Một dự án khổng lồ xuất hiện bên bờ sông Đồng Nai, do công ty Toàn Thịnh Phát thực hiện, đưa đất ra lấp cả một quãng sông lớn. Báo chí vào cuộc, và thật kỳ lạ, càng đi sâu vào “cung đường” cho thấy cách dự án này thành hình, người ta càng hoang mang với câu trả lời ráo hoảnh của người đứng đầu đơn vị hực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐCM) của dự án lấp sông Đồng Nai.
“Dư luận là ai? Toàn mấy kẻ phá hoại thôi!”
GS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TP.HCM – người đứng đầu thực hiện bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã trả lời báo Người Lao Động như thế khi được hỏi: “Dự án này đang được dư luận rất quan tâm, ông không lo ảnh hưởng uy tín của viện sao?”
Thưa GS, có lẽ ông không quan tâm đến bất cứ cái đánh giá nào, hay cái môi trường nào. Ông cũng không cần quan tâm đến dòng sông Đồng Nai ở quê hương của tôi. Có lẽ nhà ông ở TPHCM, và ông không việc gì phải quan tâm đến cái đám dư luận đang giận dữ vì dòng sông kia.
Dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát đang lấn sâu ra giữa lòng sông Đồng Nai – Ảnh: Diệp Đức Minh |
Về mặt cá nhân, dòng sông đó chẳng của ai cả, và cũng không ai có quyền ép ông phải yêu hay ghét dòng sông đó – nó chỉ là 1 dự án mà một công ty đang định san lấp cho bằng làm khu đô thị.
Nhưng đây không phải chuyện cá nhân, ông là nhà khoa học. Quan trọng hơn, thưa GS Nguyễn Văn Phước, ông còn là người đứng tên đầu tiên trong một bản báo cáo đánh giá tác động môi trường – vốn là tài liệu cực kỳ quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định liệu có nên cho phép lấp sông Đồng Nai hay không.
Cái “dư luận” đang đáp lại ông đó là ai? Đó là cả một hội thảo “Phát triển bền vững lưu vực sông – thách thức và giải pháp” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp (Quốc hội) và Mạng lưới sông ngòi VN (VRN). Đó là nơi những nhà khoa học như TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, đã dành hẳn thời gian công sức để “nghiên cứu lại” cái nghiên cứu mà Viện Môi trường và Tài NguyêN TP.HCM đã thực hiện.
Tất cả những gì được nói rõ trên báo chí lấy từ so sánh rành mạch, những nội dung thể hiện từng câu chữ, rõ nét như… cái nghĩa trang Vĩnh Hằng mà bản báo cáo lấp sông Đồng Nai của các ông đã sao chép gần như y chang phần kết luận cuối cùng.
Là nhà khoa học, những người làm nghiên cứu đã tổ chức hẳn một hội thảo, làm hẳn một nội dung để tranh luận với ĐTM của GS và Toàn Thịnh Phát. Còn ông Nguyễn Văn Phước – một Viện trưởng – lại dùng một tính từ nặng lời sỉ nhục để gán ghép cho những nhà khoa học khác mà chẳng cần tranh luận trên bất cứ cơ sở khoa học nào.
Hãy “ăn” hết di sản của con cháu chúng ta đi!
Hãy “ăn” hết di sản của con cháu chúng ta đi!
Thưa GS Nguyễn Văn Phước, cái dòng sông Đồng Nai ấy, nó có thể chỉ là một dự án. Người ta lấp thêm đất, mở nó rộng ra, làm thành một khu dân cư. Cái lý lẽ thuần túy của phát triển bao giờ cũng hấp dẫn. Nó có thể biện minh cho mọi điều khác của tự nhiên, đất đai, sông ngòi hay biển cả.
Dòng sông Đồng Nai làm tôi nhớ đến những con đường phá rừng ở Tây Nguyên, nơi người ta chặt sạch những cánh rừng già ở khu vực này. Rồi cũng xong cả, ai xong việc nấy. Ai có gỗ thì giàu có vô biên, đường sạch tinh tươm không bóng cây. Chỉ có thiên nhiên chẳng buông tha ai cả. Nó chứng minh rằng dù đường có đẹp, cà phê có xanh đồi hay cao su có đẻ ra vàng trắng thì chỉ cần một cơn lũ nhẹ nhàng một đêm là đủ sức quét sạch mọi thành tựu, mọi sinh mạng người, mọi ảo tưởng về chinh phục tự nhiên.
Dòng sông Đồng Nai này – có lẽ nó sẽ giống mọi dự án thủy điện trải khắp các dòng sông từ Bắc đến Nam, từ Mekong đến Đồng Nai. Nó chứng minh một sự tham lam bất khả của loài người, nơi người ta có thể dùng mọi đề tài khoa học, mọi giấy tờ chứng từ, mọi bằng chứng đo đạc để trấn an dư luận “không gây ảnh hưởng nghiêm trọng” đến môi trường.
Nhưng rồi hàng chục cái thủy điện không đủ nước chạy phải đắp chiếu chờ ngày han rỉ. Hàng chục cánh rừng (xung quanh nhà máy) đã kịp trở thành trọc lốc. Hàng chục cơn động đất ngày qua ngày ập đến với cư dân Bắc Trà Mi, hay những cơn vỡ đập, bể hồ chứa xảy ra suốt dọc nơi gần các nhà máy thủy điện. Lúc đó thì ai chịu?
Thưa ông Nguyễn Văn Phước, dư luận sẽ chịu hết. Người dân sẽ chịu hết. Ai cũng chịu được. Chỉ có con người chết đi thì không thể chịu được. Và dòng sông Đồng Nai này, có không chỉ là con người có đủ sức kìm trấn dòng chảy của dòng nước dữ hay không.
Nước sông Đồng Nai còn là nguồn cung cấp nước uống cho cả cái TP.HCM này. Bao nhiêu nghi vấn đặt ra về sự cẩu thả trong viết báo cáo tác động môi trường sẽ là chừng ấy nguy cơ cho tất cả con người đang phụ thuộc vào dòng nước chảy qua khúc sông ấy. Phải chăng những người trưởng thành chúng ta đang ăn sạch di sản rừng cây, biển cả và cả dòng nước của con cháu mình, bất chấp mọi nguy cơ đầy sợ hãi thấy trước từ nhiều công trình vừa nêu trên?
Báo cáo ĐTM này chỉ là sao chép từ nghĩa trang Vĩnh Hằng?
Đất lấp sông Đồng Nai là đất nhiễm dioxin nặng từ sân bay Biên Hòa?
Bao nhiêu câu hỏi như thế, đã đủ để dư luận cần phải lên tiếng chưa – thưa Giáo sư?
Một người dân Đồng Nai như tôi không rõ ai sẽ là kẻ phá hoại trong câu chuyện này, nếu dự án này được lấp hệt như… nghĩa trang?
Dòng sông Đồng Nai – nó là cuộc sống của hàng triệu con người đấy!
Theo Khải Đơn (Thanh Niên)