Nguyễn Cao
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Điểm cộng cho giới truyền thông Việt Nam khi diễn biến cuộc biểu tình ở Hồng Kông được đưa tin tường thuật bằng hình ảnh cùng video trực tuyến khá chi tiết và cập nhật.
Ở các báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động còn dự báo Macau cũng sẽ xuống đường vào ngày 1-10, Quốc khánh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Những lời bình dậy sóng
Các trang báo của Việt Nam đã gián tiếp bày tỏ sự đồng tình với người dân Hồng Kông, qua việc lựa chọn để dẫn lại những lời bình của báo chí nước ngoài, đặc biệt là của Hồng Kông.
“Hồng Kông đang chìm trong làn sóng biểu tình ủng hộ dân chủ do các nhóm học sinh, sinh viên tổ chức. Những người biểu tình muốn phản đối việc Trung Quốc can thiệp quá sâu vào nền dân chủ ở đặc khu kinh tế này”.
Nhiều trang báo của Việt Nam đều chung mô tả như vậy với thái độ đồng cảm lực lượng biểu tình. Thậm chí, báo Tuổi Trẻ số ra ngày 30-9, có ý chê trách đồng nghiệp Trung Quốc (TQ) khi nhấn mạnh: “người dân TQ không hề biết gì về tình trạng căng thẳng ở Hồng Kông do truyền thông đại lục không đưa tin gì về sự kiện này”.
Báo Tuổi Trẻ nói thêm: Gõ cụm từ “biểu tình Chiếm trung tâm” trên trang Weibo sẽ ra kết quả: “Thông tin bạn tìm kiếm không thể xuất hiện theo quy định của luật pháp”. Người sử dụng Internet có thể tra từ Hong Kong, nhưng chỉ ra những kết quả không liên quan đến cuộc biểu tình.
“Tờ Minh Báo khá nổi tiếng tại Hồng Kông thì chỉ trích Bắc Kinh một cách tinh tế hơn khi Trung Quốc đã không thực hiện lời hứa của họ về đảm bảo quyền tự chủ cho Hồng Kông. Hoạt động biểu tình chỉ là phản ứng bình thường dựa trên lý tưởng của tình yêu và hòa bình”. (http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Truyen-thong-Trung-Quoc-dua-nhau-len-an-bieu-tinh-o-Hong-Kong-post150425.gd)
Báo Giáo Dục đã kết trong một bài viết bằng câu được cho là dẫn lại từ tờ Bưu Điện Hoa Nam (Hồng Kông): “Khá lạc quan trước thế hệ học sinh, sinh viên sẵn sàng đứng lên nói thật ý nghĩ của mình bằng sức mạnh của chính mình. Nếu họ thực sự trở thành những nhà lãnh đạo Hồng Kông trong tương lai, vẫn có hy vọng vào một sự thay đổi”.
Người Hồng Kông gọi đó là “dân chủ giả tạo”
“Khi hứng lấy làn hơi cay từ cảnh sát, những người biểu tình trẻ tuổi lẫn người dân Hồng Kông có chung một cảm giác: Sốc!”. Không trích dẫn từ báo chí nước ngoài, đây là câu mở đầu cho bài viết có tựa cũng khá sốc trên báo (giấy) Người Lao Động: “Nếu tôi không đứng lên…”, phát hành vào đầu tuần này 29-9.
Tác giả bài báo viết: Nỗi sửng sốt này có thể lý giải bởi khác với phần còn lại của Trung Quốc, Hồng Kông phát triển theo mô hình chính phủ phương Tây khi là nhượng địa của Anh từ năm 1842.
Đến khi trở về với TQ vào năm 1997, Hồng Kông lại được trao quy chế “1 nhà nước, 2 chế độ”, trở thành đặc khu hành chính với “quyền tự trị cao trong mọi lĩnh vực trừ quốc phòng và ngoại giao” cho đến năm 2047.
Những điều này mang đến cho người dân hòn đảo một ý thức rõ rệt về dân chủ và trong mắt họ, giới chức địa phương cũng chỉ là người làm công ăn lương.
Năm 2007, quốc hội TQ ra nghị quyết cho phép bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông từ năm 2017. Theo cách hiểu của người Hồng Kông, mỗi người dân sẽ được bỏ phiếu bầu đặc khu trưởng thay vì để một ủy ban gồm 1.200 người thân Bắc Kinh chọn ra.
Nhưng TQ đại lục không nghĩ vậy. Tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh thông báo phổ thông đầu phiếu vẫn diễn ra nhưng dựa trên danh sách 3 ứng viên được ủy ban bầu cử đã nêu lựa chọn. Người Hồng Kông gọi đó là “dân chủ giả mạo”!
“Hồng Kông sẽ chấm hết”, tác giả bài báo kết luận ở đoạn kết: Mất đi một trong các cột trụ – thành công kinh tế, thể chế và các quyền tự do cơ bản của công dân – Hồng Kông sẽ trở thành một thành phố nhạt nhòa của TQ và “không có cửa” cạnh tranh với Thượng Hải.
Một thất bại của Tập Cận bình
Từ những nội dung trên báo giấy lẫn báo điện tử được đăng tải công khai về sự kiện biểu tình tại Hồng Kông, cho thấy truyền thông Việt Nam muốn xa gần lưu y người đọc Việt Nam rằng, tại sao Tập Cận Bình không chờ đến năm 2047, thời điểm kết thúc mô hình “một quốc gia, hai thể chế”, như thời hạn qui định 50 năm, để… “mổ lợn”, mà lại quyết định ký giấy khai tử sớm cho thể chế bán tự trị Hồng Kông khiến dẫn đến cục diện hiện tại?
Từ những hình ảnh về cuộc biểu tình tràn ngập trên các trang báo Việt Nam, cho thấy không cần biết kết quả cuộc biểu tình như thế nào, cũng có thể nhận ra đây là một thất bại chính trị cay đắng với Bắc Kinh trong việc đánh giá quá thấp hoặc quá sai về tinh thần dân chủ Hồng Kông.
Bắc Kinh đã tự tin một cách quá lố về khả năng có thể dùng truyền thống đàn áp, như cách họ làm ở Hoa lục, rất “có nghề”, để “hiếp dâm” giá trị tinh thần tự do và dân chủ của người Hồng Kông.
Một sai lầm, rất nghiêm trọng, của Tập Cận Bình.
Sự việc càng khiến Hông Kông nhanh chóng xóa đi niềm tin, nếu tồn tại cái gọi là niềm tin, đối với Hoa lục.
Có lẽ nhà cầm quyền Việt Nam cũng đang thấm thía bài học này từ ông bạn vàng TQ.