Nếu giá dầu xuống 40 USD/thùng thì khai thác ở các mỏ có giá thành cao sẽ không hiệu quả.
Theo tin mới nhất từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương (VITIC), sáng 8/1, giá dầu Brent giao ngay tiếp tục giảm nhẹ 0,08 USD (-0,16%) xuống còn 51,02 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giao ngay nhích nhẹ 0,08 USD (+0,16%) lên 48,73 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) kỳ hạn giao tháng 2.2015 trên sàn Nymex New York tăng 72 cent (+1,5%) lên 48,65 USD/thùng. Trước đó, giá chạm 46,93 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 4.2009.
Trong khi nguồn cung dầu thô dự báo vẫn không bị cắt giảm, điều này đang đặt ra nhiều kịch bản về giá dầu tiếp tục hạ nhiệt chưa có điểm dừng.
Giá dầu thấp đã tác động giảm đến nguồn xuất khẩu từ dầu thô và thu ngân sách từ hoạt động này. Theo Bộ Tài chính, hiện mức thu ngân sách từ dầu thô chỉ chiếm 10% tổng nguồn thu ngân sách cả nước. Tuy nhiên, nếu giá dầu thô giảm 1USD thì ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 1.000 tỉ đồng. Trước diễn biến giảm sâu của giá dầu, các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu các nước xuất khẩu dầu như Mỹ, OPEC, Nga không cùng nhau cắt giảm sản lượng thì dẫn đến có thể đẩy giá dầu xuống mức dưới 40USD/thùng.
Trong một trả lời phỏng vấn Báo Lao Động mới đây, ông Nguyễn Xuân Sơn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, biến động giá dầu có sự cộng hưởng của các yếu tố địa chính trị sẽ khiến diễn biến còn phức tạp. PVN đã tính toán đến các kịch bản khi giá dầu xuống dưới 100USD/thùng. Với kịch bản giá dầu ở mức 70 USD/thùng, PVN sẽ hụt thu khoảng 28.000 tỉ đồng, còn nếu xuống 60USD/thùng, mức hụt thu sẽ tăng lên gấp đôi (56.000 tỉ đồng). Kịch bản xấu hơn là 40.000 USD/thùng thì PVN sẽ phải tính đến việc đóng các mỏ dầu có giá thành trên 60 USD.
Năm 2014, tổng sản lượng khai thác quy dầu của toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt 27,58 triệu tấn, tăng trên 7% so với kế hoạch năm, trong đó bao gồm tăng thêm hơn 1 triệu tấn dầu theo chỉ đạo của Chính phủ. Khi đó, giá dầu thô trung bình toàn tập đoàn ở mức 110 USD/thùng. Ông Sơn cho biết, hiện nay chi phí bình quân tại các mỏ dầu lớn của VN như Bạch Hổ là 35USD/thùng, còn bình quân các mỏ có điều kiện địa chất phức tạp hơn, nước sâu xa bờ, trữ lượng thấp có khi lên đến 60 – 70USD/thùng. Như vậy nếu giá dầu xuống 40USD/thùng thì khai thác ở các mỏ có giá thành cao sẽ không hiệu quả.
Tuy nhiên, số mỏ có giá thành cao hiện chỉ chiếm khoảng 450.000 tấn trên tổng số hơn 27 triệu tấn là sản lượng khai thác trong năm. Vì vậy, PVN cho biết, trong trường hợp giá dầu giảm sâu, sẽ vẫn khai thác ở các mỏ dầu lâu năm, có trữ lượng lớn, chi phí hạ, áp dụng các biện pháp tăng hệ số thu hồi dầu để giảm lượng hụt thu.
Về đề xuất mới đây của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, nếu giá dầu xuống thấp quá, VN có nên xem xét để đóng các mỏ dầu đang khai thác, Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn cho rằng điều này cũng nằm trong dự định của PVN để bảo toàn mỏ, tránh lãng phí tài nguyên. Tuy nhiên, các mỏ dầu khi khai thác đều có sơ đồ công nghệ với dự kiến khai thác từ 10 – 20 năm cho một đời mỏ, hơn nữa nhiều mỏ dầu có các hợp đồng phân chia sản phẩm với các đối tác nước ngoài, nên việc cân nhắc đóng mỏ nào phải có ý kiến của cả các đối tác tham gia” – ông Sơn nói.
Nguồn Lao động