Zing News
Nhiều chuyên gia phân tích việc chủ dự án “Lên trời gọi mưa” đề xuất Chính phủ tạm ứng 5.000 tỷ đồng để thử nghiệm là hoang tưởng, thậm chí điên rồ.
Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Ngô Quang Toàn (Viện phó Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ biển thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho rằng dự án này hoang đường, hoang tưởng, không đáng phải quan tâm.
Theo tiến sĩ Toàn, việc tác động vào thiên nhiên không phải là chuyện nói là làm được. “Chuyện phòng tránh, biến đổi khí hậu là chuyện lâu dài, mất rất nhiều thời gian và tâm sức, tiền của. Việc này phải thực hiện theo chiều sâu là tìm ra nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu mà tìm cách khắc phục chứ không ai làm theo kiểu đi tắt đón đầu”, ông nói.
Vị Viện phó cũng cho hay biến đổi khí hậu, mưa gió lũ lụt, người ta mới chỉ dừng ở mức độ phòng và tránh để giảm thiểu thiệt hại chứ mấy ai dám chống lại sức mạnh thiên nhiên.
Ông phân tích, những vụ việc tương tự trên thế giới cũng từng có. Năm 2015, nước Nga có một cuộc duyệt binh quan trọng ở quảng trường Đỏ ở Moscow. Họ muốn tránh những cơn mưa lớn có thể ảnh hưởng nên đã thực hiện bắn tên lửa lên trời. Những ion bạc bắn ra từ tên lửa làm cho hơi nước tích tụ ở đó, dẫn đến mưa ở ngoại thành. Họ tạo ra mưa nhân tạo để phòng tránh mưa lớn ảnh hưởng buổi lễ.
“Nhưng làm như vậy tốn kém lắm. Việt Nam mình đã làm được đâu. Các nước tiên tiến họ cũng không làm việc này”, chuyên gia này phân tích.
Về số tiền 5.000 tỷ đồng cho việc khởi động dự án “Lên trời gọi mưa”, tiến sĩ Ngô Quang Toàn cho rằng nên dùng để xây dựng nhiều công trình thủy lợi, tiêu nước, sử dụng lâu dài ứng phó với hạn hán, thay vì chỉ để thử nghiệm dự án khó thành công này.
“Chúng ta khuyến khích các cá nhân, tập thể cùng tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Nhưng cái gì cũng phải trên cơ sở thực tế chứ không phải trên những thứ vô bổ”, tiến sĩ Toàn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, “ông già ôzôn” – tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải khẳng định đây là một dự án “điên rồ”, chưa có gì khả thi.
Theo phân tích của “ông già ôzôn”, việc làm mưa nhân tạo hoặc ngăn cản mưa đã được nghiên cứu và đề xuất thử nghiệm từ lâu, tuy nhiên chưa được triển khai.
Để làm mưa nhân tạo cần phải đầu tư một lượng kinh phí rất lớn, công nghệ cũng khá phức tạp và đòi hỏi nhiều ngành cùng tham gia, trong khi chưa chắc chắn được hiệu quả mang lại.
“5.000 tỷ đồng ở các quốc gia phát triển không là gì, nhưng họ cũng có triển khai đâu. Việt Nam con số đó là rất lớn, trong khi chúng ta chưa dám chắc được hiệu quả mà nó mang lại”, tiến sĩ Khải thẳng thắn.
Trong khi đó, ông Phan Đình Phương (Giám đốc công ty Cổ phần Khoa học công nghệ An Sinh Xanh – người đề xuất dự án) chia sẻ ông “không bị khùng”. Ông Phương cho rằng dự án có tính thực tiễn và được nghiên cứu kỹ trước khi trình lên Chính phủ.
Theo ông Phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn gửi ông và đề xuất gặp mặt để thảo luận. Bộ này đánh giá dự án là ý tưởng độc đáo và có tính khả thi, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Theo Thắng Quang
Zing News