Việt Nam Thời Báo

Dẹp nạn kiêu binh để kiến tạo phát triển

Quốc Nam

(Một Thế Giới)


Nạn kiêu binh đang xuất hiện qua nhiều trường hợp và ở nhiều vị trí, cản trở rất lớn nỗ lực xây dựng một chính phủ muốn là một chính phủ liêm chính và kiến tạo phát triển. Người ta hy vọng, nạn kiêu binh dù là trong công tác cán bộ, trong quản lý điều hành hay quản lý hành chính nào cũng phải bị chặn đứng. Thủ tướng cũng đã làm gương từ những vụ việc nhỏ nhất nhưng điển hình nhất.

 Vụ ở quán cà phê Xin chào là điển hình cho nạn kiêu binh


Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) gây náo loạn dư luận khi “bắt cóc” hai cha con ở Bình Thuận nhưng một mực khăng khăng đó là “mời” làm việc đúng quy trình. Rồi công an phường tự ý cạy cửa nhà dân (Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương) và ngang nhiên tịch thu 10 CPU máy tính cho thấy không ít người mặc sắc phục để phụng sự nhân dân đã trở thành kiêu binh.

Ở công an phường Đông Hòa, báo chí phản ánh phụ trách khu vực này là một thiếu úy, và giúp việc cho thiếu úy kia còn có vài người mặc sắc phục dân phòng, vài người mặc sắc phục công an. Họ cạy cửa, tịch thu tài sản hợp pháp của công dân mà không hề có lệnh khám xét, làm một cách ngang nhiên như không hề có pháp luật bảo hộ công dân. Một hình thức kiêu binh nảy nòi bởi những người không thấm nhuần nhiệm vụ và tư cách của mình.
Nhớ lại, vụ quán cà phê Xin chào mà dư luận bất bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuộc, yêu cầu điều tra làm rõ, xử lý nghiêm. Ban đầu, trưởng công an huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Văn Quý vẫn núp sau bộ cánh sắc phục, lợi dụng bộ sắc phục để bao biện sự o ép, đẩy người dân lương thiện, chủ quán Xin chào vào vòng truy cứu của pháp luật. Nhưng sau đó thì ông Quý không thể dùng sự kiêu binh của mình để lấp liếm sự việc.

Ông Quý đã bị cách chức. Lệnh cách chức tiếp theo cũng dành cho kiêu binh Nguyễn Hoàng Tuân, thiếu tá phó đội trưởng đội cảnh sát kinh tế, công an huyện Bình Chánh. Lê Cảnh Tuân, phó đội trưởng đội cảnh sát kinh tế công an huyện Bình Chánh bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Thượng sĩ Nguyễn Chiến Thắng, trinh sát đội cảnh sát kinh tế bị xử lý bằng hình thức phê bình, rút kinh nghiệm. Thiếu úy Lương Anh Tuấn và thượng úy Bùi Thị Kim Nga, cán bộ đội cảnh sát kinh tế bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Thiếu úy Nguyễn Chí Tiến, cán bộ đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Đi theo đám kiêu binh này là Phó viện trưởng VKS Quận 6, Lê Thanh Tòng bị cách chức; kiểm sát viên Huỳnh Văn Son cũng bị đình chỉ vì liên quan đến vụ việc. Một nhúm kiêu binh như thế không xứng đáng ở trong hàng ngũ vì nhân dân phục vụ.

Mới đây, Thủ tướng cũng đã phải chỉ đạo một vụ việc cụ thể mà dư luận xã hội rất quan tâm, một nạn kiêu binh mới trong vụ bán điện thoại “cùi bắp”. Theo thông tin báo chí nêu, anh Dương Trọng Tiến làm dịch vụ kinh doanh mua bán, sửa chữa điện thoại cũ tại quận 10 (TPHCM) bị công an khám xét khẩn cấp vì bị cho là kinh doanh trái phép, gây phản ứng trong dư luận.Theo phản ánh, dù chỉ nhận mua bán, sửa chữa những dòng điện thoại “cùi bắp” sản xuất hơn 10 năm trước, bỗng một ngày anh Dương Trọng Tiến bị công an “bắt quả tang”, khám xét khẩn cấp vì “kinh doanh trái phép”.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP.HCM khẩn trương kiểm tra, làm rõ sự việc trên và báo cáo Thủ tướng. Bình luận về sự việc trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: “Đấy là một ví dụ rất cụ thể về sự can thiệp của người đứng đầu Chính phủ. Một việc tưởng chừng như rất nhỏ nhưng trên thực tế lại có tầm vóc lớn vì nó mang ý nghĩa biểu trưng cho một quan niệm, một cách thức để xây dựng môi trường kinh doanh, bảo vệ người dân, doanh nghiệp”. Đấy cũng là cách đẩy lùi nạn kiêu binh hiện nay.

Để chống một nạn kiêu binh khác đang làm thui chột nguồn lực đất nước, Thủ tướng từng đề cập một khía cạnh khác của công tác cán bộ, ấy là “tìm người tài, không tìm người nhà”. Việc đưa người nhà vào các vị trí quản lý, điều hành ở các ban ngành đã trở thành vấn nạn nhưng người ta vẫn biện luận là “đúng quy trình”. Mới nhất mà báo chí phản ánh là vụ ông Võ Thành Long, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị vợ mình làm “phó cục trưởng”. Báo chí cũng cho hay “hiện tại ở Cục thuế Bà Rịa – Vũng Tàu còn có nhiều người có quan hệ, họ hàng, thân thích với ông Long và bà Ngọc, vợ ông Long.Đó là trường hợp bà Đỗ Thị Thanh Thúy (em ruột bà Ngọc), hiện là kiểm tra thuế ở phòng Tuyên truyền hỗ trợ. Bà Thúy đã được bổ sung quy hoạch phó trưởng phòng tại quyết định ra tháng 3.2016. Ông Nguyễn Đăng Bình (chồng bà Thúy) cũng đã được bổ nhiệm giữ chức phó chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Côn Đảo vào tháng 8.2015”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý đặc biệt công tác cán bộ khi nhậm chức: “Tôi báo cáo trước Quốc hội phải đổi mới công tác cán bộ, tôi đề nghị các đồng chí phải lưu ý điều này, việc này cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”.

Hy vọng nạn kiêu binh trong công tác cán bộ, hay bất cứ nạn kiêu binh nào cũng phải bị chặn đứng cùng với việc Thủ tướng đã làm gương từ những vụ việc nhỏ nhất nhưng điển hình nhất, như việc đoàn xe tùy tùng Thủ tướng tự tiện đi vào phố cổ, vụ truy bức người sửa chữa điện thoại “cùi bắp”. Bởi nạn kiêu binh đang cản trở rất lớn nỗ lực xây dựng một chính phủ muốn là chính phủ liêm chính và “kiến tạo phát triển”. Phá bỏ tư tưởng “kiêu binh hãn tướng”, người dân thật dễ dàng đồng lòng.


Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo