Việt Nam Thời Báo

Dừng cấp phát ngân sách mới “cứu” được địa phương

Chính cơ chế cấp phát ngân sách từ trung ương là nguồn cơn dẫn đến tình trạng ỷ lại và “vung tay quá trán” tại các địa phương, tới mức không trả được các khoản nợ hay hết tiền hoạt động trước khi hết năm tài khóa như tình huống vừa xảy ra ở Bạc Liêu, Cà Mau

Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) hiện hành quy định: về nguyên tắc, ngân sách địa phương được cân đối với tổng số chi không vượt quá tổng số thu. Trong trường hợp muốn vay nợ, trừ Hà Nội và TPHCM được vay nợ không vượt quá 60% tổng thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, thì các địa phương còn lại chỉ nơi nào có nguồn thu ngân sách lớn hơn chi thường xuyên mới được vay không quá 30% thu ngân sách. Các địa phương có số thu ngân sách ít hoặc bằng chi thường xuyên chỉ được vay nợ không quá 20% thu ngân sách.

 Hiện nay chỉ có 26% địa phương cân đối được thu chi và chỉ những địa phương này mới có thể phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để vay nợ nhằm mục đích đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội. Trong ảnh: một đoạn quốc lộ 51 sau cơn mưa. Ảnh: THÀNH HOA

Tỷ lệ nợ của chính quyền địa phương trên GDP năm 2014 chỉ là 0,8%. Năm 2015, ngân sách địa phương tăng thu khoảng 47.700 tỉ đồng trong khi ngân sách trung ương hụt thu khoảng 31.300 tỉ đồng. Quy định của luật và con số được công bố khiến người ta tưởng rằng, tình hình tài chính của các địa phương là khá vững chắc, nếu đem so với tình hình thiếu trước hụt sau mà Chính phủ đang phải đối diện.

Nhưng khi Bạc Liêu và Cà Mau “đổ nợ” thì bức tranh ngân sách lộ ra nhiều vấn đề không nằm ở những con số được công bố. Tại hội thảo về cơ chế cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh được tổ chức tại Hà Nội mới đây, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết chỉ có 13/63 địa phương cân đối được thu chi. 50 địa phương phải nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Một số địa phương chỉ đảm bảo được chi thường xuyên. “Cơ chế ngân sách trung ương cấp phát cho địa phương là chủ yếu”, bà Thảo nói.

92% số tiền mà trung ương cho địa phương vay lại thực chất là cấp phát, chỉ có trên 7% là thực sự quan hệ vay – trả.

Hiện nay, cơ chế ngân sách ở Việt Nam được xem là cơ chế ngân sách lồng ghép giữa trung ương và địa phương, có một số nguồn thu của địa phương điều tiết về trung ương. Nhưng thực tế ngân sách trung ương chi cho ngân sách địa phương quá lớn vì chỉ có 26% địa phương cân đối được thu chi và chỉ những địa phương này mới có thể phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để vay nợ nhằm mục đích đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội. Các nguồn vay ngân sách khác cũng hạn chế vì địa phương khó có thể đảm bảo khả năng trả nợ trong trường hợp mất cân đối thu – chi.

Chính phủ đi vay ODA và các nguồn vay ưu đãi về đã dành phần không nhỏ cho chính quyền địa phương vay lại để đảm bảo các mục tiêu đầu tư. Con số thống kê được Bộ Tài chính công bố hôm 10-12 là: trong giai đoạn 2004-2014, trong tổng số 45 tỉ đô la Mỹ đi vay từ các nguồn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài, có tới 15,5 tỉ đô la Mỹ được Chính phủ cho chính quyền địa phương vay lại (chiếm 35%). Trong số này thì các địa phương dành để đầu tư vào hạ tầng 38%, còn lại cho các mục tiêu khác. Song 92% số tiền mà trung ương cho địa phương vay lại thực chất là cấp phát, chỉ có trên 7% là thực sự quan hệ vay – trả, theo báo cáo của bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại hội thảo này.

Bà Nguyễn Xuân Thảo nói tại hội thảo rằng do cơ chế cấp phát, thiếu tính giám sát nên nhiều địa phương nghĩ rằng đây là nguồn vốn cho không, tranh thủ đăng ký càng nhiều càng tốt mà không nghĩ là vốn vay, càng không tính đến hiệu quả dự án. Bà dẫn ví dụ tại nhiều địa phương, khi Bộ Tài chính đến làm việc, hỏi về dự án vay vốn thì họ không nắm được tình hình. Việc cấp phát vốn dẫn đến tình trạng đồng vốn vay cho dự án bị đội lên rất lớn.

Việt Nam đang đứng trước thời điểm phải xem lại cơ chế ngân sách từ trung ương đến địa phương, nhất là cơ chế ngân sách địa phương, một cách nghiêm túc.

Thứ nhất là do tình hình chi tiêu ngân sách ở các địa phương, nhất là các địa phương không cân đối được ngân sách đã để lộ ra những khoảng tối nợ nần như trên.

Thứ hai là kể từ năm 2017, Luật NSNN sửa đổi cho phép các địa phương được phép bội chi ngân sách.

Nghĩa là địa phương được phép đi vay để đầu tư và chi có thể vượt quá thu nếu nguồn vay dùng để đầu tư các dự án trong kế hoạch năm năm đã được hội đồng nhân dân các địa phương cấp tỉnh phê duyệt. Nói khác đi, Luật NSNN quy định bội chi ngân sách địa phương sẽ là một cấu phần trong bội chi NSNN, nhằm mục đích kiểm soát bội chi NSNN tốt hơn, thay vì không hạch toán cụ thể như trước. Vì vậy, Chính phủ cần ban hành quy định thật cụ thể về điều kiện, hạn mức được phép bội chi ngân sách địa phương để đảm bảo khả năng trả nợ của địa phương và phù hợp với tổng mức bội chi chung của NSNN, kèm theo đó là những quy định cụ thể về mức dư nợ của ngân sách địa phương, gắn với trách nhiệm vay – trả nợ thay vì cho không.

Mặt khác, cũng từ năm 2017, Việt Nam sẽ không còn được vay từ nguồn IDA (nguồn vốn vay dành cho các nước nghèo và kém phát triển của Ngân hàng Thế giới) do đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Việc phải chuyển qua các nguồn vay thương mại với lãi suất cao hơn khiến việc cấp phát lại ngân sách cho các địa phương sẽ không còn dễ dàng như trước mà phải được kiểm soát chặt chẽ.

Theo TBKTSG

Tin bài liên quan:

Tăng tốc thoái vốn: Thay người đại diện nếu “gây khó” việc thoái vốn *

Phan Thanh Hung

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trả hết nợ sẽ thiếu tiền đầu tư

Phan Thanh Hung

VNTB – Hết tiền để ‘chống’ dịch Covid

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.