Việt Nam Thời Báo

Điều 258 Bộ Luật Hình sự: Vận dụng hay lạm dụng luật?

Thảo Vy


Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
(VNTB) – Thời gian gần đây đã có một số người bị cơ quan điều tra bắt, khởi tố theo điều 258 của Bộ luật hình sự. Có thể kể:
1. Blogger Nguyễn Quang Lập – chủ trang Blog Quê Choa, bị Công an TP.HCM bắt lúc 14g00 ngày 6-12-2014;
2. Hồng Lê Thọ, chủ trang Người Lót Gạch, bị bắt hôm 29-11-2014;.
3. Nguyễn Hữu Vinh bị bắt ngày 05-5-2014;
4. Trương Duy Nhất, nhà báo, chủ của blog cá nhân “Một góc nhìn khác”, bị bắt 26-5-2013, bị xử 2 năm tù;
5. Phạm Viết Đào, Nhà văn, blogger, bị bắt ngày 13-6-2013, bị xử 15 tháng tù, thả ngày 13-9-2014;
6. Đinh Nhật Uy, bị bắt ngày 15-6-2013, bị xử 1 năm 3 tháng tù treo và 1 năm thử thách;
7. Blogger Cô gái Đồ Long, tức nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà, bị bắt ngày 23-10-2010 theo điều 258 này, được thả sau 3 tháng biệt giam.
Viện dẫn điều 258 ở các trường hợp nêu trên, từ góc nhìn luật sư, yếu tố “tội phạm” và hành vi “phạm tội” là những khái niệm tùy vào chủ quan phía công tố.
Thứ nhất. “Tự do ngôn luận” là hiến định. Quyền này cho phép mọi công dân được phát biểu, bày tỏ ý kiến về những vấn đề của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,… một cách công khai, rộng rãi theo quan điểm cá nhân mình, nhưng không được lợi dụng việc phát biểu, bày tỏ ý kiến để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Khách thể của tội phạm này là lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Các lợi ích này có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất (tinh thần).
Nếu là lợi ích vật chất thì cơ quan tố tụng phải chứng minh được vật chất đó là gì, ví dụ như tính mạng, sức khỏe công dân, tài sản, đồ vật, giá trị thiệt hại quy ra tiền, vàng hoặc quy ra thóc,… Nếu là lợi ích phi vật chất thì cơ quan tố tụng cũng phải chứng minh đó là thiệt hại như thế nào về mặt tinh thần, từ thiệt hại đó gây ra hậu quả gì…
Như vậy, các blogger nói trên với tư cách công dân, có quyền phát biểu ý kiến cá nhân về những mặt mạnh – yếu, đúng – sai, ưu – khuyết điểm trong đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các blogger này không được quyền vận động người khác không chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.
Hiểu theo nghĩa đó, có thể thấy rằng blogger Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập chưa thể xác lập “dấu hiệu phạm tội”, vì việc đăng tải lại từ các trang mạng xã hội khác, có dẫn nguồn cụ thể…, chưa đủ yếu tố cho cáo buộc hành vi “tội phạm”. Vi phạm ở đây nếu có, là xét về quyền sở hữu trí tuệ theo Bộ Luật Dân sự và Luật Sở hữu Trí tuệ.
Thứ hai. Các trên blog hiện nay không chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí cùng các văn bản liên quan. Như vậy, không đủ yếu tố để cấu thành hành vi “phạm tội” mà cơ quan công tố cáo buộc cho các blogger nói trên.
Thứ ba. Hiến định là người dân được “tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ”. Tuy nhiên các quyền này chưa được coi là hiển nhiên, mà Nhà nước Việt Nam chỉ công nhận các quyền này trong một khuôn khổ giới hạn. Đơn cử, các tổ chức xã hội – dân sự vẫn chưa được Nhà nước Việt Nam chính thức công nhận.
Thứ tư. Hậu quả của hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, là những thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại về vật chất, tinh thần cho Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Nói chung, hậu quả của hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ gây ra chủ yếu là những thiệt hại phi vật chất, nếu có thiệt hại về vật chất thì cũng là thiệt hại từ phi vật chất dẫn đến thiệt hại vật chất như: chi phí cho việc đăng tin cải chính, thu hồi ấn phẩm hoặc các chi phí khác để khắc phục những thiệt hại về tinh thần, danh dự, uy tín…
Theo điều văn của điều luật thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cần chứng minh là hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ đã xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là lợi ích gì, nếu lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân không bị xâm phạm thì hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ chưa cấu thành tội này.
Từ 4 phân tích nói trên, cho thấy Điều 258 đang bị “lạm dụng” cho mục đích của “lợi ích nhóm”, chứ không phải (hoặc chưa phải) được “vận dụng” để (hay chỉ nhằm để) bảo vệ quyền tự do dân chủ được hiến định.
Một lưu ý khác, các blogger nói trên – giả dụ có những biểu hiện của “tư tưởng bất mãn”, thì đây cũng không phải là hành vi phạm pháp. Tư tưởng là thứ ở trong đầu người ta. Chỉ khi nào cái tư tưởng đó biểu hiện ra ngoài bằng hành vi, thì tùy theo hành vi cụ thể ấy có phạm pháp hay không mà xử lý ngay hành vi cụ thể ấy. Không thể quy chụp một cách áp đặt rằng hễ viết blog là bất mãn.

Mặt khác, nếu blogger ấy – với tư cách công dân đã cho rằng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức khác, thì blogger – công dân đó vẫn có quyền tố cáo hành vi vi phạm ấy với cơ quan chức năng; ở đây là thể hiện tố cáo ấy qua bài viết ở blog. Không bắt buộc người tố cáo phải là người có lợi ích bị xâm hại mới có quyền tố cáo.

Tin bài liên quan:

Lộ hàng, phạt vạ: chiêu PR hot và lỗ thủng từ nóc

Phan Thanh Hung

VNTB – Cấp phép xây dựng ở TP.HCM: cần sửa từ gốc

Phan Thanh Hung

Nguy cơ: Đảng lại tăng cường lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.