Việt Nam Thời Báo

Đình công là hậu quả thiếu phản biện chính sách?

Nam Nguyên


PouYuen-dinhcong-622.jpg
Hàng chục ngàn công nhân công ty PouYuen Việt Nam ở Quận Bình Tân TPHCM, bắt đầu đình công từ hôm 26/03/2015 để phản đối việc thay đổi luật BHXH.

Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo đã nhanh chóng xoa dịu tình hình với kiến nghị Quốc hội sửa lại Luật Bảo hiểm Xã hội vừa mới ban hành cuối năm 2014. Báo Lao Động Online có thể xem là kênh thông tin sớm nhất, đưa nhiều tin bài về vụ đình công lớn chưa từng có ở Việt Nam xảy ra ở TP.HCM hôm 26/3 và kéo dài tới 6 ngày. Bản tin trên mạng ngày 28/3/2015 của báo điện tử Lao Động có “tít” gây ngạc nhiên lớn “Gần 90.000 công nhân đình công vì không được hưởng Bảo hiểm Xã hội một lần.”

Đụng chạm quyền lợi thiết thân của người lao động

Luật Bảo hiểm Xã hội được Quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng 11/2014  trong đó điều 60 đụng chạm đến quyền lợi thiết thân của người lao động. Điều này qui định người đóng bảo hiểm xã hội khi mất việc nghỉ việc sẽ không được rút tiền Bảo hiểm Xã hội một lần như trước, mà phải đợi tới khi về hưu. Việc Luật được thông qua và ban hành cho thấy đã không có sự phản biện trong quá trình hình thành chính sách, các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua một đạo luật mà không biết được nỗi bức xúc của cử tri mà mình đại diện.

TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, một tổ chức tư nhân về phản biện chính sách ở Hà Nội đã tự giải thể, đưa ra nhận định:

Ý chí của người dân phải được thể hiện ở trong chính sách, rất đáng tiếc là trong một chế độ mà chỉ có một đảng lãnh đạo, không có sự kềm chế về quyền lực thì những kênh hay những cơ chế như thế không hoạt động và nó có thể dẫn đến những chuyện tương tự như vậy. 
-TS Nguyễn Quang A


“Ý chí của người dân phải được thể hiện ở trong chính sách, rất đáng tiếc là trong một chế độ mà chỉ có một đảng lãnh đạo, không có sự kềm chế về quyền lực thì những kênh hay những cơ chế như thế không hoạt động và nó có thể dẫn đến những chuyện tương tự như vậy. Có thể mục đích (chính sách) không phải là dở nhưng mà nó không thực sát với tâm lý, hoàn cảnh xã hội cụ thể của Việt Nam và nó đã gây xáo động như thời gian vừa qua.”

Theo Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh một nhà hoạt động xã hội dân sự hiện sống và làm việc ở Đà Nẵng, thì câu hỏi đặt ra là quá trình phản biện chính sách đã có hay chưa? Hay chỉ là suy nghĩ một chiều và làm ẩu. Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh nhấn mạnh:

“Thứ nhất ở Việt Nam này thiếu không gian mở để tranh luận chính trị cho nên những ý kiến theo qui trình người ta đặt ra, thí dụ gởi cho Tổng Liên đoàn Lao động hay Mặt trận Tổ quốc chẳng hạn, thì ở đó người ta cũng lại làm cho có hoặc làm lấy được cho công việc. Họ không có động lực làm, hoặc họ không đại diện cho những nhóm lợi ích bên dưới bầu họ lên, nếu có đi nữa thì là hình thức thôi.

Thứ hai nữa là, chưa nói tới quá trình gian manh trong làm chính sách. Đó là chưa hẳn làm chính sách để phục vụ cuộc sống mà thôi, mà phục vụ yếu tố chính trị, âm mưu chính trị. Ví dụ nhiều người bàn luận rằng, việc không cho công nhân rút tiền bảo hiểm xã hội mà phải đợi đến già, nó có thể được quyết định với âm mưu là tiền Quỹ Bảo hiểm Xã hội đã hết nên người ta muốn thay Luật để giam nó lại, thí dụ như ngân hàng bị sập tiệm người ta hạn chế quyền rút tiền của khách hàng.”

Cuộc đình công của hàng ngàn công nhân Pou Yuen ở khu công nghiệp Tân Tạo, tại Sài Gòn đã buộc chính quyền phải sửa luật bảo hiểm
Cuộc đình công của hàng ngàn công nhân Pou Yuen ở khu công nghiệp Tân Tạo, tại Sài Gòn đã buộc chính quyền phải sửa luật bảo hiểm

Theo dõi thông tin trên mạng trong ngoài nước, rất nhiều bài báo cho thấy sự vô cảm xã hội, sự thờ ơ của người dân về nhiều vấn đề quan trọng và có vẻ thể hiện họ như những người đã mất niềm tin. Phải chăng xã hội và người dân Việt Nam thờ ơ, đã không cố gắng bày tỏ ý kiến của mình trong quá trình hình thành chính sách. Cụ thể ở đây là các phiên họp Quốc hội thảo luận Luật Bảo hiểm Xã hội vào năm 2014. TS Nguyễn Quang A kịch liệt bác bỏ những ý kiến này, ông nói:

“Tôi nghĩ rằng không phải như vậy, nếu mà xã hội thờ ơ thì những người công nhân ấy đã không tràn ra đường, bởi vì đấy chính là phản ứng của xã hội và đấy chính là một tín hiệu cho những người lập chính sách. Thực sự có một cuộc đối thoại dù cuộc đối thoại ấy diễn ra dưới dạng không ôn hòa cho lắm. Có một cuộc đình công và biểu tình như thế của 90 ngàn công nhân và lập tức Chính phủ đã phải họp, xem xét và đưa đến một kết luận là phải kiến nghị Quốc hội sửa lại Luật.”

Cùng một câu hỏi được chúng tôi nêu ra với Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh. Nhà hoạt động xã hội dân sự này cho rằng, bản tính của con người là chỉ quan tâm những gì có quyền lợi của mình; tất nhiên ở đây có quyền lợi trước mắt và quyền lợi lâu dài. Theo đó, những ai có trí thức hay có cuộc sống tốt đẹp thì người ta sẽ quan tâm quyền lợi lâu dài ưu tiên hơn quyền lợi trước mắt. Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh tiếp lời:

“Người dân cũng không thờ ơ đâu, người ta cũng quan tâm đến việc đời của họ rất nhiều, quan tâm đến công việc làm, tiền bạc, đến tương lai con cháu, đến điều kiện sống, nhà cửa xe cộ…Nhưng ở Việt Nam không gian đối thoại nó bị bóp nghẽn cho nên những cái mầm gây ra chuyện đối thoại, chuyện tranh luận đó sẽ bị diệt. Hơn nữa khi những vấn đề trở nên khác thường mà ai cũng nhận thấy được, thí dụ cây xanh bị chặt phá tàn bạo, hay là làm cho quyền rút tiền của người lãnh Bảo hiểm Xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì người ta tự động kết nối với nhau và quá trình đàn áp không có hiệu quả. Còn những vấn đề sâu xa hơn như bầu cử công bằng hay là kinh tế thị trường…tất cả những cái đó xa quá nên số người quan tâm cũng ít, cho nên một vài người khởi xướng tranh luận thì sẽ bị đàn áp ngay và vấn đề bị bóp chết ngay trong trứng nước.”

Chính sách nhà nước ảnh hưởng chủ doanh nghiệp

Có ý kiến cho rằng, một cuộc đình công qui tụ tới gần 90.000 công nhân của riêng Công ty Pouyuen ở quận Bình Tân TP.HCM kéo dài 5-6 ngày gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất của Công ty này. Mặc dù sự phản đối của công nhân không nhắm vào giới chủ nhân mà lại là về chính sách nhà nước. Sự khác biệt trong nhận thức của người lao động mang ý nghĩa gì. TS Nguyễn Quang A nhận định:

Tôi nghĩ là đã có một sự thay đổi rất là lớn không còn như những cuộc biểu tình đình công chỉ về chuyện lương bổng của một đơn vị nào đó. Dù rằng vấn đề Bảo hiểm Xã hội về cơ bản cũng là vấn đề đụng tới quyền lợi kinh tế của người lao động.
-TS Nguyễn Quang A


“Tôi nghĩ rằng ở đây có một điều gì đó thay đổi về mặt chất lượng trong khoảng một tháng trở lại đây. Rất nhiều sự kiện từ chuyện chặt cây ở Hà Nội, đến chuyện lấp sông Đồng Nai để xây dựng, toàn bộ dư luận xã hội người dân lên tiếng và nói với chính quyền rằng cái chính sách mà ông lập ra, ông quyết định ấy không hợp với lòng dân và sự phản đối ấy đã buộc nhà cầm quyền Hà Nội cũng như bên Đồng Nai phải dừng những việc họ dự tính làm, cũng như đã làm cho chính phủ phải đi đến quyết định kiến nghị Quốc hội thay đổi Luật. Tôi nghĩ là đã có một sự thay đổi rất là lớn không còn như những cuộc biểu tình đình công chỉ về chuyện lương bổng của một đơn vị nào đó. Dù rằng vấn đề Bảo hiểm Xã hội về cơ bản cũng là vấn đề đụng tới quyền lợi kinh tế của người lao động.”

Đáp câu hỏi về cách ứng xử của Chính phủ, mà nhiều người cho là nhanh và thích hợp đối với một loạt sự kiện mang ý nghĩa rất cụ thể về sự phản ứng của công chúng, như vụ chặt phá cây xanh Hà Nội, vụ lấp sông Đồng Nai và sau hết là vụ đình công lớn chưa từng có liên quan đến Luật Bảo hiểm Xã hội. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:

“Tôi nghĩ rằng có lẽ họ đã nghe được những tín hiệu ấy của người dân và họ phải buộc hành động như vậy.”

Các cuộc đình công với gần 90.000 người tham dự ở Công ty Pouyuen quận Bình Tân TP.HCM, cho thấy người công nhân chưa có một cơ chế đại diện đích thực cho mình. TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Không có những tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Đáng tiếc là chỉ có một cái gọi là Công đoàn và ông Chủ tịch Công đoàn ấy ra lời kêu gọi này kia, nhưng vẫn cứ đổ cho là thế lực thù địch kích động này khác mà người ta không hiểu rõ cái chính là cái việc làm chính sách, đáng lẽ khi người ta chuẩn bị cái Luật ấy nếu có những công đoàn độc lập thì họ sẽ phải thảo luận, phải làm đủ mọi thứ. Thậm chí Nhà nước phải đài thọ một phần chi phí cho những tổ chức độc lập ấy để họ bàn thảo với những người bị Luật ấy ảnh hưởng. Bởi vì như tôi nói ý chí người dân phải phản ánh được để trở thành chính sách, thì cái kênh để biến ý chí người dân trở thành chính sách phải là các đảng phái, hoặc là các tổ chức xã hội dân sự. Rất tiếc nhưng kênh, những cơ chế như thế ở Việt Nam không có, có thể nói quá trình làm chính sách ở những nước độc đoán thì thường là như vậy.”

Bước đường tiến tới dân chủ ở Việt Nam được cho là còn quá xa, nhưng thắng lợi của phản biện xã hội trong vụ chặt bỏ cây xanh hàng loạt ở Hà Nội, vụ lấp sông Đồng Nai để xây dựng và vụ đình công có 90 ngàn người tham gia ở Saigon, đã hé mở ra một sự thay đổi cả về nhận thức lẫn hành động của người dân Việt Nam.

“Trong kỷ nguyên Internet với mạng xã hội, quả thật không điều gì lạ dưới ánh mặt trời. Không một sự thiếu minh bạch nào có thể che giấu mãi.” Chúng tôi xin mượn lời ông Nguyễn Khắc Giang trong bài viết trên VnExpress để kết thúc mục Đọc báo trên mạng tuần này.

Nam Nguyên

(RFA)

Tin bài liên quan:

“Tôi từng khuyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ từ chức!”

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ Tài chính: “Thuế tăng không có nghĩa giá ôtô sẽ tăng”

Phan Thanh Hung

VNTB – Tập Cận Bình: Ký kết thỏa thuận AIIB là bước tiến lịch sử

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo