Nguyễn Trung Bảo
Hai người đã tử vong vì những tấm tôn sắc lẻm được chở trên những phương tiện vận tải thô sơ ở Hà Nội. Trong số các bài viết về hai cái chết thương tâm này đã xuất hiện một bài viết của tác giả Đinh Đức Hoàng với tựa đề: “Tiện nghi trả bằng máu” trên tờ báo mạng có nhiều người đọc là Vnexpress. Đây là một bài viết rất kém chất lượng – hoàn toàn không đáp ứng được các yêu cầu của một bài báo thông thường chứ chưa nói đến thể loại bình luận vốn đòi hỏi góc nhìn và kiến giải của người viết. Đồng thời, bài viết này thể hiện quan điểm đổ lỗi cho người dân trước sự hỗn loạn của giao thông Việt Nam.
Nếu tác giả chịu khó tìm hiểu thì sẽ nhận thấy giao thông thực chất là một mặt của xã hội, chịu mọi sự quản lý của nhà nước như tất cả mọi thứ khác. Không có ai được phép làm bậy đi càn nếu mọi thứ được xử lý nghiêm minh và minh bạch. Nhà nước còn chịu trách nhiệm trong việc tổ chức giao thông công cộng và xây dựng hệ thống hạ tầng để đảm bảo an toàn lẫn tiện lợi (chứ không phải “tiện nghi” như tác giả dùng sai) cho người lưu thông.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là một minh chứng cho việc tổ chức quản lý xã hội nghiêm túc sẽ tạo ra một xã hội trật tự. Anh công nhân nhà ở Bình Chánh mới đây luồn lách chen lấn trong dòng xe kẹt cứng ngay khi đến Phú Mỹ Hưng lập tức chạy nép vào lề đường và tuân thủ mọi tín hiệu giao thông. Anh bảo vệ giữ xe chuyển địa bàn làm việc từ quận 3 sang PMH lập tức bỏ ngay trò xin tiền người đậu xe hơi vì ở đây không thiếu chỗ đậu và nếu chủ xe báo lên ban quản lý PMH thì anh sẽ bị phạt rất nặng, hoặc chủ cơ sở thuê anh cũng bị nhắc nhở. Người đi đường không ai có thể xả rác hay khạc nhổ trên vỉa hè bởi họ tự cảm thấy khó chịu nếu làm một việc kỳ cục như vậy ở một không gian xanh sạch như PMH.
Có phải vì khu này chỉ toàn người có tiền nên mới được như vậy. Điều này chỉ đúng một phần bởi nhận thức của cộng đồng dân cư nơi đây rõ ràng có cao hơn mặt bằng chung. Nhưng cũng có một ví dụ ngược lại đó là khu Thảo Điền, Q2. Cũng là nơi tập trung nhiều biệt thự nhưng nơi đây thiếu những tiện nghi lẫn sự quy hoạch cho một khu đô thị văn minh, tôi cảm nhận điều này rõ rệt mỗi sáng khi đi từ Q7 sang đây. Nói để thấy ngay trong lòng Việt Nam vẫn có thể có những không gian sống văn minh ở đó con người sống với ý thức cao hơn hẳn chính họ ngay trước đó. Tất cả nhờ vào sự tổ chức minh bạch và khoa học.
Tôi không muốn so sánh cách tổ chức xã hội của Việt Nam và Hoa Kỳ, nơi tôi trải qua những năm tháng tốt đẹp của đời mình, vừa tránh sự thiên vị vùa nhận thấy sự khập khiễng. Nói để thấy muốn nhận xét về xã hội thì ngoài việc đi ra ngoài còn cần phải sống trong những hình thái xã hội khác đủ lâu, không đơn giản là đi du lịch vài ngày rồi về đổ lỗi việc xã hội này lộn xộn là hoàn toàn tại người dân.
Làm sao có việc xe ba gác chở những tấm tôn sắc như dao cạo đi nghênh ngang trên đường nếu cảnh sát giao thông xử phạt thật nghiêm? Làm sao có những con đường ngoằn ngoèo nếu quy hoạch đó thật sự khoa học chứ không phải “cong mềm mại” để tránh nhà quan lớn?
Người dân là thành tố của xã hội. Mọi thói quen, hành xử của họ chính là tấm gương phản ánh khả năng quản lý xã hội. Đổ lỗi cho họ là không sòng phẳng vì bản thân họ, trong vô thức, làm sai bởi chính cách tổ chức xã hội này đã tạo điều kiện như vậy. Ví như hễ đi xe máy thì phải luồn lách, chen lấn dù chẳng ai muốn bị tai nạn.
Chỉ có sự tổ chức xã hội yếu kém và thiếu minh bạch mới khiến người dân đổ máu.
( Theo FB của nhà báo Nguyễn Trung Bảo)