Quốc hội khoá 14 và bất ngờ ở “phút 89”
VnEconomy
Theo hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Vietnam; Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Công thương thành phố Hà Nội; Phó trưởng ban Đối ngoại của Hội đồng Nữ doanh nhân thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam… – Ảnh: Tuổi Trẻ.
Bất ngờ. Đó là hai chữ được Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói về thông tin nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch khác ngoài quốc tịch Việt Nam.
Nhưng, có lẽ không chỉ mình ông Phúc bất ngờ.
Quốc hội khoá 14 đã được triệu tập họp kỳ thứ nhất, bắt đầu từ sáng 20/7. Tức là chỉ sau hai ngày nữa.
Ngay phiên khai mạc, kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá này sẽ được báo cáo trước Quốc hội.
Tuần qua, cụ thể là sáng 15/7, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã họp và tiến hành bỏ phiếu xác nhận tư cách những người đã trúng cử đại biểu Quốc hội khoá 14, trong đó có bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Khi đó, phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội vừa qua có 496 đại biểu trúng cử. Tuy nhiên, trong số đó có một trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Sau đó, chỉ duy nhất ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội.
Nhưng, việc này không bất ngờ. Bởi thời gian khá dài trước đó, những vi phạm của ông Thanh đã được báo chí đề cập không ít. Sau đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về nhiều sai phạm của ông Thanh. Cơ quan này đã kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá 14 đối với ông này.
Nếu có bất ngờ, thì đó chính là vì sao ông Thanh với cả quá trình đầy sai phạm như thế lại có thể “lọt” vào danh sách để bầu đại biểu Quốc hội khoá 14 và trúng cử với số phiếu thuận cao nhất đơn vị bầu cử đó.
Dù sao, khi đã có kết luận rõ ràng từ Uỷ ban Kiểm tra, cuộc bỏ phiếu ở Hội đồng Bầu cử Quốc gia ở phiên họp thứ 7 với ông Thanh chỉ còn mang tính thủ tục.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói đó sẽ là phiên họp cuối cùng của Hội đồng. Từ đấy cho đến ngày Quốc hội khoá 14 khai mạc kỳ họp thứ nhất, nếu có việc phát sinh cần xin ý kiến thì sẽ gửi phiếu trực tiếp đến từng thành viên chứ không họp toàn thể nữa.
Nhưng, đến chiều Chủ Nhật (17/7), Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã phải họp đột xuất phiên thứ 8, bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Lý do được ông Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận sau đó là do bà Hường đã vi phạm điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam về nguyên tắc quốc tịch quy định: Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác.
Khi ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là công dân Việt Nam. Nhưng cơ quan chức năng mới phát hiện bà Hường có quốc tịch thứ hai, của Cộng hòa Malta, một quốc đảo nằm tại châu Âu.
Việc làm này được ông Phúc nhấn mạnh là vi phạm pháp luật, và vì vi phạm này mới được cơ quan chức năng phát hiện sau phiên họp thứ 7, nên Hội đồng Bầu cử Quốc gia phải họp khẩn phiên thứ 8 để xem xét.
Với 100% các thành viên tham dự bỏ phiếu đồng ý, bà Hường đã không được công nhận là đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới. Cộng với ông Thanh đã bị bác tư cách, cùng với việc bầu thiếu 4 đại biểu, Quốc hội khoá 14 chỉ có 494 đại biểu.
Sáng 18/7, công việc tổng kết bầu cử sẽ diễn ra. Chỉ sau đó hai ngày thì Quốc hội khoá 14 sẽ khai mạc kỳ họp thứ nhất.
Vì thế, việc bà Hường không được công nhận là đại biểu Quốc hội cũng có thể được coi là bất ngờ ở “phút 89”. Đây được xem là bất ngờ không chỉ với Hội đồng Bầu cử Quốc gia, với nhiều người trong giới doanh nhân, mà còn với các cử tri – những người đã lựa chọn bà qua lá phiếu.
Tất nhiên, không phải cứ được xác nhận tư cách trước kỳ họp thứ nhất thì đương nhiên là đại biểu Quốc hội cả nhiệm kỳ. Quốc hội khoá 13 cũng đã từng bãi nhiệm hai nữ doanh nhân.
Khi đó, ở nhiều phiên họp, việc chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội cũng đã từng được cho rằng cần phải rút kinh nghiệm, để bầu được những người thực sự xứng đáng đại diện cho nhân dân ở cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
Đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới, cho đến sát ngày bỏ phiếu, tất cả các ứng viên, trong đó có cả ông Thanh – người mà vi phạm không phải mới diễn ra ngày một ngày hai – đều được khẳng định là đủ tiêu chuẩn trở thành đại biểu.
Rồi ông Thanh không được xác nhận tư cách. Hai ngày sau lại thêm bà Hường. Hy vọng sẽ không còn bất ngờ nào sau “phút 89”.
Theo Nguyên Vũ
VnEconomy
—————-
* Tựa đề do VNTB đặt