Nước CHXH VN thật không hổ thẹn khi đào tạo ra được những bậc trí giả có các phát ngôn hoặc hành động cổ kim chưa từng thấy. Không nói một đại biểu “toàn năng” như Hoàng Hữu Phước từng muốn xin với Tổng thống Iraq Saddam Husein cho mình được làm chân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đi thuyết phục các nước trên thế giới thực hiện kế sách “liên hoành” chống Mỹ từ nhiều năm trước, lại cũng từng đòi hủy bỏ các thứ luật lập hội, luật biểu tình trên diễn đàn Quốc hội vì cho rằng các thứ luật đó không hợp với xu thế phát triển của dân tộc Việt Nam, có thể gây biến loạn cho đất nước, hoặc nữa nhục mạ các đại biểu đồng nhiệm là “đại ngu”, “mông muội”… khi họ đề cập đến những vấn đề thông thường như dân chủ đa đảng, văn hóa từ chức của người cầm quyền… khiến dư luận trong ngoài nước lúc nào nghe đến tên ông cũng giật mình thon thót, có người lại yêu cầu đưa ông đi giám định tâm thần.Gần đây ngày càng có thêm những nhân vật không kém gì ông Phước khi đưa ra đủ loại định nghĩa nổi đình nổi đám khác. Chẳng hạn ngài Đại tá PGS TS Trần Đăng Thanh từng tuyên bố rằng “bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ cái sổ hưu”. Hay mới đây nhất là ông Phan Đăng Long, kẻ đóng vai trò vị quan Tham chính rất hệ trọng tại đất kinh đô ngàn năm văn vật, mới phát hiện được trong dịp Tết Ất Mùi một hiện tượng quá đỗi lạ lùng: ở Việt Nam hiện đã chuyển hóa được bọn cướp để trở thành “cướp có văn hóa”. Thoạt nghe những lời lẽ như thế ai mà chẳng choáng váng! Có lẽ phải nhờ phúc đức nhiều đời của ông cha, nước ta mới nẩy nòi ra được những bậc danh sĩ kỳ tài lưu lại những “danh ngôn” không tiền khoáng hậu kiểu này.Tuy nhiên, nghĩ đi rồi nghĩ lại, trường hợp ông Phan Đăng Long chưa chắc đã là một sự bột phát ngẫu hứng đáng cho ta cười chê, mà biết đâu đấy chẳng là một sự đúc kết công phu từ thực tiễn. Mà nếu quả thế thì phải nói chỉ có CNXH ở Việt Nam mới có khả năng cải tạo con người kinh thiên động địa kiểu ấy. Chúng tôi chưa dám tùy tiện đánh giá thực chất thế nào, nên xin được trân trọng giới thiệu với bạn đọc hai ý kiến khác nhau dưới đây, xung quanh cái khái niệm đặc sắc có một của ông.Bauxite Việt Nam
Cướp mà cũng có văn hóa?
Cướp lộc gây hỗn chiến ở lễ hội đền Gióng
“Lễ hội Gióng có tục cướp lộc thánh, cướp giò hoa tre, nhưng đây là tục lệ có từ xưa, người dân quan niệm ai cướp được là có sự may mắn. Do vậy từ cướp ở đây không nên hiểu là cướp giật mà là hành vi cướp có văn hóa, có sự cố gắng lộc mới đến…”.
Đó là lời ông Phan Đăng Long – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội – trả lời báo giới, trước việc dư luận lên tiếng về lễ hội đền Gióng, với hình ảnh đã được báo chí mô tả là có đánh nhau đến đổ máu khi tranh giành cướp lộc thánh. Một số thanh niên mặc lễ phục hộ tống cầm thanh tre vụt vào đám đông lao vào cướp lộc. Chính quyền sở tại thì khăng khăng “đâu có cướp”, “đâu có đánh nhau”, chỉ xô xát, tranh giành hỗn loạn thôi, xin được rút kinh nghiệm. Nhưng xem clip thì ai ai cũng… có đánh, có đạp đấy chứ.
Ông Phan Đình Tân – người phát ngôn của Bộ VHTTDL – bày tỏ: Tôi tin chắc rằng chẳng thánh thần nào phù hộ cho những người lấy lộc bằng tranh cướp. Người dân hãy kiểm tra lại đi, sau khi cướp được lộc, cuộc sống có tiến bộ hơn không, hành vi bạo lực sẽ bị con cháu học theo. Tất cả của cải làm được nên bằng chính sức mình.
Trong khi đó, ông Phó trưởng ban Tuyên giáo vẫn quả quyết rằng: Nhiều người không hiểu, nghĩ là cướp giật, nhưng cướp (lộc thánh, giò hoa tre) ở đây theo quan niệm của người xưa là may mắn. Cướp ở đây phải đặt trong ngoặc kép, cướp có văn hóa. Nhiều người bảo tại sao không phát lộc kiểu như phát ấn đền Trần. Vấn đề ở đây là phải cướp, có sự cố gắng, có dấu ấn cá nhân chứ không phải tự nhiên lộc thánh đến với mình”.
Ngay lập tức, từ khóa “cướp có văn hóa” được lấy làm tít của các bài báo tường thuật lại nội dung buổi họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội chiều 3.3, khiến dư luận nêu lên nhiều ý kiến trái chiều về câu nói “cướp có văn hóa”.
Sáng 4.3, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh bày tỏ không đồng tình trước phát ngôn của ông Phan Đăng Long “cướp có văn hóa”. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Đã là cướp thì làm sao có thể gọi là văn hóa được (!?). Đây là một cách che đậy, ngụy biện hết sức nguy hiểm.
Không rõ ông Phan Đăng Long có chơi “phây” như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hay không. Nếu có, ngoài ý kiến “thắc mắc” của độc giả thì trên “phây” cũng không kém sự trăn trở, rằng thế nào là cướp có văn hóa và cướp không có văn hóa, hẳn ông Long – người phát ngôn – cần giải thích cho bà con tỏ tận.
Người ta bỗng nhớ lại câu nói cực kỳ “ấn tượng” mà ông Long đã phát biểu trước đó không lâu. Trước ý kiến của dư luận về việc Tết Nguyên đán Hà Nội bắn pháo hoa ở nhiều điểm gây tốn kém, ông liền phán một câu mà người nghèo thấy có phần được an ủi để quên đi cái nghèo khó: “Những lúc thưởng thức bắn pháo hoa, giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó”.
Thế là dư luận lại bàn tán xôn xao về câu nói của ông, rằng “người nghèo xem pháo hoa để quên đói”, “ bắn pháo hoa có giúp người nghèo quên đi thực tại…”. Cả một năm, người nghèo chỉ có khoảng 15 phút để quên đi cái khó, cái đói đeo bám quanh năm.
Ôi chao! Ngạn ngữ có câu “Sảy chân gượng lại còn vừa. Sảy miệng còn biết đá đưa đường nào” sao mà chuẩn vậy!
(Theo Lao Động)
Cướp có văn hóa và văn hóa cướp XHCN
JP Nguyễn Hữu Vinh
Kinh hoàng cướp trong lễ hội
Mới đây, sau vụ cướp “lộc thánh” tại đền Gióng thuộc Hà Nội kinh hoàng bởi hàng chục thanh niên với thanh gỗ dài thẳng cánh choảng nhau bạt mạng mà báo chí đưa cả video lẫn hình ảnh, thì ông Phó ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long tuyên bố rằng đó là “Cướp có văn hóa”. Sau trận “cướp có văn hóa” này, báo chí cho biết nhiều người phải vào bệnh viện.
Ngay sau đó là cướp lộc trong lễ phát ấn đền Trần ở Nam Định. Báo VietnamNet cho biết: “Đến 23h30 phút, ngay sau thời khắc khai ấn của các bô lão dòng tộc họ Trần tại phường Lộc Vượng – TP Nam Định, hàng ngàn người dân, khách hành hương đã đổ xô vào cung Thiên Trường chen nhau giành lộc đức Thánh Trần. Một cảnh tượng xô đẩy hỗn loạn đã diễn ra khiến nhiều người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em bị mắc kẹt”.
Ở đây không bàn đến việc những vở bi hài kịch cứ diễn đi diễn lại đầy bạo lực hàng năm đã làm nhiều người phải lo ngại về tính bạo lực của một số lễ hội và sự bát nháo của các lễ hội ngày nay. Vấn đề này, chúng tôi đã nói đến trong bài viết trước đây. Ở đây, chúng ta bàn đến một khái niệm, định nghĩa mà Phó ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long gọi là “Cướp có văn hóa”.
Sự hình thành thói quen cướp bóc trong xã hội Cộng sản Việt Nam
“Cướp”, theo Từ điển tiếng Việt, trong các nghĩa của động từ này, có 2 nghĩa gắn liền với vật chất như sau: – Lấy cái quý giá của người khác bằng vũ lực hoặc thủ đoạn. Hoặc: Tranh lấy, giành lấy một cách trắng trợn ỷ vào một thế hơn nào đó.
Như vậy, cũng theo Từ điển Tiếng Việt, thì trong từ cướp, không có định nghĩa nào có khái niệm “văn hóa” hoặc đồng nghĩa với cái gọi là văn hóa. Bởi theo nguyên tắc đạo đức xã hội Việt Nam ngàn đời nay – trước khi có Cộng sản – cướp chưa bao giờ được gắn liền hoặc được coi như một hành động có văn hóa.
Kể từ khi người Cộng sản giành phần thắng bằng việc cướp chính quyền năm 1945, hành vi cướp ở Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, một thời kỳ mới. Đặc biệt, những năm gần đây, văn hóa cướp đã có những nét đặc trưng mới mang danh nhà nước. Và đến nay, hình thành một khái niệm “cướp có văn hóa”.
Thực ra, trên thực tế, một nhà nước được hình thành bằng cách cướp chính quyền, tồn tại và hành động dựa trên cơ sở của một chủ nghĩa lấy bạo lưc, cướp bóc làm động lực và lẽ sống, thì chuyện cướp trở thành nề nếp, thành văn hóa không có gì là lạ.
Trước hết, với cái gọi là “Ba cuộc cách mạng được tiến hành song song” để nhằm đưa đất nước đến một cái mơ hồ viển vông là Chủ nghĩa cộng sản – mà thực chất là kiếm chác tiền của, tài nguyên cho một nhóm người mang danh Cộng sản – Ở đó, cuộc “cách mạng quan hệ sản xuất” thực chất là một cuộc trấn cướp vĩ đại.
Điển hình là cuộc Cải cách ruộng đất được tiến hành những năm 50 của thế kỷ trước mà nỗi kinh hoàng còn đến tận hôm nay và di họa thì còn đến mãi mai sau. Trong biến cố đó, tất cả tư liệu sản xuất của những người nông dân ưu tú, có kinh nghiệm làm ăn và làm giàu đã bị cướp đoạt và phá hoại. Thậm chí những người đã nuôi nấng Cộng sản đã bị đưa ra giết thịt để làm lễ tế trong cái gọi là “cách mạng về quan hệ sản xuất” theo lý thuyết của Chủ nghĩa Mác – Lenin và Chủ nghĩa Quốc tế vô sản.
Thế rồi, việc đưa quân vào miền Nam Việt Nam để tiến hành cái gọi là “giải phóng miền Nam” – cuộc chiến giữa hai ý thức hệ Cộng sản và tư bản chủ nghĩa. Hậu quả là hàng triệu người đã chết, đất nước nằm trọn dưới sự cai trị của những người Cộng sản. Hậu quả là một đất nước từng được chính Hồ Chí Minh ca ngợi là “Ở vào xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu. Nhân dân dũng cảm và cần kiệm”… đến ngày hôm nay lãnh thổ nằm dưới gót giày quân xâm lược, tài nguyên, khoáng sản đã khai thách triệt để, bán đổ, bán tháo, bán sạch cho nước ngoài, công dân đua nhau đi làm thuê, làm nô lệ, chấp nhận cho bọn “chó săn đế quốc” – theo định nghĩa của đảng CSVN”- bóc lột sức lao động. Đó cũng là hành động “cướp”. Họ đã cướp đi quyền được tự quyết, được tự lựa chọn con đường ấm no, độc lập và hạnh phúc cho đất nước của những người dân Việt Nam.
Thế rồi, cũng chính khi những người cộng sản vứt bỏ không thương tiếc chiếc áo vô sản để tập trung tư liệu, nguồn lực sản xuất vào tay đảng phái mình, thì tất cả những miếng mồi, những lời nói, chính sách từ lý luận đến thực tiễn đã bị vứt bỏ. Họ sáng tác ra mớ lý luận về “đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh” hoặc “Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lenin” để gom tất cả những tài sản đất đai, tài nguyên của đất nước vào tay mình. Để thực hiện những điều đó, không có cách nào hơn, họ lại sử dụng động tác “Cướp”.
Không chỉ là đất đai, tài nguyên của người dân, đã bị đảng thẳng tay cướp đoạt bằng các Quyết định, chính sách, dự án… Tất cả, sự thua thiệt, bị cướp đoạt chính là người dân mà quyền con người của họ cũng đã bị Đảng ngang nhiên tự xưng vĩ đại, sáng suốt, giành quyền lãnh đạo… để cướp đoạt không thương tiếc.
Không chỉ là những người nông dân, những nhà tư sản, mà tất cả các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo đều bị cướp nặng nề. Các cơ sở tôn giáo, thờ tự bị cướp để chia chác, để bán hoặc ít nhất là phá hoại, quyền tự do có niềm tin, tín ngưỡng bị cướp trắng trợn bởi chủ nghĩa vô thần được làm nền tảng xã hội. Dù ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của họ năm 1946 và trên môi miệng những kẻ truyên truyền thì “Nhà nước luôn đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân và nơi thờ tự được luật pháp bảo hộ”. Chính nhà nước cộng sản dùng đúng định nghĩa: Lấy cái quý giá của người khác bằng vũ lực hoặc thủ đoạn. Hoặc: Tranh lấy, giành lấy một cách trắng trợn ỷ vào một thế hơn nào đó” – từ tay tôn giáo vào tay mình. Thực chất, không thể nói gì hơn, đó là hành động cướp.
Cướp trở thành “văn hóa”(!)
Hiện tượng “Cướp” đã diễn ra trên mọi mặt, trong mọi giai đoạn, mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp xã hội. Nó cứ diễn đi, diễn lại ngang nhiên, được thực hiện trên thực tế, được hỗ trợ bởi lý thuyết, chủ nghĩa vô sản bạo lực, được thực hiện bởi đội quân “Còn đảng, còn mình”… thì dần dần đã trở nên bình thường trong xã hội.
Và khi mọi việc trở nên bình thường trong xã hội thì nó thành nếp nghĩ, nếp sống, thành nếp sinh hoạt trong đời sống cộng đồng.
Từ chỗ cha ông ta chỉ dạy “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” cho đến lúc xã hội hỗn loạn. Còn nhớ, trước phiên tòa xử một thanh niên chặt tay cô gái để cướp xe ga, người nhà gào thét chửi bới cô gái rằng: Ai bảo mày mang vàng bạc và đi xe ga đẹp làm chi cho nó chặt”. Xã hội đã đến lúc buộc phải sống chung với… cướp.
Không chỉ là kẻ cướp của, giết người man rợ như Lê Văn Luyện đã không còn lạ lùng ghê tởm với xã hội, mà những tiếng hò reo, cổ vũ tên tội đồ này của lớp trẻ, đã trở thành một hiện tượng riêng có ở thời Cộng sản.
Bởi, ngay cấp độ nhà nước, công quyền, người ta không chỉ cướp đất đai, quyền lực, chính quyền, mà ngày nay còn sản sinh ra những trò đốn mạt như cướp “vòng hoa tang”, cướp phá những lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ chống xâm lăng… dưới sự tổ chức và bảo kê của công an, nhà nước.
Thế rồi, nó trở thành nét “văn hóa” của người Việt dưới thời Cộng sản tự lúc nào không hay.
Thời xa xưa, cha ông ta đã nói đến những hành động “cướp” với những sự khinh bỉ và ghê tởm, ngày nay, người Cộng sản coi là “văn hóa”.
Ngày xưa, cha ông ta sống dưới chế độ phong kiến thối nát và lạc hậu, cả cộng đồng họp lại, bàn bạc thống nhất cách chống cướp. Thời Cộng sản, cướp trở nên phổ biến đến mức không có cách nào chống đỡ, bởi thuộc chính sách, luật pháp cộng sản đặt ra.
Và đất nước bốn ngàn năm, có lẽ chưa bao giờ chứng kiến hàng đoàn, hàng lũ, từng làng, từng xã, khắp cả nước người dân biến thành dân oan đi khiếu kiện trùng trùng điệp điệp hết năm này qua năm khác, hết đời cha sang đời con.
Đó chính là hậu quả của chính sách “cướp có văn hóa”.
Và không chỉ là cướp có văn hóa, mà còn là cướp có chính sách, luật pháp và nhà nước hẳn hoi.
N.H.V.