1.25 ngàn tỷ USD đã bị chuyển bất hợp pháp ra khỏi Trung Quốc trong 10 năm qua, theo báo cáo. Trung Quốc chịu thiệt hại về trốn thuế, tội phạm và tham nhũng nhiều nhất trong các nước đang phát triển.
Bởi: Benjamin Robertson – South China Morning Post – 16/12/2014
Người dịch: Kevin Bùi
Trung Quốc mất 1.25 ngàn tỷ USD từ năm 2003 tới năm 2012 vì dòng tiền chuyển lậu ra ngoài do trốn thuế, tội phạm và tham nhũng, nhiều nhất trong số 151 nước đang phát triển được khảo sát, theo báo cáo của một nhóm vận động tại Washington chuyên theo dõi các hoạt động nói trên.
Con số này được miêu tả là “rất dè dặt” vì nó không bao gồm các khoản giao dịch tiền mặt, vốn phổ biến trong giới tội phạm buôn ma túy và rửa tiền, tổ chức Liêm chính Tài chính Thế giới cho biết trong một báo cáo thường niên về các dòng tài chính bất hợp pháp.
“Sau sự suy giảm ngắn trong cuộc khủng hoảng tài chính, dòng tiền chuyển đi bất hợp pháp lại một lần nữa tăng lên, đạt tới đỉnh cao mới 991.2 tỷ USD vào năm 2012” gấp 10 lần số tiền mà chính các nước này nhận được trong viện trợ phát triển chính thức, theo bản báo cáo của các tác giả Dev Kar và Joseph Spanjers.
Sự gia tăng của dòng tiền chuyển đi bất hợp pháp đã vượt xa sự gia tăng tổng sản phẩm nội địa toàn cầu và đáng để các nhà hoạch định chính sách phải suy tính.
Lưu chuyển tiền tệ bất hợp pháp phá vỡ các chính sách thuế của quốc gia, đồng nghĩa với khoản lỗ ròng trong ngân sách địa phương, và đòn giáng mạnh tăng thêm vào sự gián đoạn về thanh khoản cũng như các chính sách tài khóa; đặc biệt trong các nền kinh tế như Trung Quốc, vốn có các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ để hạn chế tiền chuyển ra nước ngoài.
Trung Quốc bị chảy máu tiền tệ nhiều nhất trong năm 2012 với 249.5 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2011, theo bản báo cáo, trích dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế.
Chảy máu tiền tệ lũy kế nhiều thứ hai là Nga, bị mất khoảng 973.8 tỷ USD trong 10 năm 2003-2012. Mexico và Ấn Độ đứng thứ ba và thứ tư, mất 514.2 tỷ và 439.5 tỷ USD trong 10 năm này.
Tính theo châu lục, châu Á chiếm 40.3% tổng dòng tài chính bất hợp pháp chuyển đi từ các nước đang phát triển trên toàn thế giới trong quãng thời gian này.
Việc Trung Quốc dẫn đầu bảng xếp hạng không đáng ngạc nhiên nếu xét tới qui mô dân số và kinh tế của nước này. Các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc cũng có nghĩa là một số công ty phải dùng đến cách bất hợp pháp để chuyển tiền ra nước ngoài với rủi ro được tính là chi phí kinh doanh.
“Không phải cứ chuyển tiền lậu ra nước ngoài là rửa tiền”,theo nhà tư vấn rủi ro Julian Russell.
Các quy định kiểm soát tiền tệ “khuyến khích nền kinh tế giao dịch ngầm cho những người cung cấp các dịch vụ phục vụ cho việc chuyển tiền”, cũng theo Russell.
Hầu hết luồng tiền bất hợp pháp chuyển ra ngoài là bằng mis-invoicing *, được miêu tả bởi bản báo cáo là “một vấn đề nghiêm trọng đối với các chính quyền ở các nước đang phát triển”, theo đó thương nhân xuất hóa đơn xuất khẩu giá thấp và làm hóa đơn nhập khẩu giá cao để có thể chuyển tiền ra nước ngoài.
Những hoạt động này từ lâu đã phổ biến ở Trung Quốc, và sự khác biệt giữa dữ liệu thương mại của đại lục và Hongkong thường được trích dẫn bởi các nhà phân tích lấy bằng chứng về mức lan rộng của các hành vi trốn thuế và rửa tiền.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tiền lại được chuyển vòng tròn về chính quốc gia xuất phát như nguồn đầu tư nước ngoài.
Để ngăn chặn các dòng chảy tài chính lén lút, bản báo cáo khuyến cáo các chính phủ nên tạo ra các danh sách những người chủ hưởng lợi từ các công ty, thắt chặt các quy định chống rửa tiền và đòi hỏi các công ty đa quốc gia phải công bố lợi nhuận hay thua lỗ, mức thuế đã nộp ở từng quốc gia.
*Chú giải: Sơ đồ giải thích mis-invoicing:
Theo Góc Nhìn Alan