VTC News
(VTC News) – Cả khu rừng đầu nguồn ở Hòa Bình đang bị cạo trọc, chính quyền địa phương bất lực còn người dân thì thảm thiết kêu cứu.
LTS: “Chiều nay, tôi cứ nhấp nhổm không yên. Vừa đặt chân vào nhà tắm, lại chạy ra ngay hỏi thằng cháu cho chắc chắn. Liệu Nhà báo có về thật không nhỉ? Nói thật, tôi vừa mừng vừa lo lắng trước thông tin sẽ có người về giúp người dân “cứu” rừng đầu nguồn Quy Hậu. Lo ở đây là nhà báo hứa rồi lại không về giúp dân chúng tôi đấu tranh giữ rừng”. Đây là những tâm sự của ông Bùi Văn Thọ trong lần đầu gặp mặt tại xóm Khang 2, xã Quy Hậu (Tân Lạc – Hòa Bình).
Có lẽ, tâm trạng của ông Thọ cũng giống như nhiều người dân xã Quy Hậu khi cánh rừng đầu nguồn xanh bạt ngàn bốc chốc bị cạo trọc lốc. Hàng ngày, người dân ở đây như ngồi trên đống lửa, bất lực nhìn cánh rừng đầu nguồn bị một vài doanh nghiệp tư nhân tàn phá để trồng cây ăn quả.
Trước khi về địa phương, tôi đã nhận được hàng trăm bức ảnh và video do chính người dân quay lại về việc rừng đầu nguồn Quy Hậu đang bị tàn phá như thế nào. Thế nhưng, phải tận mắt chứng kiến rừng đang “chảy máu”, những thân cây gỗ lớn bị đốn hạ, máy cưa ầm ầm, máy ủi ngày đêm múc đất tạo thành đường cho ô tô tải chạy lên đỉnh núi mới thấu hiểu những đau đớn, xót xa của những người dân trên hành trình kêu cứu rừng đầu nguồn.
Kỳ 1: Mất rừng đầu nguồn, thà bắn chết chúng tôi đi còn hơn
Mất rừng sau một đêm
Đêm hôm ấy ở Hòa Bình trời mưa rả rích. “Mưa thế này thì sáng mai leo lên rừng thế nào được nhỉ?”, vừa nằm tôi vừa lo lắng cho công việc vào buổi sáng hôm sau. Không ngủ được, tôi tranh thủ ôn lại mấy câu tiếng Mường mẹ Thôn dạy trong bữa cơm tối (Thôn chưa tròn 30 tuổi. Người Mường có tục lệ, khi vợ chồng sinh con đầu lòng, cha mẹ sẽ được gọi bằng tên con).
Sáng hôm sau, mẹ Thôn đứng từ ngoài sân nói vọng vào nhà góp ý khi tôi chuẩn bị đồ đi rừng: “Mặc như người Kinh thế kia không lên được đâu. Nếu biết cô là phóng viên chúng sẽ đuổi đánh và đập máy quay ra ngay”.
7h sáng, tôi hoàn thành việc cải trang thành một cô gái Mường theo cha mẹ đi rừng lấy măng. Trước khi đi, bố Thôn còn dặn kỹ: “Rừng không phải của dân Quy Hậu nữa. Rừng bây giờ là của mấy công ty tư nhân. Từ ngày họ phá rừng, người dân phản đối nhiều nên họ đâm ra nghi ngờ. Người dân ở đây lên lấy măng, lấy củi quen mặt thì không sao. Người lạ mà bén bảng quanh đây là chết. Nếu có gặp người của công ty, cô cứ nói mấy câu tiếng Mường mẹ Thôn dạy cho để họ khỏi nghi ngờ”.
Đoàn người đi cùng tôi lên rừng sáng hôm ấy còn có ông Trưởng xóm Dom và một thanh niên tên Bùi Văn Hùng. Anh Hùng trẻ khỏe nhất nên nhận nhiệm vụ đi đầu để dẫn đường.
Khi chúng tôi leo được chừng nửa giờ đồng hồ, anh Hùng quay lại phía sau kể chuyện: “Cánh rừng này tôi được UBND huyện Tân Lạc giao cho trồng và giữ rừng từ ngày 10/5/1997. Trong sổ ghi rõ thời hạn 50 năm. Thế nhưng, chẳng hiểu sao bây giờ người của mấy công ty tư nhân nhận đây là rừng của họ. Tôi có lên xã hỏi thì lãnh đạo xã bảo đây không phải rừng của Quy Hậu nữa, cánh rừng này là của xã Tây Phong (Cao Phong – Hòa Bình) và mấy công ty tư nhân mua lại để trồng cam”.
“Lãnh đạo xã giải thích theo bản đồ cũ thì rừng là của Quy Hậu. Nhưng mới đây, bản đồ mới được đo đạc và vẽ lại nên nó thành đất của xã Tây Phong. Bởi vậy, việc các công ty tư nhân phá rừng đầu nguồn trồng cam lãnh đạo xã quy Hậu không can thiệp được. Nếu tôi không quyết tâm đấu tranh, có lẽ nó đã bị cạo trọc như những cánh rừng bên kia”, vừa nói anh Hùng vừa chỉ tay sang phía đồi cam trước mặt.
Tranh thủ lúc mọi người nghỉ giữa đường, anh Hùng tâm sự: “Có nhiều người dân Quy Hậu có sổ trồng và trông coi rừng 50 năm như tôi. Thế nhưng, chỉ sau một đêm là biến thành rừng của người khác. Khi hỏi, chính quyền xã trả lời không thỏa đáng. nên chúng tôi mới bức xúc. Cô phải lên tới nơi, phải tận mắt chứng kiến người của mấy công ty phá rừng đầu nguồn như thế nào mới hiểu được bức xúc của người dân”.
Đi cả giờ đồng hồ trong rừng, tuyệt nhiên tôi không nghe thấy tiếng chim hay tiếng thú rừng. Thỉnh thoảng, chỉ thấy tiếng máy cưa rít lên từng hồi. Mẹ Thôn lúc này đi phía sau mới hổn hển lên tiếng: “Tiếng chúng nó cưa gỗ phá rừng đấy. Trước đây, rừng này có cả nai, hoẵng. Thậm chí, người dân còn nhìn thấy hổ vào nương ngô của dân. Nhưng mấy năm nay thì hết rồi, ô tô mà chạy lên được tận đỉnh rừng đầu nguồn để chở gỗ thì con thú nào còn sống nổi đất này”.
Bên phía cánh rừng tôi đang leo, cây cối vẫn còn xanh tốt. Những cây gỗ hai người ôm vẫn còn khá nhiều. Tôi bước chậm hơn, tiếng máy cưa vọng lại ngày một rõ. Không chỉ có tiếng máy cưa, tôi còn nghe thấy cả tiếng khoan đá, ủi đất và tiếng ô tô chạy rầm rập giữa cánh rừng. Anh Hùng đi trước làu bàu: “Nhìn chúng ủi đất, cưa gỗ chở về xuôi mà xót hết cả ruột. Biết bao giờ chúng tôi mới trồng được những cây rừng to như thế này nữa?”.
Thấy tôi đi chậm lại so với đoàn, bố mẹ Thôn nhắc nhở: “Phải đi nhanh lên mới kịp lên tới đầu nguồn vào giờ trưa. Lên giờ đấy, bọn người công ty nghỉ ngơi chúng tôi mới có thể dẫn cháu đi sâu vào bên trong vườn cam được”.
Thà bắn chết chúng tôi đi còn hơn
Hành trình từ xóm Khang lên rừng đầu nguồn phải leo bộ chừng 4 giờ đồng hồ. Trên đường đi, người dân chỉ cho tôi thấy những mốc giới mà người của hai công ty dựng lên để tranh chấp đất với người dân. Thậm chí, cột mốc tam giác của 3 xã Mỹ Hòa, Quy Hậu và Kỳ Sơn còn bị họ đào lên và ném vào một xó. Thay vào đó, những hàng rào thép gai dựng lên để người dân và trâu bò không đi qua được.
“Đây là hàng thép gai mới bị người dân bẻ gẫy này. Khoảng rừng này cha ông chúng tôi giữ hàng trăm năm nay. Từ khi còn bé xíu tôi đã theo cha mẹ lên rừng. Không chỉ thân thuộc với từng gốc cây, ngọn cỏ mà chúng tôi còn thuộc từng cột mốc ranh giới giữa các xã. Nói rừng này là của Cao Phong sao được. Ở đây trẻ con chúng cũng biết, nước chảy về bên nào thì rừng là của người dân xã đó”, bố Thôn ngồi bên hàng rào thép gai khẳng định.
Bố Thôn giải thích: “Người dân quanh năm sống dựa vào rừng như chúng tôi giờ mất rừng là mất tất cả. Hàng nghìn người dân xã Quy Hậu sống nhờ vào con nước chảy từ rừng đầu nguồn về. Mới đây, công ty Đ. vì muốn giữ lại nước để tưới cây, họ đã đắp đập đất ngăn dòng nước lại. Dù đang là mùa mưa bão, nhưng các bể chứa nước của người dân đều cạn kiện”.
Ông Bùi Văn Lợi, Trưởng thôn Dom đi cùng chúng tôi nhưng có vẻ kiệm lời. Thế nhưng, nhìn cánh rừng trơ trọi trước mặt, nén không nổi những bức xúc, lúc này ông Lợi cũng phải lên tiếng: “Nước nó là mạch máu của người dân Quy Hậu. Họ chặn nguồn nước lại thì khác nào cắt đứt mạch máu của chúng tôi. Nước chảy từ rừng đầu nguồn về là nước sạch. Vừa là nước phục vụ cho nông nghiệp nhưng cũng là nước sinh hoạt của người dân. Theo Chính sách 135, Nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng để lắp ống dẫn nước sạch về cho bà con. Thế nhưng, từ khi hai công ty về phá rừng, họ phá luôn cả đường ống dẫn nước. Giờ dân mà không đấu tranh, chỉ vài tháng nữa, không còn lấy một giọt nước sạch chảy về bản”.
Để minh chứng cho những điều mình nói, ông Lợi dẫn tôi đi xuống phía dưới chân núi. Ở chỗ này, có những bể nước bằng bê tông rộng khoảng 30 mét vuông nhưng bên trong cạn nước. Những thửa ruộng lúa non chỗ thì khô cạn, chỗ thì bị vùi lấp. Ông Lợi cho biết: “Vì họ nắm con nước đầu nguồn nên người dân phía cuối nguồn phải phụ thuộc vào họ. Nếu họ giữ nước lại thì bên dưới lúa, ngô của chúng tôi chết khô. Thế nhưng, những ngày mưa lũ, nước trên đầu nguồn nhiều, đập họ đắp bằng đất bị vỡ chảy ào ạt về đây thì tấp hết lúa của bà con. Bởi vậy, khi mất rừng đầu nguồn, dân chúng tôi khổ trăm bề”.
Cách đây vài tuần, khi người của công ty Đ. mang máy lên xúc đất, đắp đập phía trên đầu nguồn, người dân cả xã Quy Hậu đã leo lên phản đối. Ban đầu, họ vẫn khăng khăng là đất của Cao Phong nên tiếp tục đắp đập ngăn nước. Vì quá phẫn uất, người dân đã đốt lán trại và một chiếc máy xúc. Lúc ấy, người của công ty Đ. mới dừng lại.
Kể lại lần đốt máy xúc, bố Thôn cho biết: “Họ biết dân phản đối nên làm trong đêm. Trên đầu nguồn này, chúng tôi có dựng lán cho vài ba người già ngủ lại ở đây chăn trâu bò. Nửa đêm thấy họ lái máy xúc, các cụ già gọi điện về. Có vậy, dân chúng tôi mới biết chạy lên ngăn cản được”.
Đứng bên bìa rừng để nhìn sang những cánh rừng đã bị một công ty phá đi để trồng cây ăn quả, ánh mắt của những người dân Quy Hậu đầy tiếc nuối. Tiếng anh Hùng rít lên: “Ngày xưa, đứng từ đây nhìn sang bên đó là một màu xanh bạt ngàn của cây rừng. Bây giờ đất rừng trơ trọi, chỉ còn lác đác mấy gốc cam và những ngôi nhà kính họ dựng lên để ươm cây”.
“Để trồng được cây cam họ dùng nhiều hóa chất lắm. Đầu tiên là phá rừng lấy gỗ, sau đó họ dùng thuốc diệt cỏ tẩy trắng rừng. Họ đào đường đưa xe ô tô lên tận đỉnh núi chở gỗ về. Bây giờ, họ xây những ngôi nhà kính để ươm cây. Ươm cây cũng dùng hóa chất, trồng cây thì phun thuốc sâu liên tục. Đến thời điểm họ phun thuốc sâu, mùi thuốc nồng nặc khiến người đi rừng ngửi phải muốn ngất xỉu. Rồi những hóa chất, thuốc trừ sâu, phân hóa học theo nước chảy về bản. Dân chúng tôi chẳng mấy chốc mà sinh bệnh chết hết. Vậy thà đem chúng tôi ra bắn chết hết đi còn hơn”, anh Hùng nói mà giọng đầy phẫn uất.
Còn tiếp…
Bài 2: Tận mắt cảnh phá rừng đầu nguồn ở Hòa Bình
KIM THƯỢC HOÀNG