Việt Nam Thời Báo

Giảm biên chế: Chiêu thức mới để trị những ai dám “cãi Đảng”?

Nguyễn Cao
(VNTB) – Ẩn ý của chuyện giảm biên chế, có lẽ xuất phát từ việc sẽ tiến hành đại hội Đảng cấp cơ sở trong năm 2015, chuẩn bị cho nhân sự nhiệm kỳ mới của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế. Hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 01 năm 2015. Các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này được áp dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

Nghị định 108/2014/NĐ-CP được áp dụng với 6 nhóm sau:

1. Các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ Trung ương đến cấp xã;

2. Các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội;

3. Các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương;

4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội làm chủ sở hữu (sau đây gọi chung là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) được chuyển đổi từ công ty nhà nước, công ty thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, nay tiếp tục được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện sắp xếp lại theo phương án cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập;

5. Công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước nay được cấp có thẩm quyền bán hết phần vốn nhà nước; 6. Nông, lâm trường quốc doanh sắp xếp lại theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, thì các đối tượng nằm trong “tầm ngắm” giảm biên chế, được tính gồm cả Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội làm chủ sở hữu (không bao gồm Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động), và những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Lưỡi gươm treo lơ lửng

Có thể thấy rằng đối tượng giảm biên chế, thực chất không phải để dành cho Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước. Lý do: những chức danh này luôn được bảo đảm bằng các chức vụ tương đương trong Chi bộ Đảng ở công ty.

Ẩn ý của chuyện giảm biên chế, có lẽ xuất phát từ việc sẽ tiến hành đại hội Đảng cấp cơ sở trong năm 2015, chuẩn bị cho nhân sự nhiệm kỳ mới của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đề nghị của nhiều đại biểu là cần lấy lá phiếu tín nhiệm chỉ ở hai mức: “Có” hoặc “Không”; và trong mỗi nhiệm kỳ nên lấy phiếu 2 lần vào cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4. Đại biểu Đoàn Hà Nội, ông Chu Sơn Hà cho rằng việc lấy phiếu lần 2 cũng là phục vụ cho đại hội Đảng các cấp. Do đó, đây là một kênh quan trọng để cấp ủy đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ.

Nhiều đại biểu cũng chung quan điểm với ông Chu Sơn Hà, lấy phiếu lần 2 còn là phục vụ cho đại hội Đảng các cấp sẽ diễn ra trong 2 tháng tới đây. “Đón đầu” điều này nên những người đứng đầu Quốc hội muốn tạo sự an toàn bằng cách ấn định tất cả quan chức đều ở mức đạt “tín nhiệm”.

Và nay thì “giảm biên chế” liệu sẽ là lưỡi gươm treo lơ lửng cho bất kỳ ai nói ngược ý Đảng?
Dè chừng tiếng nói phản biện!

Thử nhìn lại câu chuyện lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng.

Các báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý đều na ná nhau, “hầu hết ý kiến tham gia đều nhất trí cao với dự thảo văn kiện”, rồi “dự thảo có cơ sở khoa học, phản ánh những vấn đề cơ bản và cụ thể từ thực tiễn, có định hướng chiến lược…”.

Trong khi đó thì các chuyên gia độc lập lại bảo “toàn bộ văn kiện lần này không có hơi thở thời đại nên không gắn với thời đại”.

Đại hội Đảng bộ các cấp chỉ đề nghị thêm câu, bỏ từ, còn bên ngoài các đại hội Đảng bộ lại là những ý kiến đụng chạm đến những vấn đề cốt tử như dứt khoát từ bỏ mô hình quản lý kiểu Xô viết, chuyển đổi chiến lược phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng cường dân chủ trong Đảng và trong xã hội…

Vì sao lại có sự khác biệt kỳ lạ này? Những người đóng góp ý kiến độc lập, mạnh mẽ, không ngại “xưng danh” trên các diễn đàn chính thống kia, họ cũng là những đảng viên đấy chứ. Vậy họ khác gì với những đảng viên “ưu tú” đã được chọn lọc để đến dự đại hội Đảng các cấp không?

Nay thì chén cơm, manh áo, rất có thể người ta lại dè chừng khi góp ý với Đảng. Mặc dù vậy, hơn 90 triệu người dân Việt Nam không lẽ lại “phó mặc” cho chưa đến 200 người của Ban chấp hành trung ương, chưa kể chính các ủy viên ấy cũng rất có thể là cũng là những người ngại đụng chạm, nên sẽ “phó mặc” cho Bộ Chính trị?

Tin bài liên quan:

(VNTB)- “Vụ Bùi Hằng”: “Tuyên truyền chống Nhà nước” hay “Đàn áp Phật giáo Hòa Hảo”?

Phan Thanh Hung

Nền công vụ “sao chép”

Phan Thanh Hung

VNTB – Quyền lập hội nhìn từ quan điểm của Hồ Chí Minh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo