Việt Nam Thời Báo

Donald Trump, chế độ gia đình trị ?

Blog Thụy My

Con gái và con rể ông Trump có mặt trong buổi tiếp thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 17/11/2016 tại Trump Tower.
(AFP 18/11/2016) Cô con gái Ivanka Trump nghiễm nhiên có mặt trong buổi tiếp thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người chồng cô là Jared Kushner muốn được tham dự buổi báo cáo về an ninh hàng ngày tại Nhà Trắng…Gia đình Donald Trump vốn rất tích cực trong chiến dịch tranh cử, nay hiện diện cùng khắp, gây thêm lo ngại về xung đột lợi ích và sự thiếu kinh nghiệm nơi đội ngũ của tổng thống tân cử.

Các bức ảnh chụp cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông Trump với một lãnh đạo ngoại quốc hôm thứ Năm 17/11 đã tạo ra cả một làn sóng phẫn nộ trên Twitter, từ những người ủng hộ bà Hillary Clinton. Đặc biệt là tấm ảnh cô con gái Ivanka, luôn duyên dáng trong chiếc váy đẹp và đôi giày cao gót màu đen, ngồi bên cạnh cha và nhà lãnh đạo Nhật Bản tại tổng hành dinh ở Trump Tower. Trong một tấm khác, thủ tướng Abe và ông Trump đàm luận dưới cặp mắt quan sát của Ivanka và chồng là Jared.


« Xung đột lợi ích chỉ là uyển ngữ » – Matt Ortega, một trong những người chịu trách nhiệm về mạng trong chiến dịch của Hillary Clinton nhận xét. Còn tạp chí thiên tả Mother Jones phản ứng : « OMGOMGOMGOMGOMG » (« Oh My God »).

Tờ New York Times hôm thứ Năm dẫn các nguồn tin nặc danh khẳng định anh con rể Kushner đã liên lạc với một luật sư để tìm cách tham gia chính quyền của cha vợ.


Một đạo luật chống lạm dụng quyền lực đã được thông qua năm 1967, sau khi tổng thống John F.Kennedy bổ nhiệm người em trai Bobby làm bộ trưởng Tư pháp. Luật này cấm mọi thành viên trong gia đình hay thông gia của một tổng thống đảm nhiệm công việc có lương trong một cơ quan liên bang. Tuy vậy theo báo chí Mỹ, quy định không mấy rõ ràng đối với các chức vụ cố vấn của Nhà Trắng.

Từ khi đắc cử, Donald Trump đã làm mọi cách để chứng tỏ ông tiếp tục dành cho gia đình mình vị trí trọng yếu. Trong chiến dịch tranh cử, nhà tỉ phú đã dựa rất nhiều vào ba người con là Eric, Donald Junior và Ivanka – cả ba cũng dấn sâu vào việc kinh doanh. Và chàng rể Jared, kín đáo hơn, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hậu trường. 

Chàng rể Jareh Kushner trò chuyện với thủ tướng Nhật.
Ảnh hưởng gia đình lớn như thế lên các tổng thống Mỹ đã từng diễn ra – Sam Abrams, giáo sư chính trị học ở Sarah Lawrence College ở New York nhấn mạnh. Từ Eleanore Roosevelt đến Michelle Obama, hay gia đình Kennedy hoặc Bush, người vợ hoặc các con thường có vai trò lớn cho dù không chính thức. Và luật chống lạm dụng quyền lực không cản trở được gì.

Đối với Daniel DiSalvo, chuyên gia của City College ở New York, nhà tỉ phú địa ốc đại diện cho một thứ cocktail chưa từng thấy, do « tính chất business » của ông ta : tên Donald Trump mang lại giá trị cho phần lớn tài sản của ông như các tòa cao ốc và sân gôn ; gia tài lớn lao và số người con lớn phụ trách kinh doanh.

Theo DiSalvo : « Tất cả những yếu tố này tạo điều kiện nảy sinh xung đột lợi ích », « sẽ không giải quyết được » qua việc giao phó cho các con, thay vì một « blind trust » – tức một đơn vị quản lý độc lập, mà Donald Trump không có quyền can thiệp vào.

Chiếc lắc vàng trị giá 10.000 đô la được Ivanka quảng cáo.
Ivanka Trump còn dính líu vào một vụ xung đột lợi ích nho nhỏ vào đầu tuần, khi nhãn hiệu trang sức mang tên cô muốn quảng bá một trong những kiểu lắc tay mà cô đeo trong cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên sau khi Donald Trump đắc cử.

Sam Abrams nhận định, nếu ảnh hưởng gia đình ông Trump không có gì đáng ngạc nhiên, Donald Trump đã phạm sai lầm khi chưa chi đã đặt các thân nhân lên hàng đầu. Nhất là song song đó ông lại chần chừ trong việc chiêu mộ các chuyên gia uy tín, không bị tai tiếng.

Hai vợ chồng Ivanka Trump và ông Shinzo Abe.
Ông Abrams nói : « Để người thân xen vào cũng là chuyện bình thường. Nhưng khi gặp gỡ thủ tướng Shinzo Abe, một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, trước hết cần bàn bạc với các chuyên gia thay vì đi gặp ông con rể Jared và hỏi ‘‘Cậu thấy thế nào ?’’ ».

Các chuyên viên được báo chí Mỹ dẫn lời hôm thứ Năm đã tỏ ra quan ngại khi ông Trump không yêu cầu bộ Ngoại giao báo cáo ngắn gọn trước khi đàm luận với người đứng đầu nước Nhật. 


Cũng theo ông Abrams : « Có tâm trạng thù hận, thất vọng sau cuộc bầu cử », « Đó là lãnh đạo tồi tệ khi chúng ta biết rằng có gì đó không ổn và người dân phẫn nộ…Điều này không giúp người dân Mỹ cảm thấy dễ chịu hơn chút nào ».

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo