Việt Nam Thời Báo

Dân Việt làm gì có quyền bầu cử

Hoàng Long

  Ông Nguyễn Minh Thuyết trong buổi tọa đàm trực tuyến qua Hangouts-on-Air của BBC Tiếng Việt nói: “Nếu hỏi vì sao chúng ta lại có một Quốc hội mà người dân không hài lòng như vậy, thì tôi cho là chính người dân cũng phải tự trách mình.”

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết mới đây cho rằng khi có một Quốc hội mà người dân không hài lòng như vậy thì “chính người dân phải tự trách mình” và nếu “chọn lọc cẩn thận thì lúc ấy mình sẽ có Quốc hội như ý”. 
Cảm ơn giáo sư đã thẳng thắn nói rằng Quốc hội bây giờ chưa tốt, nhưng có lẽ giáo sư chưa bao giờ đi thị sát một cách đầy đủ các điểm bỏ phiếu ở địa phương.

“Trò bầu cử”
Người dân bao năm qua vẫn thắc mắc rằng: mình không bầu cho ông này, người xung quanh cũng không ai bầu, vì chẳng ai (trừ số ít người quen họ hàng ứng viên) muốn ông ấy làm thêm nhiệm kỳ nữa, thế mà ông ta vẫn tái đắc cử như thường.
Cũng chỉ thắc mắc đến thế chứ không ai nhọc công mạo hiểm tìm tòi thêm, may mà nhà tôi có người quen được ở trong Ban kiểm phiếu: “Ôi ăn gian lắm em ơi, chỉ những vị trí cấp thấp thì may ra…”.
Thế là từ đó tôi đã biết nguồn gốc của từ “trò bầu cử”.
Ngay cả ở vị trí thấp nhất người dân còn chẳng bầu được thì lấy đâu ra tác động được tới vị trí Đại biểu Quốc hội, và đương nhiên lên đến những lãnh đạo cấp cao nhất thì không có quyền rồi, đến đây thì đã là luật.
“Phổ thông đầu phiếu” và “bầu cử trực tiếp” chỉ là hình thức, mà có cho bầu trực tiếp tất cả các vị trí đi chăng nữa thì cũng không có nhiều ý nghĩa, vì các ứng cử viên đều được cơ cấu sẵn.
Với hình thức bầu cử hiện nay cũng chẳng ai biết các ứng viên đã làm hoặc sẽ làm được những gì, đó là chuyện nội bộ của các quan chức với nhau.

“Đảng phân công”
Các quan chức ở địa phương làm được một thời gian là tìm cách chạy lên Trung ương, nói cách khác là chuyển ra Hà Nội nắm giữ các chức vụ do “Đảng phân công”.
Ví dụ như bí thư hay chủ tịch thì sang làm bộ trưởng hoặc trưởng ban, phó bí thư hay phó chủ tịch thì làm phó ban hay thứ trưởng, miễn là chức tương đương bất chấp vị trí chuyên môn có phù hợp hay không.
Ở Việt Nam ai nghe đến “ngoại giao” là cũng nể lắm, vì thường dân ngoại giao được đi nước ngoài, nói ngoại ngữ như gió… nhưng thực tế có khi người đứng đầu ngành ngoại giao lại mù tịt về ngoại giao và ngoại ngữ.
Tất nhiên cấp dưới phải giỏi các thứ tiếng để đi tháp tùng rồi, những người ấy sẽ lo mọi việc cho lãnh đạo. Nhưng cơ hội cho những người đi lên bằng con đường học hành để nắm những vị trí quan trọng nhất thì không nhiều.

Lý do là việc luân chuyển, đề bạt cán bộ cao cấp cũng không liên quan đến thành tích tại nơi làm việc ban đầu. Lãnh đạo của những tỉnh yếu kém bậc nhất vẫn ra Trung ương, nắm giữ những vị trí chóp bu phải là họ, phải là “Đảng phân công”.
Có nhiều người rất giỏi làm ở một cơ quan cả đời chẳng lên được sếp; trong khi có những anh khôn ngoan hơn, tìm cách chuyển sang nơi ít danh giá nhưng ở đó có thể lên làm lãnh đạo rồi cuối cùng lại được “luân chuyển” về làm sếp của cơ quan cũ mà ngày xưa mình chẳng là gì cả.
Rõ ràng năng lực chỉ là chuyện nhỏ, “không thoái thác nhiệm vụ Đảng phân công” mới là chuyện lớn.

Người dân không quan tâm đến bầu cử?
Khi mà người dân đứng ngoài gần như mọi cuộc bầu cử, tại sao họ phải quan tâm đến những cuộc “bầu bán”? Bầu cho ai mà chẳng thế, rồi đâu lại vào đấy cả thôi.
Còn về chuyện nhà nước có mở rộng quyền ứng cử và bầu cử cho người dân hay không, đừng hy vọng hão!
Bầu cử “khép kín” hiện tại là một trong những điều kiện để duy trì quyền lực, bởi nếu dân chúng được tự do bầu cử, họ sẽ không ngại ngần mà chọn con đường khác cho đất nước.
Đến lúc ấy thì người dân chắc chắc sẽ quan tâm đến bầu cử lắm.
Người ta sẽ thấy không phải dân Việt Nam “không quan tâm đến chính trị” đâu, họ không được phép quan tâm thì đúng hơn.
Lãnh đạo là người ra những chính sách tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ thì làm sao mà không quan tâm cho được.
Đến kỳ bầu cử người ta sẽ nô nức đi bỏ phiếu và bàn tán xôn xao xem nên bỏ cho ai – điều không thấy ở xã hội hiện tại (có chăng là bàn tán ông nào sẽ mất chức, ông nào sẽ “lên” theo một kết quả nội bộ có thể biết trước từ nhiều tháng).

H.L.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của người viết, một độc giả BBC từ Hà Nội.


Tin bài liên quan:

Từ Hoàng Hữu Phước đến Thích Thanh Quyết: Mạt trị cùng mạt pháp

Phan Thanh Hung

‘Không phân chia sự lãnh đạo quân đội cho lực lượng khác ngoài Đảng’

Phan Thanh Hung

Các nhà đầu tư Mỹ lạc quan về tương lai quan hệ kinh tế Việt Mỹ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo