Điệp khúc bần nông được mùa mất giá: “Tam nông” của Đảng đâu rồi?

Nam Giang
(VNTB) – Làm sao để nông dân bớt khốn đốn? Có lẽ là phải nhờ vào nỗ lực cơ sở, thay vì chờ đợi sự phát huy tác dụng thực tế của Nghị quyết tam nông của Đảng và đề án tái cấu trúc nền nông nghiệp với 12 nhóm của Bộ NN&PTNT.
Các phòng, sở nông nghiệp ở đâu?

Câu chuyện được mùa được giá, sắm mua nhà xe hơi đối với người nông dân Việt luôn là một giấc mơ xa xỉ. Càng về sau, họ càng nhận thấy rằng, các sản phẩm nông nghiệp làm ra hoặc bị thương lái ép giá vì trúng mùa, hoặc buộc phải méo mặt vì mất mùa bởi giống kém chất lượng, phân bón ngày một tăng giá…

Đầu năm 2015, báo chí nhà nước phải xót xa trước cảnh nông dân huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đổ sữa ra đường khi Dalat Milk (nơi thu mua) đưa ra hạn mức thu mua không vượt quá 16 kg sữa tươi trên một con bò, mỗi ngày… Nó nối tiếp câu chuyện năm 2014, nông dân Cà Mau đốt bỏ mía gần 1.800 ha mía nguyên liệu khi Xí nghiệp đường Cà Mau (thuộc Công ty cổ phần mía đường Tây Nam ở ấp I, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) thông báo không thu mua mía nguyên liệu trong vùng; nông dân tỉnh Lâm Đồng đổ cà chua ra đường, cho bò heo ăn khi giá cà chia rớt xuống còn 500- 1.500 đồng/kg; nông dân tỉnh Bình Thuận đổ bỏ hàng tấn thanh long ra đường hoặc cho gia súc ăn bởi không bán được…

Cay đắng từ nghề nông, khi sản phẩm phải cho heo bò… ăn

Hiện tượng phải đổ, đốt, bỏ sản phẩm nông nghiệp là cách giải quyết cuối cùng mà người nông dân nghĩ đến khi đầu ra sản phẩm bị bít lối, nó cho thấy một cuộc khủng hoảng thừa trong nền nông nghiệp nước nhà, và sự bế tắc của bài toán nuôi cây gì – trồng con gì để được giá trong thời điểm thu hoạch.

Người nông dân của năm 2013 không khác gì người nông dân 2014, vẫn là những cái méo mặt trước gánh nặng nghiệp nông.

Khi sự đã rồi, thì bắt đầu câu chuyện trách nhiệm, ai, người nào, cái gì đã tạo nên hoàn cảnh bi đát, đưa người nông dân Việt vào cơn khốn quẫn. Hám lợi trước mắt, chạy theo phong trào của người nông dân là tất cả những gì sẽ được tìm đến để báo cáo, phản ánh… quy chụp, thậm chí không quên đổ lỗi sang khách quan và thiên tai.

Không ai nghĩ đến việc truy cứu về mô hình kinh tế, dự báo rủi ro, công tác quy hoạch địa phương, trong đó có tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm người nông dân. Các phòng, sở nông nghiệp đã ở đâu khi người nông dân bắt đầu gieo trồng sản phẩm? Chính quyền địa phương ở đâu khi để đâu khi để đầu ra không có hoặc co hẹp quá mức, phương cách tuyên truyền thông tin cấp cơ sở hiện diện thế nào để mỗi vụ mùa là thương lái đến ép giá bà con nông dân, chính sách, cơ chế hỗ trợ ra sao để người nông dân buộc phải tự bươn chải trước điệp khúc “được mùa mất giá”?

Phương thức liên kết sản xuất theo hướng 4 nhà: Nhà nước – doanh nghiệp – nông dân – khoa học đã thực sự chú trọng trong thực tiễn chưa? Vai trò điều phối các hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp lợi ích chung giữa kẻ bán (nông dân), người mua (doanh nghiệp) của nhà nước đã thực sự tốt trong nhiều năm qua?

Giá tỉ lệ nghịch với năng suất khiến người nông dân chạy đôn chạy đáo để giải quyết hậu quả, trong khi đúng ra, trong vai trò và trách nhiệm của mình, nhà nước phải có những chính sách hỗ trợ rõ ràng, từ khâu tư vấn, quy hoạch cho đến trung gian khâu liên kết giữa bán – thu mua. Rõ ràng, cơ chế hỗ trợ mang tính thiết thực cho người nông dân là chưa có, khiến cho đầu vào đến đầu ra nông sản gần như là bài toán không đáp số.
Chờ “tam nông” của Đảng?

Với vai trò là chủ quản của nền nông nghiệp nước nhà, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) nỗ lực đưa ra đề án tái cấu trúc nền nông nghiệp với 12 nhóm (dự thảo từ năm 2012), chưa kể sự ra đời của Nghị quyết số 26 – NQ/T.Ư (khóa X) nhấn mạnh về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) trong đời sống kinh tế của đất nước. Và dù tỏ ra lạc quan, với báo cáo của Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết tam nông, trong đó nêu rằng, Nghị quyết được triển khai khá đồng bộ, nghiêm túc, sâu rộng, cả hệ thống chính trị vào cuộc và được người dân hưởng ứng tích cực, thì dường như những “nỗ lực chính trị” tam nông đó lại không xóa bỏ sự khốn đốn của người nông dân, tình trạng mất kiểm soát từ phía chính quyền địa phương trong khâu quy hoạch nông nghiệp địa phương.

Chưa kể ở mức tầm cao hơn là T.Ư, chưa làm tốt vai trò điều phối ổn định giá phân bón và vật tư nông nghiệp… Không định hình rõ chiến lược mục tiêu, cạnh tranh, thị trường trong nông nghiệp, khiến người nông dân bị bào mòn về trí lẫn lực, đưa sản xuất nông nghiệp tiếp tục ở trạng thái luẩn quẩn.

Giải pháp nào để nông dân vươn lên làm giàu chính đáng bằng nghề nông? Có lẽ là phải đến từ nỗ lực phía cơ sở, chính sách hỗ trợ thực tế, thay vì chờ đợi sự phát huy tác dụng thực tế của Nghị quyết tam nông của Đảng và đề án tái cấu trúc nền nông nghiệp với 12 nhóm của Bộ NN&PTNT.

Tất cả nhằm tránh cho người nông dân rơi vào thế bần cùng bởi sự dắt mũi quá tài của thương lái và sự thờ ơ trong cung cách quản lý của chính quyền cơ sở trong vấn đề hỗ trợ bà con phát triển, làm giàu trong nông nghiệp.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)