kín tiếng” khiến cho hàng ngàn công nhân trẻ thấp thỏm, trông mong.
Tiền thưởng Tết có ý nghĩa rất quan trọng đối với công nhân và người lao động. Cả năm làm việc, họ mong ngóng đồng lương thưởng vào dịp cuối năm để thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Tại nhiều khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các địa phương, khi được hỏi, nhiều công nhân cho biết vẫn chưa biết sẽ được thưởng Tết ra sao.
Vũ Phong (SN 1993, quê Phú Thọ), làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Bình Xuyên (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) được 3 năm cho biết, năm nay chưa có thông báo về tiền thưởng Tết vì lãnh đạo công ty giữ bí mật, giáp Tết mới công bố. “Ban lãnh đạo rất kín tiếng và sẽ không thông báo gì cho tới khi chuyển quà và tiền. Ví dụ, ngày 24 chuyển tiền, ngày 23 công nhân mới nhận được thông báo”, Phong nói.
Vũ Phong cho biết, như năm ngoái, công nhân được nhận bánh kẹo và số tiền thưởng bằng 2,5 tháng lương. “Hiện, lương của mình là 7 triệu đồng/tháng, dự tính cả lương và thưởng Tết năm nay có thể được khoảng 17 triệu đồng”, Phong tiết lộ.
Phạm Văn Hải (SN 1989, quê Hà Tĩnh) là công nhân tại KCN Nomura Hải Dương chia sẻ: Dịp Tết, chi tiêu gì cũng đắt đỏ. Mình đang hy vọng năm nay thưởng Tết cao hơn năm ngoái. Những năm qua không có gì thay đổi. Lương cao thưởng cao; lương thấp thưởng thấp.
“Năm nay, chắc cũng chỉ được 100% đến 150% lương cơ bản tính theo thâm niên làm việc cùng vài túi bánh, chai dầu. Ai làm tốt được thưởng thêm 500 nghìn đồng. Ngoài ra, công ty cũng tổ chức rút thăm trúng thưởng, gồm 50 phần quà nhỏ và tỷ lệ trúng được tivi hay điện thoại là rất khó”, Hải nói.
Nguyễn Thị Phượng (SN 1996, Thanh Hóa) đã làm việc được 2 năm tạiCông ty Samsung (Thái Nguyên). Lương của Phượng gần như là thu nhập chính của gia đình 4 người. Với tiền lương mỗi tháng được 3,7 triệu đồng, nhiều tháng qua Phượng đã tiết kiệm được hơn 10 triệu để gửi về cho bố mẹ chi tiêu dịp Tết.
“Mình cũng đang nóng lòng xem thưởng Tết năm nay được nhiều không để gửi thêm cho gia đình mà giờ chưa nhận được thông tin gì. Tết này mình tranh thủ đăng ký ở lại làm thêm để được hưởng tiền chuyên cần và tiền lương gấp đôi. Mình vừa muốn kiếm thêm tiền cũng vừa muốn về quê nhưng về thì quá tốn kém. tiền xe cả đi và về đã mất tiền triệu”, Phượng tâm sự.
Theo Phượng, Tết này tại công ty sẽ có khoảng hơn một nửa công nhân đăng ký ở lại làm thêm dịp Tết vì đa số là những người ở xa, chi phí đi lại dịp Tết đắt đỏ nên ngại về.
Doanh nghiệp im lặng
Đến thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp chưa công bố tiền thưởng cho công nhân hoặc úp mở chuyện thưởng Tết, khiến hàng ngàn lao động vẫn thấp thỏm trông chờ. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Lao động – Tiền lương (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết: thưởng Tết thường được trả theo quy tắc: doanh nghiệp lợi nhuận cao thưởng cao và ngược lại; đồng thời tùy vào thâm niên làm việc của người lao động. “Hiện, Sở chưa có thông tin gì và cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu về tình hình tiền lương, thưởng Tết năm nay”, ông Thanh nói.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: “các doanh nghiệp chưa công bố kết quả sản xuất, kinh doanh nên khó có thể dự đoán được mức thưởng cụ thể”. Trả lời câu hỏi, liệu việc tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016 có ảnh hưởng đến thưởng Tết của người lao động, ông Huân cho biết “sẽ không ảnh hưởng đến việc thưởng Tết âm lịch”.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết dù chưa nhận được báo cáo về tình hình lương thưởng Tết năm 2016 nhưng kỳ vọng, thưởng Tết năm nay sẽ cao hơn năm ngoái vì tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khả quan hơn.
“Mình cũng đang nóng lòng xem thưởng Tết năm nay được nhiều không để gửi thêm cho gia đình chi tiêu mà giờ chưa nhận được thông tin gì. Tết này mình tranh thủ đăng ký ở lại làm thêm để được hưởng tiền chuyên cần và tiền lương gấp đôi. Mình vừa muốn kiếm thêm tiền cũng vừa muốn về quê nhưng về thì quá tốn kém” Nguyễn Thị Phượng, làm việc được 2 năm tại Công ty Samsung ở Thái Nguyên.
Theo Nguyễn Hoan
Tiền Phong