TS. Nguyễn Thành Sơn (Chuyên gia tư vấn độc lập New Technology Solutions) – Như vậy, để dư luận tin vào đáp số về “lỗ kế hoạch”, ít nhất Bộ CT nên thông báo cụ thể các con số: sản lượng sản xuất alumina, giá thành của sản phẩm alumina (chi phí sản xuất), sản lượng tiêu thụ alumina và giá bán của alumina v.v. Không nên lấy lý do “bí mật kinh doanh” để giấu lỗ trước Thủ tướng. Một khi đã “lỗ kế hoạch” thì chẳng cần “bí mật” làm gì! Càng công khai, khách hàng càng “thông cảm” mua giá cao.
|
(Căn cứ vào nội dung văn bản của Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương (CT) đề 29/3/2015)
|
1/ Bài toán “lỗ kế hoạch” đã từng được dùng ở số nhà 54, phố Hai Bà Trưng, Hà Nội từ thời bao cấp (trước năm 1986), khi giá bán điện, hay giá bán than được Chính phủ qui định, nên có những năm ngành điện hay ngành than phải có chỉ tiêu “lỗ kế hoạch”. Cả hai dự án alumina trên Tây Nguyên được triển khai theo cơ chế thị trường. Khái niệm “lỗ kế hoạch” cần được hiểu là “lỗ thật” đã được lập kế hoạch từ trước. Như vậy, để dư luận tin vào đáp số về “lỗ kế hoạch”, ít nhất Bộ CT nên thông báo cụ thể các con số: sản lượng sản xuất alumina, giá thành của sản phẩm alumina (chi phí sản xuất), sản lượng tiêu thụ alumina và giá bán của alumina v.v. Không nên lấy lý do “bí mật kinh doanh” để giấu lỗ trước Thủ tướng. Một khi đã “lỗ kế hoạch” thì chẳng cần “bí mật” làm gì! Càng công khai, khách hàng càng “thông cảm” mua giá cao.
2/ Bài toán thu hồi vốn của dự án Tân Rai: đáp số của Bộ CT “nộp” cho “thầy giáo” Quốc Hội là “lỗ 4 năm, thời gian thu hồi vốn 11,5 năm”.
Đầu bài được TKV công bố là: tổng vốn đầu tư của dự án Tân Rai là 15.200 tỷ VND; Sản lượng alumina năm 2017 (sau 4 năm “lỗ kế hoạch”) của Tân Rai (theo “sách trắng” của TKV) là 615.000 tấn. Như vậy, sau 4 năm “lỗ kế hoạch” mỗi năm dự án Tân Rai (hiện đang lỗ) sẽ có lãi bình quân sau thuế là:
15.200 tỷ đ : (11,5 năm – 4 năm) = 2.026,66667 tỷ VND/năm
Giả sử thuế thu nhập DN cũng được lập là “miễn thuế có kế hoạch”. Ít nhất, mỗi năm dự án Tân Rai phải có lãi gộp bình quân (bq) là 2.027 tỷ VND/năm (lấy số chẵn). Tương đương với lãi 94,26 triệu U$/năm, hay tương đương với lãi 153 U$/tấn.
Hiện nay, mức “lỗ kế hoạch” nếu tính đúng, tính đủ đang dao động (tùy theo sản lượng) từ 50÷90 U$/tấn.
Như vậy, đáp số trên của bộ CT chỉ được điểm 10 với hy vọng thày giáo vừa chấm bài vừa ngủ gật.
3/ Bài toán giá bán hay bài toán về tỷ lệ thuận/tỷ lệ nghịch: Bộ CT khẳng định “thời gian lỗ kế hoạch dự kiến sẽ giảm dưới 4 năm” và “thời gian thu hồi vốn cũng giảm theo” nhờ “giá bán alumina trên thế giới hiện đã bước vào chu kỳ tăng”.
Trên thế giới, giá alumina tỷ lệ thuận với giá nhôm kim loại.
Giá nhôm kim loại trên thị trường thế giới (LME) b/q như sau: năm 2012- 2050,4 U$/tấn, năm 2013- 1888,2 U$/tấn, năm 2014- 1897,8 U$/tấn, còn 3 tháng đầu năm 2015 là 1814,1 U$/tấn.
Đáp án “chu kỳ tăng” nói trên của Bộ CT chỉ có thày giáo “quá chén” mới dám cho điểm 10.
4/ Bài toán “nộp ngân sách” của dự án Tân Rai: Bộ CT khẳng định “Ước tính, sau khi Dự án đi vào vận hành ổn định, số thuế, phí nộp ngân sách khoảng 430 tỷ đồng/năm, doanh thu của Dự án dự kiến sẽ đạt trên 4.000 tỷ đồng/năm”.
Như vậy, theo Bộ CT, vào năm 2017, dự án Tân Rai có giá bán alumina dự kiến là:
4000 tỷ đồng : 615.000 tấn = 6.504.065 đ/tấn (tương đương với 302,5 U$/tấn)
Đáp án này của Bộ CT ngược với “chu kỳ tăng” của giá bán alumina trong bài toán trên (năm 2014 là 326,5 U$/tấn). Như vậy, có thể hiểu là Bộ CT đang “bật đèn xanh” cho TKV trốn thuế với mức ít nhất là hơn 20 U$/tấn. Có lẽ Chính phủ và QH nên xem xét lại chức năng và trình độ “quản lý ngành công nghiệp” của Bộ CT.
5/ Bài toán “hiệu quả kinh tế” của dự án Trần Hồng Quân (THQ): Theo Bộ CT, dự án nhôm kim loại THQ trong vòng 30 năm sẽ nộp ngân sách tổng số 420 triệu U$, b/q mỗi năm nộp 14 triệu U$.
Để triển khai dự án nhôm kim loại, nhà đầu tư THQ đã đưa ra yêu cầu ngân sách phải bù lỗ 2,5 cents/kWh điện để chỉ mua điện với giá 5 cents/kWh (thấp hơn giá mua điện của các hộ nghèo hiện nay) trong vòng 10 năm và ngân sách phải chi trước 1200 tỷ VND để có mặt bằng. Như vậy, 10 năm đầu, ngân sách phải bù lỗ (1450 tr.U$ + 1200 tỷ VND)= 1505 triệu U$ để sau 30 năm thu về được 420 triệu U$. Tức số tiền ngân sách phải bù lỗ cho dự THQ lớn gấp 3,5 lần số tiền thu được từ dự án THQ.
Nếu qui về giá trị hiện tại thuần (NPV) với mức lãi suất khiêm tốn 5%/năm thì ngân sách phải bỏ ra 1158,65 triệu U$ để thu về 215,21 triệu U$. Tức số tiền ngân sách phải bù lỗ cho dự án THQ lớn gấp 5,38 lần số tiền thu được từ dự án THQ.
Bất chấp kết quả trên, Bộ CT vẫn cho dự án THQ là có hiệu quả. Có lẽ Chính phủ và QH phải giải tiếp bài toán “Bộ CT đang hưởng lương từ ngân sách hay từ dự án THQ?”.
6/ Bài toán GDP của dự án THQ: Bộ CT khẳng định “Đóng góp cho GDP của địa phương (Đắk Nông) bình quân 1 năm khoảng 14. 443 tỷ đồng tương đương 687,763 tr. $/năm”.
Dữ liệu của đầu bài toán: Để luyện được 1 tấn nhôm kim loại cần phải có: 1,95 tấn alumina; 12.920 kWh điện; 0,56 tấn chất điện dung và điện cực là những chi phí đầu vào mà THQ không thể tự làm ra được (phải mua). Giả sử:
– Giá bán nhôm kim loại b/q (năm 2014) trên thế giới: 1897,81 U$/t;
– Chi phí alumina (mua của TKV): 346U$/t.*1,95 t./t.= 675 U$/tấn nhôm;
– Chi phí điện (mua giá được người nghèo bù lỗ): 12.920 kWh/t.*0,05 cents/kWh= 646 U$/tấn nhôm;
– Chi phí chất điện dung và điện cực (lấy giá rẻ hơn than) là 200U$/tấn*0,56 tấn/tấn nhôm = 112 U$/tấn nhôm.
Như vậy, giá trị GDP của dự án nhôm kim loại THQ làm ra tối đa là (1898U$/t.-675U$/t.-646U$/t.- 112)*450.000t./năm= 209.250.000 U$/năm (lấy chẵn 210 tr.U$/năm), thấp hơn 3,27 lần so với “đáp số” của Bộ CT.
Tóm lại:
1/ Tất cả các bài toán trên (trừ phần tính NPV) đều thuộc loại “cộng, trừ, nhân, chia” trong chương trình dưới lớp 5/12 của VN; Nhưng,
2/ Tất cả các “đáp số” của Bộ CT cũng có cùng một xu hướng “vừa làm vừa copy” giống như cách đây 3 năm khi giải bài toán về “hiệu quả kinh tế” của alumina Tân Rai mà hiện nay chắc không có thày giáo nào dám cho điểm 1.
(Theo Bauxite)