Vài tuần trước khi Đại hội Đảng 12 khai mạc tại Hà Nội, mạng xã hội xuất hiện nhiều đơn thư, status ‘liên quan đến lãnh đạo’.
Hôm 30/12, báo Tuổi Trẻ thông báo một lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho mô tả điều họ gọi là đơn thư xuất hiện trên mạng internet tố cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là đơn thư ‘mạo danh’.
Đơn thư theo vị lãnh đạo Văn phòng Chính phủ khẳng định là ‘mạo danh’ đã xuất hiện trên một số trang blog và mạng xã hội gần đây”, Tuổi Trẻ viết.
Theo lá đơn đề ngày 9/12, ông Phúc bị một người tự nhận là ‘cán bộ lão thành nghỉ hưu tại Tam Kỳ, Quảng Nam’ đề nghị thanh tra “khối tài sản khổng lồ của ông”.
“Người ký tên đơn thư tố cáo này là ‘Nguyễn Đức Hạnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ’ với nội dung về việc sắp xếp cán bộ của tổ chức này.
Tuổi Trẻ đưa tin lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã giao Vụ Tổ chức cán bộ xác minh thông tin, cho thấy Văn phòng Chính phủ không có cán bộ như nêu trên.
Hôm 28/12, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh thành, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nói: “Tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước xảy ra rất nghiêm trọng”.
‘Suy đoán không có cơ sở’
Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 29/12, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, bình luận:
“Bây giờ trên trang mạng đưa nhiều thông tin của người này, người kia, những người lãnh đạo Đảng và nhà nước phát biểu thế này, phát biểu thế kia, theo văn bản này kia.
“Mà tôi nghĩ theo quy định của Việt Nam, những văn bản đó là văn bản tối mật, mà tự nhiên lại bị bung lên trên mạng…
“Đó là những tài liệu thuộc loại gọi là bí mật, mà bây giờ tự nhiên lại đưa ra công khai, thì đó là hoạt động không bình thường, và như vậy thì an ninh, an toàn trong các chủ trương, chính sách, các văn bản này nọ thì không biết thực giả như thế nào…
“Có một phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ Công an như thế, thì chắc là ông phải có trách nhiệm điều tra, làm rõ hoặc là có biện pháp ngăn chặn hiệu quả…
“Tôi đã từng trả lời là phải khởi tố vụ án làm lộ bí mật của cơ quan nhà nước, thì lúc đó mới điều tra biết được ai là ai và tại sao và ai đứng đằng sau được, chứ bây giờ suy đoán thì không có cơ sở,” luật sư Thuận nói.
Giới quan sát đánh giá tranh giành quyền lực cho các vị trí lãnh đạo cao nhất thường được gọi là “tứ trụ” là nguyên nhân chính dẫn tới sự trì hoãn và kéo dài thêm các hội nghị trung ương so với các kỳ đại hội trước.
Trong giai đoạn diễn ra Hội nghị Trung ương 13, một bức thư được mô tả của một ủy viên Bộ Chính trị gửi Tổng bí thư Trọng xuất hiện trên mạng xã hội gây xôn xao và được chia sẻ nhiều.
Một trang tin tiếng Anh đã tóm tắt lại nội dung lá thư trong đó người được cho là Thủ tướng Dũng giãi bày một loạt những cáo buộc liên quan đến phát biểu của ông về Trung Quốc và cuộc sống gia đình ông.
Cách đây khoảng một năm trên mạng xuất hiện một trang tin có tên Chân dung Quyền lực cũng từng phát tán các cáo buộc liên quan tới một số chính khách cấp cao, tài sản của gia đình họ và con cái họ tại Việt Nam mặc dù không đăng tải bài nào về cá nhân Thủ tướng Dũng.
Trang này ngưng cập nhật từ cuối tháng Một năm nay và không bị chặn tại Việt Nam.
BBC