Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã phát triển vượt mục tiêu về lượng giai đoạn 2011-2015, nhưng rất thiếu ổn định do chính sách hỗ trợ của Nhà nước không đến được với họ.
Số lượng phát triển vượt bậc
Theo báo cáo của Cục Phát triển Doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp về kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2016- 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay, 6-1, trong 5 năm qua có 380.000 DNNVV được thành lập, vượt cao so với mục tiêu là 350.000.
Như vậy, đến nay cả nước có 535.000 DNNVV hoạt động. Khu vực này chiếm 50% tổng vốn đầu tư toàn bộ khu vực doanh nghiệp, đóng góp 45% vào GDP, 30% thu ngân sách nhà nước, và tạo ra 55% số việc làm trong giai đoạn trên.
Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư của DNNVV so với doanh nghiệp quy mô lớn (gồm cả doanh nghiệp nhà nước) lại biến đổi rất mạnh qua từng năm. Chẳng hạn, tỷ trọng này chiếm 56% tổng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp năm 2011, giảm xuống còn 29% năm 2012, tăng vọt lên 86% năm 2013, nhưng lại sụt giảm xuống còn 25% năm 2014.
Việt Nam đặt mục tiêu có 700.000 DNNVV năm 2020 – Ảnh TL. |
Cục Phát triển Doanh nghiệp đánh giá, xu hướng này cho thấy việc đầu tư của khu vực DNNVV không ổn định và không dài hạn. Điều này cũng cho thấy khu vực này gia nhập hay biến mất khỏi thị trường rất mạnh.
Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, khu vực DNNVV sẽ có các mục tiêu như số doanh nghiệp thành lập mới là 450.000; số doanh nghiệp hoạt động đến 2020 là 700.000, chiếm 98% số doanh nghiệp toàn quốc; tỷ trọng đầu tư chiếm 50%; tỷ lệ lao động là 50%; đóng góp vào ngân sách là 35%.
Tại cuộc họp nói trên, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết mức độ quan tâm của cơ quan nhà nước đối với DNNVV ngày càng được cải thiện.
“Năm năm trước khi chúng tôi yêu cầu các bộ và địa phương báo cáo về hoạt động của DNNVV, thì chỉ có 1/3 có báo cáo. Hiện tại trên 90% báo cáo của địa phương có nội dung về DNNVV. Đó là một sự thay đổi lớn”, ông Hùng nói.
Thiếu chính sách hỗ trợ
Tại buổi họp sáng nay, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội DNNVV nhận xét, năm năm qua đã có nhiều chính sách, nhưng các DNNVV không thụ hưởng được.
Ông Nam nói: “Chính sách nhiều nhưng không hiệu quả. Bộ ngành nào cũng có chính sách nhưng thiếu quy trình chuẩn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao làm đầu mối cho việc này nhưng tôi nghĩ là các bộ khác có chính sách cũng không coi trọng việc phối hợp đầu mối nên chính sách tản mát và chưa đáp ứng nhu cầu của họ”.
“Có tới 99% DNNVV không có nhu cầu trở thành lớn hơn, họ chỉ cần chính sách ổn định để phát triển bền vững”, ông nhận xét.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhận xét thêm, gần như chưa có chương trình cụ thể nào để hỗ trợ các DNNVV, cho dù đã có hàng loạt các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, sản phẩm, xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ…
“Ta hầu như chưa có chương trình cho DNNVV. May mà có DNNVV nào đó lọt vào các chương trình trên chứ không có chương trình dành riêng cho họ”, ông Đông nói.
Ông Đông bổ sung thêm, đến năm nay mới bắt đầu nhận ra các chương trình đó nằm tản mát, không gắn kết, không xâu chuỗi. Ông đặt câu hỏi: “Nếu như vậy thì có thực sự hỗ trợ được doanh nghiệp không? Có cần chương trình hỗ trợ DNNVV riêng không?”
Ông Hùng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để hỗ trợ khu vực này phát triển, bộ sẽ tiếp tục tiến hành cải thiện môi trường kinh doanh bằng các luật hỗ trợ DNNVV, sửa chế độ kế toán, thuế và phí, và đặc biệt là khắc phục cơ chế về quỹ bảo lãnh tín dụng, xây dựng cơ chế hoạt động của quỹ hỗ trợ DNNVV.
Ông cho biết sẽ có các chương trình trị giá 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động của DNNVV.
Tuy nhiên, ý tưởng này không gặp được sự đồng thuận từ chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.
Ông Thành nói: “Nhà nước không thể dùng nguồn lực để giải quyết tất cả. Có quỹ hỗ trợ cũng không thỏa mãn được nhu cầu của doanh nghiệp”.
“Nhà nước cũng không phải nghĩ xem cần hỗ trợ gì nữa. Đó là việc của hiệp hội doanh nghiệp. Cần có thời gian để hiệp hội lớn lên”, ông nói.
Theo TBKTSG