Việt Nam Thời Báo

Đại học Fulbright Việt Nam chưa có giấy phép hoạt động

VOA

Tư liệu- Ông Bob Kerrey, chủ tịch Hội đồng Tín thác của Fulbright Vietnam University.
Tư liệu- Ông Bob Kerrey, chủ tịch Hội đồng Tín thác của Fulbright Vietnam University.

Trường Đại học Fulbright Việt Nam chưa được Hà Nội cấp giấy phép hoạt động, theo tường trình của truyền thông nhà nước về cuộc gặp hôm 10/1 giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Giáo sư Thomas Vallely thuộc Đại học Harvard, Mỹ.
Tại cuộc gặp, Giáo sư Vallely nói với các lãnh đạo Việt Nam rằng phía Hoa Kỳ “đã giải quyết nhiều vấn đề” và mong muốn Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) “sớm có giấy phép, cơ chế để đi vào hoạt động”.
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama hồi tháng 5/2016, Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã chính thức tuyên bố thành lập FUV.
Chưa chính thức hiện hữu, song ngôi trường sẽ ra đời trong tương lai này được mô tả là trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam. Các chuyên gia giáo dục kỳ vọng nó sẽ là một mô hình giáo dục hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam, là môi trường cho suy nghĩ độc lập và sáng tạo.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Lam thuộc Đại học Kinh tế Tp. HCM, đồng thời là giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nói với VOA về thủ tục giấy tờ liên quan đến FUV:
“Giấy phép mà trường Đại học Fulbright đã nhận được là giấy phép đầu tư. Thế còn theo quy định của chính phủ Việt Nam còn phải có giấy phép hoạt động. Hiện nay, theo tôi được biết thì chương trình Fulbright cũng đang xây dựng các chương trình của mình để trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để nhận giấy phép hoạt động”.
VOA đã liên lạc với một số nguồn tin liên quan trực tiếp đến việc thành lập FUV ở cả hai bên Việt-Mỹ để tìm hiểu những vướng mắc trong việc cấp giấy phép song họ cho biết “chưa thể nói gì ở thời điểm này”.
Trong buổi tiếp vị giáo sư trường Harvard hôm 10/1, Thủ tướng Phúc bày tỏ mong muốn “xây dựng trường Đại học Fulbright Việt Nam thành trường đại học kiểu mẫu, tạo ra những nhà khởi nghiệp”. Ông nói Việt Nam ủng hộ tự chủ đại học theo thông lệ quốc tế và chính phủ “sẽ nỗ lực hỗ trợ để trường đi vào hoạt động”.
Người đứng đầu chính phủ cũng khẳng định Việt Nam “luôn có nhu cầu tăng cường hợp tác giáo dục với Mỹ, quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới”.
Tin cho hay Giáo sư Vallely nêu rõ với Thủ tướng Phúc rằng nỗ lực phát triển FUV tập trung vào 3 nội dung, bao gồm “thiết lập cơ chế quản trị, bộ máy theo mô hình hiện đại nhất cho một trường đại học hàng đầu thế giới; mô hình tài chính phù hợp để huy động đủ nguồn lực cho trường; thiết kế cơ sở vật chất cho trường với quy mô hiện đại”.
Ông được báo chí trong nước dẫn lời cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều tiến bộ trong lộ trình xây dựng trường trong cả 3 lĩnh vực trên”.
Về khả năng trường FUV căn cứ vào tự chủ và tự do học thuật để giảng dạy hoặc thảo luận những vấn đề Việt Nam không mong muốn, Tiến sĩ Lam nêu ra quan điểm:
“Bất kỳ tổ chức nào hoạt động trong một lãnh thổ đều phải tôn trọng luật pháp của nơi đó. Cái vấn đề là chúng ta quy định ra luật pháp nó có đúng hay không và nó phù hợp như thế nào cho sự phát triển của khoa học, cho sự phát triển của các đại học nhằm đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của đất nước. Đó là vấn đề đáng bàn”.
Dự án thành lập FUV dù được các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tỏ ý ủng hộ, song đã gặp một số trục trặc.
Không lâu sau khi giấy phép đầu tư được trao cho FUV hồi tháng 5/2016, báo Việt Nam khơi lại việc ông Bob Kerrey, Chủ tịch Hội đồng Tín thác của FUV, từng trực tiếp dính líu vào một vụ thảm sát thường dân trong thời Chiến tranh Việt Nam.
Thông tin này đã dấy lên tranh cãi trong nhiều giới ở Việt Nam. Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã đăng các bài viết của chính họ cũng như các bài thể hiện ý kiến cá nhân của một số quan chức, cựu quan chức, học giả bày tỏ lập trường ủng hộ hay phản đối việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn đăng một bài viết trong đó nói Việt Nam không tán thành việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey.
Ông Tuấn cho rằng “cuộc tranh luận trong giới báo chí” về ông Kerrey “là một sự cố báo chí đáng buồn, khi vấn đề được một số báo đẩy quá xa đến mức làm lẫn lộn phải – trái trong lịch sử”.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo