Chuyên gia Cấn Văn Lực – một trong những người nhiệt tình nhất trong việc đòi lấy tiền đóng thuế của dân để “xử lý nợ xấu”
——————-
Đề xuất Nhà nước tạm ứng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu
Theo ý kiến của chuyên gia, tỷ lệ nợ xấu được công bố chính thức luôn “nằm trong chuẩn đẹp”, số thực tế cao hơn nhiều. Chính vì con số công bố đẹp, dưới chuẩn cho phép, nên không ai cảm thấy cần phải xử lý “cục máu đông” này.
Bàn luận về giải pháp xử lý nợ xấu tại một cuộc Hội thảo mới đây, các chuyên gia đều đề nghị phải công khai số liệu nợ xấu thực.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao ngân hàng lại tạo ra nợ xấu kinh khủng như thế, tại sao ngân hàng không thu hồi nợ xấu, tại sao ngân hàng không kê biên tài sản, tịch thu hàng hóa, nhà cửa để bán. Vì theo pháp luật cũng như thỏa thuận trong hợp đồng, ngân hàng có quyền làm việc đó. Việc xử lý nợ xấu vô cùng khó khăn do phụ thuộc vào nhiều yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng!
“Cần công bố nợ xấu cho xã hội hình dung, nguyên nhân là con nợ gây ra và chủ nợ thì không làm gì được. Chúng ta lâu nay chỉ đổ lỗi cho ngân hàng mà quên truy bắt thủ phạm”, ông cho hay.
Theo ông Đức, tỷ lệ nợ xấu được công bố chính thức luôn “nằm trong chuẩn đẹp”, số thực tế cao hơn nhiều. Chính vì con số công bố đẹp, dưới chuẩn cho phép, nên không ai cảm thấy cần phải xử lý “cục máu đông” này.
Đưa ra tính toán của mình, TS. Cấn Văn Lực – hàm Phó tổng giám đốc BIDV cho hay, tỷ lệ nợ xấu hiện khoảng 7%. Còn theo dữ liệu IMF tính toán về nợ xấu của Việt Nam lên tới hơn 10%.
“Phải chốt lại con số nợ xấu để biết quy mô thực thế nào và phải có đột phá trong xử lý nợ xấu”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Ông Lực cho rằng, cơ chế dù quan trọng nhưng không có tiền cũng khó xử lý nợ xấu. Vị này đề xuất, ngân sách tạm ứng cho VAMC một khoản tiền 5.000–10.000 tỷ đồng. Cùng với hình thành thị trường mua bán nợ, sau khi VAMC kinh doanh, có lãi thì trả lại ngân sách.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận xét xử lý nợ xấu mà không có tiền thì quả thực khó khăn và chỉ có ở nước ta. Nếu không có tiền thì phải có cơ chế mà cơ chế phải mạnh taytrong lúc nguồn lực hạn hẹp, tiền không có thì cần trao cho VAMC, ngân hàng cần có cơ chế riêng để xử lý nợ xấu.
Công bố sau cùng và rõ ràng về con số thực nợ xấu, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết con số thật của nợ xấu hiện là 147 nghìn tỷ đồng, cộng thêm 160 nghìn tỷ nằm ở VAMC và báo cáo nội bảng tại các ngân hàng còn 140-145 nghìn tỷ có tiềm ẩn nợ xấu.
Còn theo số liệu của NHNN, tính đến thời điểm cuối tháng 8/2016, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý là 57,2%, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức cá nhân khác) chiếm 42,8%.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, từ 2013 đến nay, VAMC đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng.
Hầu hết các khoản nợ đã mua đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp…Trong đó, bất động sản với giá trị tài sản đảm bảo là 256 nghìn tỷ, chiếm tỷ lệ cao nhất 63,5%.
Về công tác thu hồi nợ, kể từ khi thành lập đến nay, VAMC đã phối hợp với các TCTD tổ chức thu hồi nợ đạt 37.983 tỷ đồng dưới nhiều hình thức thu hồi nợ như: bán nợ, bán TSĐB, … đạt tỷ lệ 15% dư nợ gốc nội bảng.
Tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ đã mua còn hạn chế song tỷ lệ khách hàng tự trả nợ chiếm tới 70% còn lại 30% là bán nợ, bán TSBĐ. Việc bán TSBĐ bao gồm phát mại TSBĐ, thi hành án để thu hồi nợ chỉ đạt 10.990 tỷ, chiếm tỷ lệ 28,9%.
Kim Tiền
Theo Trí thức trẻ
——————-
* Tựa đề và hình ảnh do VNTB đặt